Sáng 19/2, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) phối hợp tổ chức Sự kiện thường niên: Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân lần thứ V và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2024 - 2025.
Trong khuôn khổ chương trình, tại phiên đối thoại cấp cao, TS. Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, ngành bất động sản có đóng góp lớn vào GDP và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác. Nhận thức được điều này, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã ban hành và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, được Quốc hội thông qua. Những chính sách này nhận được sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân, bởi vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc, tạo nền tảng pháp lý rõ ràng hơn cho thị trường bất động sản.
"Trước yêu cầu thúc đẩy sự phát triển minh bạch và hiệu quả của thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra và thực hiện nhiều giải pháp để xử lý những vướng mắc, tồn tại. Đây là điểm thuận lợi lớn của thị trường. Đặc biệt, việc thông qua các luật mới như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã tạo điều kiện quan trọng để hệ thống pháp lý đồng bộ hơn, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy sự ổn định thị trường, tạo cơ sở để toàn thị trường phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững", TS. Nguyễn Văn Khôi nhận xét.

TS. Nguyễn Văn Khôi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Nhờ những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ, thị trường bất động sản năm 2024 chứng kiến tín hiệu hồi phục tích cực. Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Phân khúc nhà ở thương mại đang từng bước được tháo gỡ các rào cản pháp lý, cho phép nhiều dự án tiếp tục triển khai và mở bán. Thị trường nhà ở xã hội cũng ghi nhận tiến triển tích cực khi một số dự án đã khởi động và một số dự án khác đủ điều kiện mở bán theo quy định. Đối với phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, thị trường đang trên đà hồi phục nhờ sự phục hồi của ngành du lịch và các chính sách hỗ trợ đầu tư.
"Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong năm 2025", TS. Nguyễn Văn Khôi tin tưởng và cho biết thêm, thuận lợi là những nút thắt của thị trường đang được tháo gỡ một cách đồng bộ. Ngay chiều 18/2 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, ngành, địa phương cho ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại (dự án thí điểm) thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Khi nội dung này chính thức được tháo gỡ, nguồn cung nhà ở trên thị trường chắc chắn sẽ dồi dào hơn.
"Tôi cho rằng, thể chế như hiện tại là rất thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững", TS. Nguyễn Văn Khôi nói.

Các chuyên gia tại phiên Đối thoại Cấp cao: Phát triển bền vững thị trường bất động sản; đóng góp hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong kỷ nguyên mới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng vẫn cần tiếp tục tháo gỡ cho những vướng mắc đang tồn tại, để giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản. Theo TS. Nguyễn Văn Khôi, vướng mắc lớn nhất của thị trường hiện nay liên quan đến định giá đất. Tại nhiều địa phương, nhiều dự án bất động sản chưa thể triển khai do vướng mắc trong khâu định giá đất và tính tiền sử dụng đất. Việc xác định giá đất để tính nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng chậm trễ trong phê duyệt và triển khai dự án. Một số dự án dù đã hoàn thành các thủ tục đầu tư nhưng vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể về cách tính tiền sử dụng đất, doanh nghiệp mất thêm thời gian điều chỉnh kế hoạch tài chính.
Vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung tháo gỡ vướng mắc định giá đất, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm triển khai dự án, qua đó góp phần thúc đẩy nguồn cung bất động sản và sự hồi phục, phát triển của thị trường bất động sản.
TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng, các bộ ngành phải tư vấn cụ thể các phương pháp định giá đất cho địa phương, quy định cụ thể các trường hợp áp dụng theo Nghị định 71/2024/NĐ-CP, ngày 27/6/2024.
"Vấn đề ở đây là quy trình xác định trách nhiệm của tổ chức tư vấn, của cấp cao nhất là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, chịu trách nhiệm với Chính phủ. Trước khi tổ chức tư vấn đưa ra giá cụ thể, cấp có thẩm quyền phải thống nhất, đối với dự án này, thì phương pháp định giá đất là gì, cơ sở nào để áp dụng phương pháp này, từ đó mới bắt đầu tiếp tục giai đoạn tính toán giá đất cụ thể. Nhưng thực tế, hiện khâu này chưa có quy định cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần làm việc với các địa phương để xem xét, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp. Đây chính là gốc rễ để giải quyết vướng mắc định giá đất tại các địa phương hiện nay", TS. Nguyễn Văn Khôi góp ý.