Chia sẻ tại Hội nghị Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 - 2027, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, chúng ta đang sống trong một giai đoạn lịch sử rất đặc biệt, không chỉ đối với thế giới hay Việt Nam mà sự đặc biệt đã đi vào từng ngõ ngách của thị trường bất động sản.
Theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay, có hai điểm đặc biệt có thể nhận thấy trên thị trường bất động sản. Điểm đặc biệt đầu tiên là kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đến nay, chưa bao giờ thế giới rơi vào tình trạng đối đầu gay gắt như hiện nay.
“Trong thập niên này, từ 7 - 10 năm tới, chúng ta sẽ phải sống trong giai đoạn đối đầu”, TS. Võ Trí Thành đưa ra dự báo.
Điểm đặc biệt thứ hai là dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng thế giới vẫn phát triển theo xu thế.
Do đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng, nếu muốn phát triển bền vững thì thị trường cần phát triển theo các xu thế nhất định, cụ thể: Thứ nhất là xu thế phát triển phải bao trùm sự sáng tạo, truyền vào lối sống, kinh doanh, tiêu dùng, gắn với từ “xanh”.
Hai là, công nghệ số, năng lượng xanh.
Ba là, xu thế dịch chuyển của các chuỗi cung ứng toàn cầu, tham gia trò chơi của “đại gia” mà đối với ngành bất động sản là gắn bó chặt chẽ với bất động sản công nghiệp.
“Tôi cho rằng, không kể lý do chính trị thì điều quan trọng trong xu thế dịch chuyển này là dịch chuyển công nghệ”, ông Thành nhìn nhận.
Do đó, khi chúng ta nhìn vào ba điểm, bao gồm: Niềm tin chính trị; công nghệ, nhất là dịch vụ kết nối; lợi thế nhân công, vận tải, logistics thì có thể nhận định rằng, Việt Nam là quốc gia hàng đầu để các nước “ngắm nghía” đầu tư.
Đưa ra những ví dụ để chứng minh Việt Nam là quốc gia đáng để đầu tư, TS. Thành cho biết, Việt Nam là một quốc gia tự do, chuyển đổi số rất phổ biến, phủ sóng 4G, 5G. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đàm phán và hoàn thành đàm phán với những đối tác lớn như: Đàm phán FTA với UAE cuối năm nay sẽ hoàn thành; cùng với đó chúng ta có niềm tin chính trị khi là đối tác của tất cả thành viên hội đồng bảo an Liên hợp quốc, là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia lớn.
“Chỉ khi có niềm tin chính trị thì các nước mới tin tưởng đặt công nghệ lõi ở nước ta. Điều quan trọng là chúng ta có "xanh" trong khẩu hiệu chính trị, cam kết chính trị và kinh tế tuần hoàn”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định.
Vì vậy, để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai, Việt Nam cần dùng tư duy kết nối để giải quyết, xử lý những khó khăn một cách tích cực, lạc quan và chủ động để tất cả đều có lợi.
Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững và cân bằng, TS. Võ Trí Thành cho rằng, có một số lưu ý cho Việt Nam ở thời điểm hiện tại, cụ thể: Thứ nhất, quản trị rủi ro. Hiện nay, chúng ta cần tìm hiểu và có kiến thức về hỗ trợ việc quản trị rủi ro trong tái cấu trúc, hoạt động tài chính… Do đó, việc truyền bá, đào tạo không chỉ dành cho môi giới mà dành cho cả thị trường để làm sao vượt qua được những rủi ro chính trị, xã hội, kinh tế, trong đó có cả thị trường tài chính tiền tệ.
Thứ hai, vượt khó và tận dụng thời cơ. Có thể thấy, về những vướng mắc pháp lý, quan trọng trước mắt là tháo gỡ và dài hạn là xây dựng luật.
“Thực tế trò chơi pháp lý không chỉ nằm trên tờ giấy của Quốc hội, Chính phủ mà cơ bản nhất là ở mảnh đất của địa phương để làm sao có thể bám sát nhất vào từng dự án, làm sao để Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thể sát cánh cùng địa phương với doanh nghiệp, từ đó xử lý vấn đề và vượt qua khó khăn trở ngại về pháp lý.
Thực tế, chúng ta không thể bị động chờ đợi văn bản luật sửa đổi và cũng khó có thể kỳ vọng các văn bản đó có thể hoàn hảo được”, ông Võ Trí Thành nói.
Hiện nay, có một thực trạng là các địa phương phát triển không đồng đều. Chẳng hạn trong những năm gần đây, có một số tỉnh thành có sự phát triển vượt bậc như Ninh Thuận, Bắc Giang, Bình Thuận… Chính sự phát triển không đồng đều này sẽ tạo ra sự khác biệt và cơ hội riêng cho từng địa phương.
Thứ ba là bắt nhịp xu thế. Hiện nay, cơ hội cho Việt Nam là rất lớn, ngoài thay đổi luật, chúng ta còn tái cấu trúc, trong đó có tái cấu trúc chính sách.
“Trong thời gian tới, nhà ở xã hội, nhà ở giá cả phù hợp với thu nhập của người dân và chung cư cũ là những phân khúc cần được ưu tiên”, ông Thành đánh giá.
Ngoài ra, khi gắn quy hoạch với bất động sản thì sẽ có đô thị hóa và hạ tầng khu công nghiệp. Điều này nói lên rằng, chúng ta vẫn luôn có cơ hội. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, muốn làm bất động sản thì không phải chỉ là làm một tòa nhà mà phải có kiến thức lịch sử, văn hóa, môi trường... để từ đó ra được hình hài của một khu đô thị đáng sống, chính là mở ra cơ hội, bắt nhịp với xu thế của thế giới. Đặc biệt, đối với bất động sản công nghiệp, hiện đi đầu trong khu công nghiệp xanh là Hải Phòng. Cùng với đó, hiện Đồng Nai, Bình Dương cũng đã có sẵn nền tảng, chỉ cần chuyển đổi “sạch sẽ” cũng có thể sẽ phát triển theo xu hướng khu công nghiệp xanh hiện đại.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn đó thì vẫn có phân khúc bất động sản công nghiệp tươi sáng.
Có thể thấy, dù thị trường bất động sản đã có những tín hiệu tích cực, bền vững hơn nhưng thực chất vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi nền kinh tế của ta vẫn còn nhiều bất ổn và không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Nói một cách khách quan, sự khó khăn của chúng ta vẫn đang hiện hữu và chưa có sự tươi sáng rõ ràng.
“Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì cấu trúc nền kinh tế việt Nam còn nhiều vấn đề. Gần đây nhất, các vấn đề về vướng mắc chính sách, những vụ án mới đây đã gây thất thoát hàng triệu tỷ đồng và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường, gây dư chấn lên bộ máy, hệ thống kinh tế thị trường”, PGS.TS. Trần Đình Thiên đánh giá.
Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới cũng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản Trung Quốc, bởi cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta không thể dự báo được do có sự chuyển biến rất khó lường.
Do đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhìn nhận, những người trong cuộc cần phải lưu ý về tình thế, các vụ án vừa qua sẽ gây dư chấn rất mạnh đến nền kinh tế thị trường vốn đã rất dễ bị tổn thương của ta.
“Tuy không bi quan, nhưng chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào vấn đề, nhận diện rõ ràng vấn đề, để từ đó bình tĩnh và đưa ra hướng xử lý đúng và sớm nhất, vì nếu không đề phòng thì tôi e rằng, hậu quả còn lớn hơn”, ông Thiên lưu ý./.