Theo báo cáo chiến lược của Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), diễn biến trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 11, cụ thể hơn là vào các phiên trong tuần cuối tháng cho thấy bước chuyển biến tâm lý rất lớn của các nhà đầu tư trên thị trường.
Thanh khoản trong tuần thứ 2 của tháng rơi về mức cạn kiệt cùng với mức giảm sâu của điểm số thị trường cho thấy sự bi quan cực độ của nhà đầu tư cá nhân. Tình hình thay đổi khi bước đầu xuất hiện lực cầu với nhóm các cổ phiếu bị giải chấp, đồng thời các thông tin hỗ trợ cho nhóm ngành bất động sản - nhóm ngành được coi là đang gặp nhiều khó khăn nhất bắt đầu xuất hiện. Sự lạc quan được đà quay lại chiếm ưu thế khi dòng tiền mới từ khối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh tạo động lực cho dòng tiền cá nhân tham gia tìm cơ hội ngắn hạn giúp thị trường giao dịch sôi động rõ rệt hơn vào tuần cuối tháng.
Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt tới 6.981 tỷ đồng trong tháng 10, là giá trị cao nhất ghi nhận kể từ tháng 4/2021. Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11 với tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận gần 900 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 12/2019.
Trong khi đó, dữ liệu vĩ mô tháng 11 cho thấy những tín hiệu trái chiều, khi ngành chế biến chế tạo và thương mại đã xấu đi nhanh chóng vì cả những yếu tố bên ngoài và bên trong, thì diễn biến tỷ giá lại có dấu hiệu ổn định dần về cuối tháng. Dự báo tăng trưởng GDP trong quý IV/2022 ước tính ở mức 5,5 - 6,0% và đạt 6 - 6,2% vào năm 2023. Khó khăn trong thời gian tới đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất và rủi ro trong ngắn hạn tiếp tục là thanh khoản hệ thống, khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn cao dần về cuối năm và lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, ngay trong quý IV này ảnh hưởng từ lạm phát và lãi suất tăng có thể bộc lộ ở kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Nhìn vào kỳ vọng về dòng vốn trong thời gian tới, việc các quỹ chủ động và ETF cùng đồng thuận giải ngân cùng lúc vào thị trường có thể sẽ tiếp tục quán tính vào các tuần đầu của tháng 12. Trên cơ sở đó, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì được đà hồi phục sang các tuần đầu tháng 12 trong lúc các chính sách mới để hỗ trợ kinh tế và thị trường tài chính tiếp tục được công bố. VN-Index hiện đã phục hồi gần 20% từ mức đáy thiết lập trong phiên ngày 16/11, theo đó hệ số định giá P/E dựa trên ước tính lợi nhuận năm 2022 của VN-Index cũng đã tăng lên mức 11,3 lần từ mức 9,7 lần ở thời điểm giữa tháng.
Vì vậy, mặc dù vẫn kỳ vọng đà hồi phục thị trường sẽ tiếp diễn nhờ động lực từ khối ngoại nhưng SSI Research cũng đánh giá thị trường đang đi vào vùng giá nhạy cảm và dễ phản ứng mạnh với các yếu tố rủi ro.
Các tín hiệu kỹ thuật cũng cho góc nhìn thận trọng hơn về diễn biến thị trường trong tháng 12, cụ thể khu vực 1.100 điểm sẽ đóng vai trò xác nhận diễn biến tiếp theo của VN-Index. Nếu chinh phục thành công vùng cản 1.100 điểm, đà hồi phục trên VN-Index được kỳ vọng mở rộng lên vùng 1.125 - 1.135 điểm. Trường hợp lực cung gia tăng mạnh từ vùng cản này, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ đầu tiên là vùng 1.070 - 1.050 điểm.
Dòng tiền ETF và chủ động tiếp tục tăng tốc giải ngân trong tháng 11
Nhịp giảm mạnh của thị trường trong tháng 10 và nửa đầu tháng 11 đã kích hoạt dòng vốn giải ngân vào thị trường cổ phiếu Việt Nam. Trong đó, dòng tiền tích cực lan tỏa ở nhiều quỹ ETF khi có tới 9/14 quỹ ghi nhận được dòng vốn tăng thêm trong tháng. Nổi bật nhất là các quỹ Fubon (2.722 tỷ đồng), VNDiamond (1.952 tỷ đồng), VanEck (972 tỷ đồng), VFM VN30 (689 tỷ đồng), VNFIN Lead (468 tỷ đồng), và FTSE Vietnam (+354 tỷ đồng). Ngược lại, chỉ có 2 quỹ bị rút ròng với giá trị không đáng kể là Mirae Asset VN30 (-166 tỷ đồng) và Premia Vietnam (-46 tỷ đồng). Tổng giá trị vào ròng của các quỹ ETF đạt tới 6.981 tỷ đồng trong tháng 10, là giá trị cao nhất ghi nhận kể từ tháng 4/2021. Lũy kế từ đầu năm, dòng vốn ETF ghi nhận giá trị kỷ lục là 18.849 tỷ đồng, vượt xa giá trị 13.522 tỷ đồng của cả năm 2021.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động cũng đồng loạt giải ngân trong tháng 11. Tổng giá trị vào ròng tháng ghi nhận gần 900 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Điều này đã giúp các quỹ chủ động thu hẹp mức rút ròng, chỉ còn gần 500 tỷ đồng cho 11 tháng đầu năm. Tín hiệu tích cực từ các quỹ chủ động là cường độ giải ngân khá đồng đều, bao gồm cả các quỹ nội và quỹ ngoại và trải dài xuyên suốt tháng 11.
Khối ngoại đẩy mạnh mua vào trong tháng, với tổng giá trị mua ròng đạt 16.900 tỷ đồng trên 3 sàn, mức cao nhất theo tháng kể từ tháng 5/2018.
Như vậy, diễn biến tích cực dòng tiền của các quỹ cổ phiếu trong tháng 11 tương đồng với nhận định của chúng tôi trong tháng trước, mặc dù mức độ có phần nào vượt xa kỳ vọng. Các biến chuyển tích cực ở các yếu tố liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (các doanh nghiệp chủ động thu xếp nguồn vốn hoặc gia hạn thời gian hoàn trả cho trái chủ) và tỷ giá (tỷ giá USD/VND giảm 1,8% so với cuối tháng 10) tính đến ngày 2/12, sau khi tăng tới hơn 4% trong tháng 10) về cuối tháng giúp giải quyết tâm lý thị trường trong ngắn hạn.
Khi các yếu tố về tâm lý được cải thiện, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi ngược lại phần lớn diễn các thị trường khác trên thế giới trong tháng 10 và dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam cũng thường có độ trễ so với các quốc gia khác là một trong số những nguyên nhân được cho là đóng góp vào sự đột phá của dòng tiền khối ngoại trong tháng 11./.