Thị trường chứng khoán phiên 22/10 diễn biến theo kịch bản bất ngờ với nhà đầu tư. Ngay từ đầu phiên giao dịch, các chỉ số phải chịu áp lực mạnh từ nhiều cổ phiếu chủ chốt và đồng loạt lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Có thời điểm chỉ số chính VN-Index giảm tương đối mạnh và nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến một phiên “đỏ lửa” của thị trường.
Tuy nhiên, những gì diễn ra vào cuối phiên gây bất ngờ cho không ít nhà đầu tư khi lực cầu ở nhóm VN30 bất ngờ tăng vọt và điều này giúp đẩy VN-Index mạnh lên trên mốc tham chiếu. Nhờ sự khởi sắc ở sàn HoSE, các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng diễn biến tích cực hơn, trong đó, HNX-Index nới rộng sắc xanh còn UPCoM-Index thu hẹp đáng kể đà giảm.
CTG tăng đến 3,1% lên 32.000 đồng/cp sau khi có lúc giảm về chỉ còn 30.800 đồng/cp, VIC cũng tăng 2,9% lên 100.100 đồng/cp, mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong phiên cũng chỉ là 96.800 đồng/cp. 2 cổ phiếu họ “Vin” khác là VHM và VRE cũng biến động tích cực khi VHM tăng 1,4% lên 77.500 đồng/cp, VRE tăng 0,7% lên 28.100 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, không có quá nhiều cổ phiếu lớn giảm giá, trong đó, các mã như CTD, SHB, KDC, SAB hay HDB vẫn chìm trong sắc đỏ nhưng mức giảm đều dưới 1%.
Sự tích cực cũng diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, trong đó, KHA, HPI và SJS đều được kéo lên mức giá trần. OGC tiếp tục tăng 5% lên 8.420 đồng/cp, CRE tăng 4,3% lên 25.550 đồng/cp, DXG tăng 3,4% lên 12.200 đồng/cp, DIG tăng 1,6% lên 19.400 đồng/cp, ITA cũng tăng 1,6% lên 5.130 đồng/cp.
Không có quá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu trong phiên 22/10, các cái tên đáng chú ý nhất có VCR (-4,4%), IDJ (-2,1%), FLC (-1,4%).
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,87 điểm (1,16%) lên 949,9 điểm. Toàn sàn có 250 mã tăng, 152 mã giảm và 75 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,88 điểm (0,63%) lên 140,86 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 66 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,17%) xuống 63,64 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.937 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 410 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 937 tỷ đồng. ITA là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top khớp lệnh toàn thị trường với 9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng lên đến hơn 600 tỷ đồng trong phiên 22/10, trong đó tập trung vào các mã MSN, VNM hay CTG. Trong khi đó, KDH, VHM, VRE và NVL cũng nằm trong top 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong danh sách các mã được mua ròng mạnh nhất.
Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trở lại với mức tăng mạnh nhưng thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu không thực sự mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên ngay dưới ngưỡng 950 điểm, đây cũng là vùng giá của thị trường trước khi Covid-19 xảy ra nên những rung lắc có thể tiếp tục diễn ra trong phiên tới. Trên góc nhìn liên thị trường, các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới (ngoại trừ các chỉ số của chứng khoán Trung Quốc) đều gặp khó khăn khi tiếp cận với vùng kháng cự này nên dư địa tăng của VN-Index có thể không còn nhiều.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 5,7 điểm, cho thấy các nhà giao dịch trên thị trường phái sinh vẫn lạc quan về xu hướng hiện tại.
SHS dự báo VN-Index có thể sẽ rung lắc mạnh quanh ngưỡng tâm lý 950 điểm do đây là vùng giá trước khi Covid-19 diễn ra. SHS duy trì khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời các vị thế ngắn hạn quanh ngưỡng 950 điểm của thị trường. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục có thể canh mua vào nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về quanh ngưỡng 925 điểm (MA20).