Aa

VHM chạm giá trần trong phiên 20/4, VN-Index tiếp tục vươn lên mức cao mới

Thứ Tư, 21/04/2021 - 06:25

VN-Index tiếp tục đi lên mức cao mới nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột như VCB, VHM, VNM, MWG... Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động phân hóa, trong đó ghi nhận nhiều mã thanh khoản cao giảm sâu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động theo chiều hướng tích cực trong phiên 20/4. Dù không đóng cửa ở mức cao nhất phiên nhưng VN-Index tiếp tục có được đỉnh mới. Trong đó, tâm điểm phiên 20/4 tập trung vào nhóm cổ phiếu họ Vingroup, mà đang chú ý nhất là VHM.

Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tuy nhiên, đà tăng của VN-Index chỉ thực sự mạnh khi VHM bứt phá. Cổ phiếu này bất ngờ tăng giá rất mạnh và khớp lệnh lên đến hơn 15 triệu cổ phiếu. Có thời điểm trong phiên, VHM đã được kéo lên mức giá trần 111.800 đồng/cp. Tuy nhiên, đà hưng phấn của cổ phiếu này cũng đã bị hạ đi đáng kể, và chốt phiên VHM chỉ còn tăng 3,9% lên 108.600 đồng/cp.

Bên cạnh đó, VRE cũng tăng mạnh 1,9% lên 34.600 đồng/cp. Đối với VIC, cổ phiếu này có lúc cũng tăng khá tốt và giúp giao dịch trên thị trường trở nên khởi sắc hơn. Tuy nhiên, lực bán quá mạnh vào cuối phiên đã khiến VIC đảo chiều giảm trở lại.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 20/4
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Thông tin giúp nhóm cổ phiếu Vingroup giao dịch tốt trong phiên 20/4 đến từ việc trả cổ tức của VIC và VHM. Đối với VHM, doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% và cổ phiếu tỷ lệ 30% - đây là mức cổ tức kỷ lục của đơn vị này. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và IV/2021, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua. Sau chia, vốn điều lệ Vinhomes sẽ tăng lên gần 43.000 tỷ đồng.

Về VIC, công ty sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,5% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận 125 cổ phiếu mới). Với hơn 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn có kế hoạch phát hành tổng cộng 422,8 triệu cổ phiếu mới. Vốn điều lệ dự kiến tăng lên thành 38.005 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý III và quý IV/2021, sau khi được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 20/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Phiên 20/4, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn khác trong đó có VCB, MWG, VNM, FPT... tăng giá mạnh và cùng với VHM, VRE củng cố vững sắc xanh của VN-Index. Trong đó, VCB tăng mạnh 4,6% lên 103.000 đồng/cp, MWG tăng 3,7% lên 142.500 đồng/cp, VNM tăng 3,3% lên 99.300 đồng/cp.

Dù vậy, xu hướng của thị trường vào cuối phiên đã có những dấu hiệu bất ổn khi lực bán bất ngờ dâng lên mức rất cao, VN-Index có lúc đã lùi về gần với mốc tham chiếu, trong khi HNX-Index đã “nháy” đỏ. Các cổ phiếu như GVR, HSG, SSI, TPB, STB, MSN, CTG, TCB... đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực rất lớn lên đường đi của các chỉ số.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, ngoài 3 cổ phiếu họ Vingroup, các cổ phiếu lớn như BCM, NVL hay THD đều biến động không quá mạnh. Còn tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, PDR tiếp tục tăng mạnh 4,6% lên 79.400 đồng/cp. Ngày 26/4 tới đây, PDR sẽ chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11,7% (1.000 cổ phiếu cũ được nhận 117 cổ phiếu mới). Đơn vị này dự kiến phát hành gần 51 triệu cổ phiếu cho đợt trả cổ tức này.

Mới đây, PDR cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với lãi sau thuế 251 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2020. Giải trình về kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ, PDR cho biết trong quý I vừa qua công ty đã bàn giao một số sản phẩm đất nền của dự án phân khu số 2 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (Bình Định) cho khách hàng làm gia tăng lợi nhuận trong quý. Doanh thu từ chuyển nhượng đất nền trong quý đạt gần 583 tỷ đồng. Và quý I năm nay không ghi nhận doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản. Riêng bán đất nền đã mang về 384 tỷ đồng lợi nhuận gộp cho công ty.

Các cổ phiếu thanh khoản cao như PVL, KDH, IDJ, TIG, AGG... cũng có được mức tăng tương đối tốt. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác biến động theo chiều hướng tiêu cực, trong đó, các mã như DRH, NDN, SCR, TCH, KBC, FLC... đều giảm trên 2%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,7 điểm (0,61%) lên 1.268,28 điểm. Toàn sàn có 187 mã tăng, 227 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,25%) lên 296,48 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 129 mã giảm và 53 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,38%) xuống 81,68 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 23.996 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 955 triệu cổ phiếu. HQC đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 48 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, FLC, AMD và ITA là các cổ phiếu bất động sản khác cũng nằm trong danh sách khớp lệnh mạnh.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 20/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại tiếp tục xu hướng bán ròng mạnh với 554 tỷ đồng, trong đó, VHM đứng đầu danh sách bán ròng với 343 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng bị bán ròng mạnh là KDH với 59 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC, NVL và PDR là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại, trong đó, VIC được mua ròng hơn 58 tỷ đồng. NVL và PDR lần lượt là 44,2 tỷ đồng và 14,5 tỷ đồng.

Theo dự báo của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.268 - 1.275 điểm trong những phiên còn lại của tuần. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng kháng cự sẽ tạo ra áp lực rung lắc mạnh cho thị trường khi tiếp cận. Diễn biến thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ vẫn chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top