Aa

TTCK hồi phục nhẹ trong tuần từ 24 - 28/10, nhiều mã bất động sản vẫn lao dốc

Chủ Nhật, 30/10/2022 - 06:15

Sau tuần giảm mạnh trước đó, thị trường đã cố gắng phục hồi trong tuần từ 24 - 28/10, tuy nhiên, hàng loạt cổ phiếu bất động sản vẫn lao dốc mạnh.

Sau tuần giảm mạnh trước đó, thị trường đã cố gắng phục hồi trong tuần từ 24 - 28/10. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,54 điểm (+0,7%) lên 1.027,36 điểm, HNX-Index giảm 3,68 điểm (-1,7%) xuống 213,73 điểm, UPCoM-Index giảm 2,48 điểm (-3,16%) xuống 76,09 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 12,2% so với tuần trước đó lên 57.173 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 24,4% lên gần 3 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,8% so với tuần trước đó lên 4.967 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 34,2% lên 350 triệu cổ phiếu.

Thị trường chỉ hồi phục nhẹ trong phiên tuần qua nên các nhóm ngành cổ phiếu cũng có sự phân hóa sâu sắc. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản lại có biến động không mấy tích cực dù có sự hồi phục đáng kể trong một vài phiên.

Thống kê 128 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 24 - 28/10 có đến 85 mã giảm giá, trong khi số mã tăng giá chỉ là 30.

Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là HD2 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà HUD2 với mức giảm 31,3%. Tuy nhiên, HD2 thuộc nhóm thanh khoản thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chưa đến 50.000 đơn vị/phiên.

Các mã tiếp theo trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản cũng thuộc diện thanh khoản thấp như EIN của CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực giảm 25,9%, HLD của CTCP Bất động sản HUDLAND giảm 25,3%, DLR của CTCP Địa ốc Đà Lạt giảm 21,9%...

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 24 - 28/10.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 24 - 28/10.

DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng tiếp tục giảm hơn 19,3% chỉ sau một tuần giao dịch. Doanh nghiệp này đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần sụt giảm 21% so với cùng kỳ xuống còn 424 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 1 tỷ đồng lần gần nhất doanh nghiệp báo lỗ là quý I/2017; cùng kỳ năm 2021 vẫn đang lãi tới 42 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần đạt 1.518 tỷ đồng, hụt 8% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 142 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp sau đó, cổ phiếu TDC của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cũng giảm gần 19% bất chấp kết quả kinh doanh tốt. Theo báo cáo tài chính quý III/2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 1.505,33 tỷ đồng, tăng 574,6% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 120,38 tỷ đồng, tăng 213,96 lần so với cùng kỳ. Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.304,51 tỷ đồng, tăng 179,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 143,97 tỷ đồng, tăng 285,4% so với cùng kỳ năm trước.

KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc tiếp tục khiến nhà đầu tư phải chú ý khi giảm hơn 17%. Nhiều thời điểm, cổ phiếu này bị nhà đầu tư bán bất chấp và dư bán giá sàn với khối lượng rất lớn. KBC đã có 4 phiên giảm sàn liên tiếp từ 21 - 26/10. Mới đây, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã bán ròng hơn 1,4 triệu cổ phiếu KBC trong 3 ngày từ 19 - 21/10. Toàn bộ lượng cổ phiếu được bán ra bởi Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) trong khi Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) đã mua 100.000 đơn vị vào ngày 20/10 nhưng đã nhanh chóng bán ra chỉ một ngày sau đó.

Cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O cũng giảm 13,6%. Ngày 27/10/2022, CEO cho biết công ty đã nhận được Công văn số 7138/UBCK-PTTT của Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty được điều chỉnh tăng lên mức 49%. Như vậy, việc nới “room” ngoại của CEO sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu CEO lên mức tối đa 49%.

Một số doanh nghiệp bất động sản trong tuần qua đã xuất hiện tình trạng lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu. Trong đó, ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư LDG bán ra 713.000 cổ phiếu LDG, qua đó giảm sở hữu từ 11,29% về còn 11% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 28/10. Lý do là ông Hưng bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu LDG. Tương tự, ông Nguyễn Tuấn Anh, Thành viên HĐQT độc lập CTCP Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp 73.000 cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp xuống còn 0,13% vốn điều lệ (139.115 cổ phiếu). Trong tuần, LDG giảm gần 6% còn HDC giảm hơn 12%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là VHD của CTCP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Vinaconex với 31,2%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ vỏn vẹn 100 đơn vị/phiên.

Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh ở nhóm bất động sản đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Cổ phiếu CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang là mã có thanh khoản tương đối tốt và tăng 11,5% trong tuần vừa qua.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 24 - 28/10.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 24 - 28/10.

NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy giao dịch có phần tích cực khi tăng 3,75%. CTCP Xây dựng Hạ tầng CII vừa đăng ký mua vào 7 triệu cổ phiếu NBB với mục đích đầu tư. Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 2/11 đến 1/12/2022, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu hoàn tất mua 100% lượng đăng ký, Xây dựng Hạ tầng CII sẽ nắm giữ 7 triệu cổ phiếu tại NBB, tương đương 6,99% vốn và trở thành cổ đông lớn của NBB. Trước giao dịch, CEE không nắm giữ cổ phiếu nào tại NBB.

Tại nhóm bất động sản vốn hóa lớn, số mã giảm cũng áp đảo. Trong bộ ba cổ phiếu họ Vingroup, VHM của CTCP Vinhomes có mức giảm mạnh nhất với 6,36% trong khi hai mã còn lại có mức giảm khiêm tốn. VIC của Tập đoàn Vingroup giảm 1,9%, VRE của CTCP Vincom Retail giảm 1,25%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top