Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, VN-Index tăng 3 điểm (0,26%) lên 1.172,36 điểm. HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,68%) xuống 134,04 điểm. Chỉ số VnIndex chính thức vượt đỉnh xác lập cách đây 11 năm. Tuy nhiên, áp lực bán tại vùng điểm hiện tại không hề nhỏ khiến một số trụ rung lắc mạnh trong phiên.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã có một phiên vượt đỉnh nhưng tâm lý nhà đầu tư lại không quá hào hứng trước sự kiện này. Có nhiều lý do khiến giới đầu tư buồn vui lẫn lộn. Trong đó, một phần do đà tăng của VN-Index phụ thuộc vào một vài cổ phiếu vốn hóa lớn.
Sắc đỏ nhìn chung vẫn bao trùm toàn thị trường. Ở nhóm cổ phiếu nóng ngân hàng như ACB, MBB, VCB, HDB và SHB đều đồng loạt lao dốc. Đơn cử như VCB giảm 2% xuống 72.000 đồng/CP. SHB giảm 2,2% xuống 13.300 đồng/CP và khớp lệnh 18,6 triệu cổ phiếu. HDB cũng giảm 2,3% xuống 42.500 đồng/CP.
Trong rổ Vn30, số mã giảm điểm chiếm ưu thế với 16 mã (so với 10 mã tăng điểm). Khối lượng giao dịch đạt gần 300 triệu cổ phiếu trên cả hai sàn. Nhà đầu tư nước ngoài có phiên mua ròng trị giá 216 tỷ đồng trên sàn Hose.
Được biết, cơ cấu tạo doanh thu của các ngân hàng có sự chuyển biến tích cực. Năm 2017, ngoài lợi nhuận khởi sắc mạnh về giá trị tuyệt đối thì cơ cấu tạo nguồn thu của các ngân hàng cũng đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể, tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động của nhóm 13 ngân hàng lớn và trung bình có xu hướng giảm so với năm trước, còn 77,1%, so với mức 80,25% trong năm 2016. Điều này cho thấy các ngân hàng đang giảm dần phụ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Thay vào đó, lợi nhuận từ mảng dịch vụ lại đang có xu hướng đi lên, từ mức 8,7% lên 10%/tổng thu nhập hoạt động, lãi thuần từ hoạt động khác tăng từ 6,4% lên 7,1% hay lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng từ 0,07% lên 1,5%/tổng thu nhập hoạt động.
Trong nhóm NHTMCP, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, SHB là một trong những ngân hàng có sự chuyển biến mạnh mẽ nhất trong cơ cấu thu nhập. Theo đó, tỷ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động giảm từ mức 83,5% trong năm 2016 xuống còn 75% trong năm 2017. Trong khi đó, tỷ lệ lãi thuần từ hoạt động dịch vụ/tổng thu nhập hoạt động lại tăng vọt từ 6,7% lên 20,5%.
Thông tin quốc tế, kết quả cuộc họp của FED không gây nhiều bất ngờ. Rạng sáng ngày 22/3, FED đã kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày với kết quả không gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Cụ thể, đúng như dự báo, FED quyết định chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% trong cuộc họp lần này. Như vậy, lãi suất liên bang FED hiện ở mức 1,5-1,75%. Dù việc tăng lãi suất không nằm ngoài dự liệu của giới đầu tư nhưng điều đáng quan tâm hơn là những bình luận của FED sau cuộc họp. Về cơ bản, FED đánh giá kinh tế Mỹ đang mạnh dần lên. FED dự báo đến cuối năm 2019, lãi suất cơ bản đồng USD sẽ đạt mức 2,9%.
Tuy vậy, trong ngắn hạn thì FED lại ko đề cập gì đến việc sẽ nâng thêm bao nhiêu lần lãi suất nữa trong năm 2018 nên có thể tạm hiểu là lộ trình tăng 3 lần nhiều khả năng vẫn đang được duy trì. Tuy nhiên, nếu các số liệu về tăng trưởng, việc làm và lạm phát trong quý II tốt hơn dự báo, hoàn toàn có khả năng FED sẽ nâng số lần tăng lãi suất lên 4 lần thay cho 3 lần.
Trên cơ sở đó, BVSC cho rằng các số liệu kinh tế sẽ tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong dự báo về động thái tiếp theo của FED. Mặc dù vậy, cuộc họp tiếp theo của FED sẽ diễn ra tháng 5, do vậy có thể kỳ vọng TTCK thế giới sẽ tạm thời bớt nỗi lo về tăng lãi suất trong một vài tuần tới.
Dự báo về phiên giao dịch trong nước cuối tuần này, BVSC cho rằng, với việc chỉ số Vn-Index đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử kết hợp với xu hướng yếu dần của nhóm cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là nhóm ngân hàng. Nhìn chung rủi ro điều chỉnh ngắn hạn của thị trường đang ngày một lớn dần.