Aa

VN-Index tăng phiên thứ 8 liên tiếp, dòng tiền đổ vào cổ phiếu BĐS vừa và nhỏ

Thứ Năm, 08/04/2021 - 06:00

VN-Index tiếp tục có diễn biến giằng co trong biên độ hẹp ở phiên 7/4. Dòng tiền có dấu hiệu tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó có nhiều mã bất động sản.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một phiên giao dịch với biến động giằng co rung lắc, tuy nhiên, VN-Index vẫn có được phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp.

Mở cửa phiên giao dịch ngày 7/4, VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu trước áp lực từ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng dâng cao đã giúp chỉ số này hồi phục trở lại.

Sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột tiếp tục khiến VN-Index biến động hẹp quanh mốc tham chiếu. Trong khi đó, tình trạng nghẽn lệnh diễn ra ở cuối phiên sáng nên gần như phiên chiều không có biến động gì đáng chú ý.

Các cổ phiếu như BVH, TPB, MSN, VCG, MBB, SSI… đều tăng giá tốt và góp phần trong việc giúp VN-Index giữ được sắc xanh. BVH tăng 2,9%, TPB tăng 2,3%, MSN tăng 2,1%. Trong khi đó, sắc đỏ vẫn bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu lớn gồm STB, VNM, PVS, ACB, GAS… nên VN-Index liên tục rơi vào trạng thái rung lắc, giằng co.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 7/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra ngay ở nhóm vốn hóa lớn, trong đó, VRE, VIC và NVL biến động theo chiều hướng tích cực. VIC tăng nhẹ 0,6% lên 127.700 đồng/cp, VRE tăng 1,1% lên 35.400 đồng/cp, còn NVL tăng 1,5% lên 88.100 đồng/cp. Chiều ngược lại, VHM giảm 1,2% xuống 100.500 đồng/cp và cũng là nhân tố lớn khiến VN-Index rung lắc. Ngoài ra, BCM giảm 0,9% còn THD giảm 0,5%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 7/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Trong khi đó, dòng tiền lại có phần đổ nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Các mã như PFL, PLA, DIH, OCH, SDU, PVL, OGC hay DTA đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TNT tăng 6,7% lên 7.940 đồng/cp, IDC tăng 3,4% lên 40.100 đồng/cp và góp công lớn trong việc giúp HNX-Index tăng điểm. ASM cũng tăng 3,3% lên 15.850 đồng/cp. Các mã như HQC, FIT, TCH, DIG… đều tăng giá tốt.

Ở chiều ngược lại, FLC là một trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản phiên 7/4 với 5,7% xuống 11.500 đồng/cp. CRE cũng giảm 2,2% xuống 29.500 đồng/cp, BII giảm 2,1% xuống 9.300 đồng/cp, CEO giảm 1,5% xuống 13.300 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,42 điểm (0,2%) lên 1.242,38 điểm. Toàn sàn có 267 mã tăng, 155 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,16 điểm (0,4%) lên 292,84 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 84 mã giảm và 45 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%) xuống 82,56 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 17.595 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 834 triệu cổ phiếu. Trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường vẫn có 2 mã bất động sản là FLC và HQC, trong đó, FLC khớp lệnh hơn 34 triệu cổ phiếu còn HQC là 18,4 triệu cổ phiếu.

ác cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 7/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng rõ nét hơn phiên trước với giá trị tổng cộng hơn 86 tỷ đồng. DXG, KDH và KBC là các cổ phiếu bất động sản có mặt trong danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Trong đó, DXG bị bán ròng 22,4 tỷ đồng. KDH và KBC lần lượt là 20,8 tỷ đồng và 16,5 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE được khối ngoại mua ròng mạnh với 63 tỷ đồng. NVL cũng được mua ròng 18 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường duy trì được đà tăng đến phiên thứ tám liên tiếp, qua đó giúp VN-Index thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu của sóng tăng 5 quanh 1.250+- điểm. Có thể nhận thấy là áp lực chốt lời ngắn hạn đã xuất hiện trong ba phiên gần đây khiến mức tăng bị thu hẹp lại. Thanh khoản khớp lệnh trong các phiên này đều cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vào thị trường vẫn tốt, kết hợp với mức tăng của thị trường cho thấy bên mua vẫn đang nắm quyền chủ động trước bên bán.

Trên góc độ kỹ thuật, thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của sóng 5 với target dự kiến quanh ngưỡng 1.250+- điểm và thời gian hoàn thành sóng dự kiến trong nửa đầu tháng 4/2021. Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để quan sát thị trường có vượt được ngưỡng 1.250+- điểm hay sẽ điều chỉnh tại đây.

Trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để tiến đến mục tiêu của sóng tăng 5. Nhà đầu tư trung hạn quan sát thị trường và có thể canh chốt lời dần khi thị trường đạt ngưỡng 1.250+- điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 khi thị trường điều chỉnh về MA50 nắm giữ danh mục để hướng đến mục tiêu của sóng 5 quanh 1.250+- điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top