Tại Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam quý II vừa công bố, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá: Trong quý I/2021, chỉ số VN-Index đã 3 lần thất bại khi nỗ lực vượt mốc cản tâm lý 1.200 điểm trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các yếu tố hỗ trợ trong nước, mặt bằng giá cổ phiếu đã phục hồi đáng kể, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng trong khi môi trường đầu tư bên ngoài nhiều biến động.
Bởi vậy, KBSV cho rằng các nhịp rung lắc nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi mà vùng cản quanh 1.200 điểm vẫn còn tiềm ẩn một lượng lớn áp lực cung chốt lời giá cao trong khi nguồn vốn cho vay margin tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì sát mức tối đa.
Tuy nhiên, dù thị trường được dự báo sẽ diễn biến phức tạp với các nhịp rung lắc, tăng/giảm đan xen, nhưng nhóm nghiên cứu chưa nhận thấy rủi ro nào đáng kể có thể cản trở xu hướng tăng của thị trường trong trung hạn, tương đồng với sự khởi sắc của nền kinh tế, tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất được dự báo khó có thể tăng mạnh.
"Dù hoạt động mua đuổi vùng giá cao tiềm ẩn các rủi ro ngắn hạn, chúng tôi cho rằng bất cứ nhịp điều
chỉnh sâu nào của thịtrường đều là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu cho danh mục đầu tư trung - dài hạn với mục tiêu chỉ số VN-Index hướng đến mốc 1.250 điểm trong quý II", báo cáo nêu.
Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong quý II được KBSV chỉ ra, bao gồm: Thứ nhất, Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng; thứ hai, kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi hậu Covid-19; thứ ba, dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt và dịch bệnh trên toàn cầu được đẩy lùi nhờ tăng tốc phân phối vaccine và cuối cùng là lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp của quý I năm trước.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đặt kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.250 điểm ngay trong quý II tới đây khi mà các so sánh tương đối (với các thị trường trong khu vực và với dữ liệu lịch sử) cho thấy chỉ số VN-Index vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn trong bối cảnh các yếu tố hỗ trợ tích cực đang có phần vượt trội so với các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
Cụ thể, so sánh P/E của các thị trường trong khu vực, có thể thấy P/E forward 2021 của VN-Index thấp hơn tương đối so với các nước khác. Ngoài ra, tương quan P/E forward 12 tháng với 2 chỉ số tiêu chuẩn khác là FTSE- EM Index thì giá trị so sánh của VN-Index vẫn đang ở mức thấp trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, các yếu tố rủi ro, dù được đánh giá chưa ở mức cảnh báo có thể đảo chiều xu hướng tăng của thị trường, vẫn cần được theo dõi chặt chẽ.
4 yếu tố rủi ro được nhóm nghiên cứu KBSV chỉ ra, bao gồm: Một, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài lớn do lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng cao cùng với xu hướng hồi phục của đồng USD; hai là việc phân phối vaccine Covid-19 ở châu Âu đang bị trì hoãn; ba là rủi ro lạm phát và lãi suất trong nước bật tăng; thứ tư là làn sóng Covid-19 lần thứ 4.