Aa

VIC giúp VN-Index giữ sắc xanh trong phiên 6/4

Thứ Tư, 07/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán phiên 6/4 biến động giằng co, rung lắc với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. VIC có vai trò quan trọng nhất giúp giữ được sắc xanh của VN-Index.

Thị trường chứng khoán phiên 6/4 biến động theo chiều hướng giằng co, rung lắc sau khi VN-Index có 6 phiên tăng điểm trước đó. Ngay từ đầu phiên giao dịch, VN-Index đã gặp phải áp lực điều chỉnh và bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu nhanh chóng dâng cao và giúp chỉ số này hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, sự phân hóa rõ nét ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN-Index biến động theo đồ thị hình sin. Đáng chú ý, tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng" diễn ra ở sàn HoSE khi số mã giảm lớn hơn nhưng VN-Index vẫn kết thúc phiên trong sắc xanh.

VIC là cổ phiếu gây chú ý trong phiên 6/4 khi góp công lớn nhất trong việc giữ được sắc xanh của VN-Index. Cổ phiếu này có thời điểm tăng đến hơn 4%. Tuy nhiên, áp lực chốt lời cũng khiến VIC chốt phiên chỉ còn tăng 2,2% lên 127.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 6/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh VIC, các cổ phiếu ngân hàng như MBB, CTG, SHB, TCB... cũng đồng loạt tăng giá mạnh. MBB tăng đến 3,3% lên 31.400 đồng/cp. MBB mới công bố lợi nhuận trước thuế quý I đạt 4.570 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận riêng lẻ tăng tương đương, đạt 4.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ tại thời điểm cuối quý I khoảng 1,14%, thấp hơn mức 1,46% cùng kỳ.

SHB tăng 2,1% lên 24.800 đồng/cp và là nhân tố chính giúp HNX-Index đảo chiều tăng điểm vào cuối phiên.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 6/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, NVL tiếp tục tăng 1,5% lên 86.800 đồng/cp và cùng với VIC là những cổ phiếu bất động sản góp phần lớn trong việc giữ sắc xanh của VN-Index. Bên cạnh đó, VRE cũng tăng 1,4% lên 35.000 đồng. BCM tăng nhẹ 0,2% lên 57.500 đồng/cp. VHM đứng ở mức tham chiếu 101.700 đồng/cp. Trong khi đó, THD giảm 0,9% xuống 197.000 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra rõ nét, trong đó, các cổ phiếu như SDU, CSC, PVL, LGL, TNT hay CCL đều được kéo lên mức giá trần. TCH tăng 5,5% lên 25.900 đồng/cp, CEO tăng 5,5% lên 13.500 đồng/cp, HQC tăng 5,5% lên 3.620 đồng/cp, LDG cũng tăng 2,4% lên 8.650 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ đã bao trùm lên khá nhiều cổ phiếu bất động sản khác, trong đó, CRE giảm 4% xuống 30.150 đồng/cp, FLC giảm 2,4% xuống 12.200 đồng/cp, CII giảm 1,6% xuống 25.000 đồng/cp, NLG giảm nhẹ 0,8% xuống 35.000 đồng/cp.

Trong Báo cáo thường niên 2020 của NLG, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT cho biết dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85%/năm và tăng trưởng doanh thu trung bình 72%/năm ở 2 mảng cốt lõi là phát triển quỹ đất và phát triển nhà ở.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,91 điểm (0,32%) lên 1.239,96 điểm. Toàn sàn có 190 mã tăng, 248 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,44 điểm (0,15%) lên 291,68 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 101 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,29%) xuống 82,6 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.814 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 846 triệu cổ phiếu. Trong nhóm bất động sản có 2 cổ phiếu nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là HQC và FLC với lần lượt 28,7 triệu cổ phiếu và 26,3 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 6/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.
Nguồn: Fialda.

Khối ngoại chỉ mua ròng nhẹ 7 tỷ đồng trên thị trường phiên 6/4, tuy nhiên, tính riêng sàn HoSE, dòng vốn này bán ròng trở lại 3,7 tỷ đồng. VIC, VRE, VHM hay KBC đều là những mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại, trong đó, VIC được mua ròng mạnh nhất với 132 tỷ đồng. VRE được mua ròng hơn 79 tỷ đồng. VHM và KBC được mua ròng lần lượt 53 tỷ đồng và 17 tỷ đồng. Chiều ngược lại, 2 mã bất động sản là NRC và CRE nằm trong top những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với lần lượt 17 tỷ đồng và 12,2 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường duy trì được đà tăng đến phiên thứ bảy liên tiếp, qua đó giúp VN-Index thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu của sóng tăng 5 quanh 1.250 điểm. Một số nhà đầu tư đã quyết định chốt lời ngắn hạn khi chỉ số chỉ mới với tới ngưỡng 1.245 điểm trong hai phiên liên tiếp khiến mức tăng bị thu hẹp lại. Rất may là thanh khoản khớp lệnh tiếp tục gia tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền vẫn vào thị trường khá tốt.

Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm và chưa có dấu hiệu kết thúc nên xu hướng hiện tại vẫn nghiêng về tích cực. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để tiến đến mục tiêu của sóng tăng 5 quanh 1.250 điểm.

Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng VN-Index hoàn tất sóng 5 trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 khi thị trường điều chỉnh về MA50 và đã chốt lời một phần trong phiên 1/4 nắm giữ danh mục còn lại để hướng đến mục tiêu của sóng 5 quanh 1.250 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top