Aa

VN-Index lên gần 22 điểm, nhiều mã bất động sản “penny” lao dốc

Thứ Ba, 20/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán có một phiên tăng điểm mạnh nhờ lực đẩy của nhiều mã trụ cột. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu đầu cơ lại đi ngược xu hướng chung khi đồng loạt lao dốc.

Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 19/4 có diễn biến khá tích cực khi hầu hết các chỉ số đều đóng cửa ở mức điểm cao nhất phiên. Thị trường khởi động phiên giao dịch với diễn biến giằng co phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Các chỉ số vì vậy cũng biến động theo hướng giằng co với các nhịp tăng, giảm điểm đan xen.

Tuy nhiên, sang đến phiên chiều, diễn biến trên thị trường khởi sắc hơn rất nhiều, hàng loạt cổ phiếu trụ cột tăng giá rất mạnh và giúp nới rộng sắc xanh của các chỉ số. Trong đó, MSN được kéo lên mức giá trần 107.100 đồng/cp và khớp lệnh 6,5 triệu đơn vị. HPG tiếp tục là động lực cho ngành thép khi tăng 5,9% lên 57.800 đồng/cp và khớp lệnh 34,8 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu như SHB, STB, PNJ, BVH, TCB, MWG, BID… cũng đua nhau tăng giá và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 19/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, VHM tăng 3,5% lên 104.500 đồng/cp và là động lực giúp nhóm bất động sản đi lên. VIC cũng tăng 0,7% lên 144.000 đồng/cp. Trên một số phương tiện thông tin đại chúng mới đây xuất hiện việc VIC có kế hoạch huy động tối đa 500 triệu USD trái phiếu với giá chào bán bằng đúng mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu. Trái phiếu có kỳ hạn 5 năm (tức đáo hạn vào năm 2026) và lãi suất danh nghĩa 3%/năm. Trái phiếu quốc tế này không có tài sản đảm bảo nhưng có quyền chọn nhận cổ phiếu VHM. Giá thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu tại ngày phát hành là 123.000 đồng/cp (được xác định bằng 120% giá đóng cửa của cổ phiếu VHM vào ngày 13/4/2021). Thị giá VHM đang là 101.000 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 19/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác như BCM tăng 1,4% lên 56.900 đồng/cp, NVL tăng 0,9% lên 109.000 đồng/cp, THD tăng 0,2% lên 202.500 đồng/cp. Trong khi đó, VRE đứng ở mức tham chiếu 33.950 đồng/cp.

Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, SGR và PDR đều được kéo lên mức giá trần. Theo thông báo mới đây, PDR sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu vào ngày 27/4. Theo đó, công ty dự kiến phát hành gần 51 triệu cổ phiếu trả cổ tức. Tỷ lệ phát hành 11,7%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được nhận về 117 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 510 tỷ đồng.

DXG phiên 19/4 cũng tăng mạnh 5,8% lên 25.650 đồng/cp. KDH tăng 5,4% lên 33.100 đồng/cp, HAR tăng 3,9% lên 6.350 đồng/cp, CRE tăng 3,8% lên 34.250 đồng/cp.

Chiều ngược lại, khá nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao đồng loạt giảm sâu. Trong đó, PVL và HQC bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, ITA giảm 6% xuống 8.080 đồng/cp, FLC giảm 5,4% xuống 13.100 đồng/cp, BII giảm 3,8% xuống 10.100 đồng/cp, LDG giảm 2,2% xuống 8.280 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 21,87 điểm (1,77%) lên 1.260,58 điểm. Toàn sàn có 297 mã tăng, 126 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,64 điểm (0,9%) lên 295,75 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 117 mã giảm và 54 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (0,24%) lên 81,99 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết HoSE và HNX giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.972 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 925 triệu cổ phiếu. Trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường vẫn có đến 4 cổ phiếu bất động sản là FLC, HQC, AMD và ITA. Trong đó, FLC khớp lệnh lên đến 43 triệu cổ phiếu và chỉ đứng sau ROS trong danh sách này.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 19/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với 757 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 19/4. Các cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh có VHM, KDH, VIC và VRE. Trong khi đó, DXG được mua ròng hơn 46 tỷ đồng. NVL cũng là cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh với 19,2 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường trong phiên 19/4 có diễn biến giao dịch khá giống với phiên giao dịch 12/4 và 14/4 khi thị trường giảm điểm trong nửa đầu phiên sáng nhưng ngay sau đó đều bật lên khá tốt nhờ lực cầu tại nhóm cổ phiếu trụ cột và VN-Index đều kết phiên ở mức cao nhất. Một điểm đáng lưu ý nữa là việc thanh khoản khớp lệnh trong cả 3 phiên tăng này đều thấp hơn mức thanh khoản khớp lệnh của ba phiên giảm gần đây cho thấy bên bán dường như vẫn chiếm được thế chủ động trước bên mua.

Trên góc độ sóng elliot, thị trường đã kết thúc sóng tăng 5 với mức đỉnh gần ngưỡng 1.270 điểm trong tuần trước và hiện vận động trong sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh 1.135 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Nếu VN-Index không thể đóng cửa trên mức cao nhất trong tuần trước gần 1.270 điểm thì kịch bản trên được giữ nguyên. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 20/4, thị trường có thể điều chỉnh trở lại, với kháng cự gần nhất quanh ngưỡng 1.270 điểm (đỉnh phiên 13/4).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top