VN-Index tăng nhẹ trong tuần thứ ba liên tiếp với 7,05 điểm (+0,6%) lên 1.238,71 điểm. Trong khi đó HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,2%) xuống 293,11 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 1,22 điểm (-1,47%) xuống 81,79 điểm.
Thị trường tăng nhẹ trong tuần qua khi chỉ một vài nhóm ngành có mức tăng mạnh, trong khi đa số các ngành khác đều chịu áp lực chốt lời và giảm. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động khá tiêu cực, thống kê 113 mã bất động sản đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì chỉ có 30 mã tăng, trong khi có đến 74 mã giảm giá.
Dù vậy, trong danh sách tăng giá của nhóm ngành này trong tuần từ 12-16/4 có 2 cái tên là VIC của Tập đoàn Vingroup và NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va gây chú ý nhất – đây chính là 2 cổ phiếu có đóng góp quan trọng giúp VN-Index vẫn giữ được mức tăng điểm nhẹ ở tuần qua. VIC tăng đến 14,5% từ 124.900 đồng/cp lên 143.000 đồng/cp.
Thông tin giúp cổ phiếu này đi lên mạnh mẽ như vậy là Vingroup đang cân nhắc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, huy động khoảng 2 tỷ USD. VinFast mong muốn có vốn hóa thị trường ít nhất 50 tỷ USD sau niêm yết. Ngay sau đó, Vingroup đã làm rõ rằng công ty thường xuyên xem xét các lựa chọn để huy động vốn và đầu tư cho VinFast. Điển hình là những cơ hội huy động vốn như đầu tư vốn trực tiếp vào công ty, phát hành cổ phiếu mới, sáp nhập với công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC), hoặc các giao dịch khác. Việc triển khai các giao dịch huy động vốn còn tùy thuộc vào điều kiện thị trường và nhu cầu vốn thực tế của công ty.
Còn đối với NVL, cổ phiếu này cũng tăng đến 20% chỉ sau một tuần giao dịch. NVL cũng chính là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất tuần qua với gần 405 tỷ đồng. Theo tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tới đây, HĐQT trình cổ đông thông qua việc CTCP Novagroup nhận chuyển nhượng cổ phiếu NVL mà không cần chào mua công khai. Dự kiến, bên bán là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT và bà Cao Thị Ngọc Sương, vợ ông Nhơn. Novagroup sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai nếu quyền biểu quyết dẫn đến trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu đạt từ 25% vốn; gia tăng sở hữu từ 25% lên trên 35%, 45%, 55%, 65%, 75% vốn.
Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes cũng giao dịch tích cực dù mức tăng không quá lớn với chỉ 2%. Mới đây, CTCP Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup đã có văn bản để xuất với tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện kết hợp cảng biển rộng 2.000ha tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất là PLA của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hạ tầng Xăng Dầu với 46,8%. Tuy nhiên, thanh khoản của PLA luôn duy trì ở mức rất thấp và không có thông tin hỗ trợ nào xuất hiện trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao như AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone, HQC của CTCP Địa ốc Hoàng Quân, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, FLC của Tập đoàn FLC… cũng đều tăng giá khá mạnh.
Chiều ngược lại, dù số mã giảm áp đảo trong nhóm bất động sản những không có cổ phiếu nào để mất trên 20% giá trị. Đứng đầu danh sách giảm giá là cổ phiếu IDV của CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc với 16,6%. Thời gian qua, người có liên quan của ban lãnh đạo IDV liên tục bán ra cổ phiếu. Mới đây, mẹ ông Nguyễn Huy Tùng - Người được ủy quyền công bố thông tin đăng ký bán 30.000 cổ phiếu IDV. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 14/4 đến 13/5. Trước đó, mẹ ông Tùng đã bán 20.000 cổ phiếu IDV trong phiên 9/4.
Tương tự, em ông Nguyễn Huy Tùng cũng đăng ký bán ra 20.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 14/4 đến 11/5. Trước đó, anh ông Phạm Hữu Ánh - Ủy viên HĐQT của IDV cũng đăng ký bán 500.000 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 11/4-11/5.
Đứng thứ 2 về mức độ giảm giá ở nhóm bất động sản là SGR của CTCP Địa ốc Sài Gòn với 14,4%. Cổ phiếu SGR vẫn trong xu hướng giảm, hiện cổ phiếu này chỉ có thị giá 28.600 đồng/cp, tương ứng mất hơn 35% giá trị so với mức đỉnh lịch sử 44.200 đồng/cp thiết lập vào ngày 18/3./.