Thị trường chứng khoán Việt nam vẫn đi theo chiều hướng khá tiêu cực trong phiên 16/4, trong đó, cả 3 chỉ số đều kết thúc phiên trong sắc đỏ.
Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tương tự như các phiên trước, lực cầu vẫn tỏ ra mạnh và góp phần giúp chỉ số chính VN-Index có khoảng thời gian hồi phục và giao dịch ở trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn là quá mạnh nên chỉ số này cũng không thể duy trì được sắc xanh. Trong khi đó, cả HNX-Index và UPCoM-Index đều có phần lớn thời gian của phiên giao dịch trong sắc đỏ.
Các cổ phiếu lớn như GVR, TPB, PLX, BVH, HDB, BID, VNM, ACB, VJC... đều chìm trong sắc đỏ và tạo áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, GVR giảm 4,3% xuống 25.500 đồng/cp, TPB giảm 3,8% xuống 27.700 đồng/cp, PLX giảm 2,9% xuống 52.800 đồng/cp, BVH giảm 2,7% xuống 57.900 đồng/cp, VNM giảm 2,2% xuống 96.900 đồng/cp.
Bên cạnh VIC, 2 cổ phiếu cùng họ Vingroup khác là VHM và VRE đều chỉ giảm nhẹ. Mới đây, CTCP Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup đã có văn bản để xuất với tỉnh Hà Tĩnh cho khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện kết hợp cảng biển rộng 2.000ha tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Động lực giúp VN-Index không giảm quá sâu trong phiên là nhờ 4 cổ phiếu bất động sản là VIC, NVL, BCm và PDR, đây chính là 4 cổ phiếu có mức độ ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số. Trong đó, VIC tăng 1,5% lên 143.000 đồng/cp, NVL tăng 5,4% lên 56.100 đồng/cp, BCM tăng trần lên 56.100 đồng/cp còn PDR tăng 5% lên 71.000 đồng/cp.
Sự phân hóa tiếp tục diễn ra tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, tuy nhiên, sắc đỏ có phần áp đảo hơn, trong đó, các mã giảm giá đáng chú ý có LDG, CEO, ITA, OGC, FIT, HAR, PVL, CII, SCR... trong đó, LDG giảm đến 6,7%, CEO giảm 5,8%, FIT giảm 5,3%, SCR giảm 4,3%... điểm chung của các mã này là đều có khối lượng khớp lệnh duy trì ở mức cao.
Dù bên tăng giá ít hơn nhưng nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn có được sự bứt phá bất chấp sự rung lắc của thị trường chung. PLA, TID, NTB, PPI, STL, TIG hay HTT đồng loạt tăng trần. Bên cạnh đó, HQC cũng tăng đến 4,6% lên 4.980 đồng/cp, FLC tăng 4,5% lên 13.850 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,54 điểm (-0,68%) xuống 1.238,71 điểm. Toàn sàn sàn có 81 mã tăng, 355 mã giảm và 36 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,01 điểm (-1,02%) xuống 293,11 điểm. Toàn sàn có 52 mã tăng, 183 mã giảm và 49 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,91 điểm (-1,1%) xuống 81,79 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,34 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 26.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 24.500 tỷ đồng. FLC, ITA và HQC vẫn là 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, FLC khớp lệnh được 61,8 triệu cổ phiếu còn ITA và HQC lần lượt là 35,5 triệu cổ phiếu và 33,6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 532 tỷ đồng trong phiên 16/4, trong đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 180 tỷ đồng. Chiều ngược lại, các cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh có NVL, FLC, DXG, VIC và TCH, trong đó, NVL được mua ròng mạnh nhất với giá trị gần 90 tỷ đồng.
Tính chung cả tuần, trường tăng nhẹ với thanh khoản đạt mức kỷ lục mới. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 7,05 điểm (0,6%) lên 1.238,71 điểm; HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,2%) xuống 293,11 điểm. Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó do hệ thống được cải thiện và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 24.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 28,6% lên 106.702 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 30,1% lên gần 4,6 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 15,5% lên 17.068 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 14,4% lên 988 triệu cổ phiếu.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường có tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp với mức tăng nhẹ và thanh khoản lập kỷ lục mới khi mà hệ thống giao dịch được cải thiện cho thấy sự quan tâm lớn của nhà đầu tư đối với thị trường trong giai đoạn này. Trong tuần qua cũng chứng kiến việc VN-Index giằng co và rung lắc mạnh quanh ngưỡng 1.250 điểm. Nhưng cuối cùng thì VN-Index đã thất bại trước ngưỡng 1.250 điểm trong phiên cuối tuần sau khi đã hai lần kết phiên trên ngưỡng này trong ngày 12/4 và 14/4. Một điểm đáng lưu ý nữa là độ rộng thị trường, ngoại trừ một số bluechip trong nhóm bất động sản và thép nâng đỡ chỉ số thì hàng loạt các nhóm ngành khác đều bị chốt lời và giảm trong tuần qua. Trên góc độ sóng elliot, VN-Index có khả năng đã kết thúc sóng tăng 5 trong tuần qua để chuyển sang sóng điều chỉnh a với target gần nhất là quanh ngưỡng 1.135 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Nên trong tuần giao dịch tiếp theo 19/4-23/4, xu hướng giảm có thể chiếm ưu thế.