VN-Index đã trải qua tuần giao dịch từ 4 - 8/3 với nhiều biến động mạnh. Chỉ số tiến đến vùng kháng cự quanh 1.280 điểm tương ứng vùng đỉnh giá tháng 9/2022 và liên tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá quanh 1.260 điểm. Tuy nhiên phiên cuối tuần, VN-Index đã chịu áp lực bán đặc biệt ở nhóm ngân hàng, khiến chỉ số này kết phiên giảm 10,93 điểm (-0,87%) so với tuần trước về mức 1.247,35 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,11 điểm (-0,05%) xuống còn 236,32 điểm. Tương tự, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 91,23 điểm.
Trong tuần, thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 30.114 tỷ đồng/phiên, tăng gần 16%, trong đó giá trị khớp lệnh bình quân tăng 16,1% lên 28.054 tỷ đồng/phiên.
Giao dịch của nhóm bất động sản trong tuần vừa qua đi theo chiều hướng tương đối kém tích cực. Trước phiên thứ Sáu, nhóm ngành này đã giao dịch không có quá nhiều nổi bật, sau đó cũng không tránh khỏi áp lực chung diễn ra ở phiên cuối tuần.
Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là cái tên đến từ nhóm khu công nghiệp - SZG của CTCP Sonadezi Giang Điền với mức giảm 10,4%. Tuy nhiên, SZG lại thuộc diện thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ vỏn vẹn 20 đơn vị/phiên ở tuần qua.
Một mã bất động sản khác cũng giảm trên 10% là FID của CTCP Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam. Trong tuần, FID ghi nhận mức giảm 10,34%. Bản thân doanh nghiệp này trong thời gian vài tháng trở lại đây không có các thông tin đáng chú ý nào xuất hiện.
Đáng chú ý, cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail nằm trong danh sách các mã bất động sản giảm mạnh nhất với 4,7%. Thông tin liên quan, MVIS Vietnam Local Index - chỉ số cơ sở của Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) vừa công bố cơ cấu danh mục định kỳ quý I/2024. Trong kỳ cơ cấu này, MVIS Vietnam Local Index thêm mới duy nhất FTS và không loại bất kỳ cổ phiếu nào. Theo ước tính, quỹ sẽ tăng mạnh tỷ trọng một số cổ phiếu, trong đó có VRE với khối lượng dự kiến mua vào khoảng 1,1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va cũng giảm hơn 4,6% trong tuần qua. Đơn vị này vừa có thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) liên quan đến tình hình thanh toán lãi trái phiếu. Theo đó, NVL xin chậm thanh toán lãi 4 lô trái phiếu trong ngày 28/2 với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán". Tổng số lãi dự kiến phải trả tại 4 lô này là gần 98 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 4/3, CTCP Novagroup thông báo đã bán 4,4 triệu cổ phiếu NVL nhằm cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu nợ. Như vậy, Novagroup đã hạ sở hữu tại Novaland xuống còn 362,9 triệu cổ phần, tương đương 18,608% vốn và vẫn là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này.
Một số cổ phiếu bất động sản đáng chú ý khác giảm giá trong tuần từ 4 - 8/3 có CEO của Tập đoàn C.E.O (-3,98%), DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (-3,56%), PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (-3,45%)...
20 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản tuần 4 - 8/3.
Ở chiều ngược lại, dù diễn biến chung là kém tích cực nhưng vẫn có khá nhiều cổ phiếu bất động sản biến động tốt trong tuần qua. VRC của CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC ghi nhận mức tăng lên đến gần 26%. Dù không có thông tin hỗ trợ nhưng VRC trong tuần qua đã có 3 phiên tăng trần liên tiếp.
Bên cạnh đó, NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng tăng gần 14%. Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu NBB. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 7/3 - 5/4. Trước giao dịch, CII đang nắm gần 37,6 triệu cổ phiếu NBB, tương đương tỷ lệ 37,52%. Nếu giao dịch thành công, CII sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại NBB lên 42,51% (gần 42,3 triệu cổ phiếu).
20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản tuần 4 - 8/3.
Quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDirect cho biết, áp lực chốt lời tăng mạnh khi VN-Index chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm "bất thành" trong phiên cuối tuần qua. Đà bán xuất phát từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn dẫn dắt đà tăng thị trường gần đây, và dần lan rộng ra toàn thị trường. Lực bán càng gia tăng về cuối phiên ngày thứ sáu và kéo chỉ số xuống dưới ngưỡng 1.250 điểm.
Ông Hinh đánh giá, mặc dù trải qua một phiên điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư không nên hoảng loạn mà bán tháo cổ phiếu. Thực tế, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa bị phá vỡ khi VN-Index vẫn đang giao dịch trên đường MA20. Bên cạnh đó, những lo ngại đối với tỷ giá và thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đã có tín hiệu lắng dịu. Đáng chú ý, sau khi vượt vùng 24.700 đồng đổi 1 USD, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã lùi dần về vùng 24.650 đồng trong phiên cuối tuần. Do đó, tâm lý thị trường có thể sớm ổn định trở lại.
Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát kỹ lực cầu tại vùng hỗ trợ 1.230 điểm (+/10 điểm). Nếu giữ vững được vùng này, xu hướng tăng của thị trường sẽ được bảo toàn và dòng tiền có thể luân chuyển sang những nhóm cổ phiếu đã có nhịp tích lũy thời gian vừa qua như nhóm thép, chứng khoán, bất động sản và một số cổ phiếu vốn hóa vừa (mid-cap)./.