Sau nhiều tuần đi lên không biết “mệt mỏi” từ đáy tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có khoảng thời gian điều chỉnh thực sự trong tuần từ 8 - 12/6. VN-Index có 3 phiên giảm điểm và 2 phiên tăng trong tuần.
Trong tuần, có thời điểm thị trường rơi vào trạng thái bị bán tháo và diễn ra trong phiên 11/6 sau khi VN-Index thiết lập được mốc quan trọng 900 điểm ngày 10/6 (đây được cho là nguyên nhân đã kích hoạt hoạt động chốt lời của nhà đầu tư). VN-Index phiên 11/6 giảm đến 3,7%, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 30/3 (-4,86%) của chỉ số này.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 2,6% xuống còn 863,52 điểm. HNX-Index cũng giảm 1% xuống 116,91 điểm. UPCoM-Index giảm 0,85% xuống 55,95 điểm.
Với việc thị trường điều chỉnh trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm. Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với gần 6%, trong đó, PLX giảm đến 3,8%, PVD giảm 5,3%, PVS giảm 6,7%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhân tố chính gây áp lực lên thị trường chung khi giảm hơn 2% trong tuần qua, trong đó, VCB giảm 3,8%, CTG giảm 4,7%, VPB giảm 5,7%…
Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VCB, VIC và VHM khi lấy đi của chỉ số lần lượt 3,6; 3,1 và 2,2 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index STB, BID và ITA khi đóng góp lần lượt 0,7; 0,5 và 0,4 điểm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch không mấy tích cực dù vậy, sự phân hóa diễn ra khá rõ nét. Các cổ phiếu như C21, HD2, NDN, KHA, VNI, TEG… đều có mức giảm rất mạnh, trong đó, C21 giảm 38% xuống 18.468 đồng/cp, HD2 giảm 33,5% xuống 5.120 đồng/cp…
Ở chiều ngược lại, PPI, HQC, ITA, CEO, SCR… là những cái tên gây chú ý khi không chịu ảnh hưởng mấy từ đà rung lắc của thị trường chung. PPI tăng đến 113,25% chỉ sau một tuần giao dịch nhưng thị giá cổ phiếu này chỉ là 708 đồng/cp. HQC và ITA vẫn là 2 điểm nổi bật của nhóm cổ phiếu bất động sản khi khớp lệnh liên tục ở mức cao trong mỗi phiên giao dịch. ITA tăng 29% còn HQC tăng gần 39% sau tuần giao dịch vừa qua.
Thanh khoản tăng mạnh so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 8.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thế, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 28,5% lên 39.024 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 32,2% lên 2.906 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 9,1% lên 4.641 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 25,2% lên 478 triệu cổ phiếu. Phiên ngày 11/06 là có thanh khoản kỷ lục với khối lượng giao dịch khớp lệnh cao nhất từ trước đến nay.
Khối ngoại là điểm sáng của thị trường khi mua ròng hơn 422 tỷ đồng ở tuần từ 8 - 12/6. Riêng tại sàn HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 401 tỷ đồng. Hai CCQ ETF là VFMVN Diamond và VNFin Lead nhận được sự quan tâm lớn của khối ngoại khi được mua ròng lần lượt 524 tỷ đồng và 105 tỷ đồng. VHM cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị 281 tỷ đồng.
Một cổ phiếu bất động sản khác cũng lọt vào top 10 mã được khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất với 39 tỷ đồng. Trong khi đó, khá nhiều cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh gồm CII, PDR, TDH, VRE, KBC và VIC. Trong đó, CII bị bán ròng đến gần 103 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 đang duy trì mức basis âm nhẹ 2,76 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), diễn biến trên của thị trường chứng khoán phái sinh cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng về xu hướng thị trường.