Aa

Từ 10/7/2021, giảm mức phạt với hành vi vứt rác bừa bãi tại chung cư

Thứ Năm, 08/07/2021 - 07:00

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý được đề cập tại Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Quy định mới đã giảm mức phạt đối với hành vi vứt rác, đi vệ sinh cá nhân một cách bừa bãi tại khu chung cư, thương mại nói riêng và nơi công cộng nói chung. Cụ thể như sau:

Một là, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng (hiện nay, bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng) đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Hai là, phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng (hiện nay, bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng) đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.

Ảnh minh họa.

Ba là, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (hiện nay, bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng) đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; trừ trường hợp vứt, thải rác thải sinh hoạt, trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt, đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (hiện nay, bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng).

Lưu ý, theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 155/2016/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính nêu trên là mức phạt tiền quy định đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân.

Nghị định 55/2021/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2021.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã quy định mức phạt tiền cao nhằm răn đe, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng; thực tế các quy định này đi vào cuộc sống đã tạo được hiệu ứng tích cực để người dân có trách nhiệm bảo đảm vệ sinh nơi công cộng.

Tuy nhiên, trong lúc thực thi quy định nêu trên lại gặp nhiều khó khăn khi mức phạt cao, không phù hợp với đông đảo người dân. Hơn nữa, mức tiền phạt cao sẽ tương ứng với thẩm quyền xử lý nên kéo theo nhiều trình tự, thủ tục phức tạp, tốn kém thời gian.

Do đó, Nghị định 55/2021/NĐ-CP có sự sửa đổi, bổ sung như trên là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top