Người đứng đầu gây trì trệ phải chịu trách nhiệm
Mới đây, tại cuộc họp với các sở, ban ngành về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách và triển khai nhiệm vụ diễn ra ngày 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị sớm thành lập Tổ dự án giải quyết tồn đọng các dự án bất động sản địa bàn.
Tổ công tác sẽ do ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách nhằm giải quyết sớm những bức xúc, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, nhằm tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Thủ trưởng từng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.HCM về việc sụt giảm các chỉ số thành phần PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh) liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được phân công theo kế hoạch.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt 10 nhóm giải pháp cụ thể theo kế hoạch của UBND TP.HCM và Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; chủ động thực hiện chủ đề năm có hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp thúc đẩy thành phố phát triển.
Những chỉ đạo này cho thấy quyết tâm rất cao của người đứng đầu UBND TP.HCM trong việc gỡ thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. Việc ông Nguyễn Thành Phong liên tục nhắc đi nhắc lại câu chuyện đẩy nhanh thủ tục từ năm này sang năm khác vẫn không mấy hiệu quả trên thực tế, bởi nhiều dự án bất động sản vẫn đang bị ách tắc tại Sở Tài nguyên – Môi trường (Sở TN-MT) nhưng chưa được tháo gỡ .
Bế tắc vẫn kéo dài ở Sở Tài nguyên - Môi trường?
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, nguyên nhân khiến nhiều dự án bị ách tắc chủ yếu do hồ sơ nộp tiền sử dụng đất vẫn còn tồn đọng tại Sở TN-MT. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp dù có đủ tiền xin nộp hoặc nộp bổ sung, nhưng không được hỗ trợ giải quyết. Không chỉ 1 dự án mà nhiều doanh nghiệp bị vướng mắc tới 2 - 3 dự án cùng lúc.
Điển hình như Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (thành viên của Tập đoàn Đầu tư LDG - LDG Group) đang ách tắc cả 2 dự án High Intela và West Intela. Ông Nguyễn Minh Khang – Tổng Giám đốc LDG Group cho biết, sự vướng mắc về thủ tục hành chính đã khiến doanh nghiệp này kiệt quệ về tài chính, tranh chấp triền miên, nặng nhất là ảnh hưởng uy tín đối với khách hàng.
Điều đáng nói, LDG Group đã có hàng chục văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở TN-MT, Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng một số cơ quan ban ngành… để “cầu cứu” song vẫn rơi vào bế tắc. Nhiều cuộc họp do Sở TN-MT chủ trì giữa các bên, có cả chủ đầu tư nhưng rồi vẫn không đi đến đâu. “Tính đến hiện tại, chủ đầu tư đã gửi Sở TN-MT hàng chục văn bản đề nghị được đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn chưa có phản hồi”, đại diện LDG Group cho hay.
Tương tự, dự án Opal Riverside của Đất Xanh Group dù đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng sau 3 năm bàn giao vẫn chưa được Sở TN-MT cấp sổ hồng. Theo Đất Xanh Group, doanh nghiệp đã phối hợp và gửi rất nhiều văn bản liên quan việc xin cấp sổ hồng cho người dân, song vẫn gặp vướng mắc về việc xác định giá trị bồi thường đất rạch, giao thông (hơn 4.600 m2) xen cài do Nhà nước quản lý.
“Kể từ khi bàn giao nhà cho khách hàng đến nay đã 3 năm, Sở TN-MT vẫn chưa có hướng giải quyết và chưa có văn bản nào phản hồi cho Tập đoàn, nên Tập đoàn đang chịu áp lực rất lớn do khiếu nại, khiếu kiện đông người từ hơn 600 hộ dân và làm ảnh hưởng đến uy tín - thương hiệu của Tập đoàn đối với các hộ dân Opal Riverside nói riêng và các khách hàng của dự án khác do Tập đoàn làm chủ đầu tư nói chung…”, văn bản của Đất Xanh Group cho biết.
Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng từng phản ánh về vướng mắc tại dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91 ha. Dự án này đã được UBND TP.HCM “chấp thuận đầu tư” và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 từ tháng 4/2017. Dù vậy, thời gian qua, rất nhiều lần doanh nghiệp đã gửi văn bản đến Sở TN-MT xin giao đất thực hiện dự án nhưng đều ách tắc.
“Nếu có thể triển khai, dự kiến có thể mang đến doanh thu cho Công ty Quốc Cường Gia Lai hàng chục nghìn tỷ đồng. Với số tiền này, Công ty sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, thông qua các khoản thu tiền sử dụng đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tuy nhiên, sau 3 lần Công ty gửi văn bản đến Sở TN-MT xin giao đất, để thực hiện dự án, nhưng Sở TN-MT không trả lời văn bản, chỉ hướng dẫn miệng”, Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dân đã phải gửi đơn kêu cứu lên Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) và Chủ tịch UBND TP.HCM về nguyện vọng được nộp tiền sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở Bình Chiểu 2 (phường Bình Chiểu quận Thủ Đức). Doanh nghiệp này cho biết, đã mất 8 năm chờ đợi để có tiền trang trải nợ nần từ 2009 đến 2017 và 3 năm chờ đợi được nộp thuế. Việc này khiến doanh nghiệp quá mệt mỏi, kiệt sức vì tiền lãi đã vượt quá khoản tiền đầu tư cho dự án.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Đực - Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng địa ốc Xanh cho rằng, công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Trong đó, 2 nơi trì trệ nhất trong phê duyệt thủ tục hành chính là UBND TP.HCM và Sở TN-MT. Liệu tình trạng giải quyết thủ tục pháp lý ở Sở TN-MT sắp tới có cải thiện hay không? Trách nhiệm của Giám đốc Sở TN-MT như thế nào? Dư luận vẫn đang chờ câu trả lời, xem chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong liệu có đi vào thực tế hay vẫn chỉ là lời nói gió bay.