Aa

Ấm áp tình làng mùa Covid

Thứ Sáu, 18/02/2022 - 06:06

Hơn một lần trong cơn dịch giã, chúng ta lại nhận thấy văn hóa làng xã ấm áp tình người, nơi nương náu của tâm hồn dân tộc Việt vẫn còn nguyên vẹn...

Hồi tháng 5, tháng 6 năm 2021, quê tôi Bắc Ninh bị dịch Covid-19 tràn qua. Làng tôi cũng không là ngoại lệ. Lúc đó cả làng có đâu 9, 10 công nhân ở trọ bị dương tính. Thế là phong tỏa y tế, nội bất xuất ngoại bất nhập. Làng tôi xưa thuần nông, cấy lúa trong đồng và trồng màu bên cánh bãi. Cánh bãi sông Đuống quê tôi vốn do phù sa bồi đắp lâu đời nên tốt tươi mát rượi. Trồng cây gì cũng cho hoa kết trái, được thu hoạch. Bởi vậy đời sống dân làng tôi không giàu có như dân các làng chuyên nghề bán buôn, làm nghề khác nhưng cũng luôn no đủ ấm áp. 

Gần đây, Nhà nước cho lập một khu công nghiệp cạnh làng. Nhiều nhà máy, công ty đang được xây dựng và đi vào sản xuất. Công nhân ở khắp nơi đổ về làm việc. Bởi thế nên tự dưng trong làng có công nhân về ở trọ. Mới đầu chỉ một vài nhà, sau dần nhiều nhà xây hẳn nhiều dãy phòng, thậm chí là nhà mấy tầng có đầy đủ điện nước, công trình vệ sinh khép kín cho công nhân thuê trọ nữa kia. Rồi kéo theo các dịch vụ bán buôn hàng hóa nhu yếu phẩm. Công nhân có lúc về ở trọ đến cả ngàn người mà làng cũng chỉ có đâu hơn hai ngàn người thôi. Chiều đến lúc tan tầm, về quê thấy đường làng ngõ xóm nhiều lúc bị tắc, khiến mình có cảm giác lạ lùng. Ở thành phố tắc đường đã đành, về đến làng xóm mà vẫn cứ tắc đường…

Nhiều công nhân làm việc tại các khu công nghiệp gặp khó khăn và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: Internet)

Khi làng bị phong tỏa y tế, lập các chốt canh giữ kiểm soát người ra vào, chính quyền cũng đem ngay gạo phát cho dân. Còn dân làng thì tự động lập ngay tổ thiện nguyện cùng với tổ Covid cộng đồng hỗ trợ chống dịch, xem xét nắm bắt mọi sự xem ai, gia đình nào có khó khăn khi phong tỏa để còn giúp đỡ. Bởi như đã nói, từ khi có khu công nghiệp bên cạnh, dân làng chuyển sang làm nghề dịch vụ buôn bán nhiều. Mà dịch vụ buôn bán thì phụ thuộc thị trường. Nay đóng cửa ngăn sông cấm chợ cả, buôn bán với ai. Rồi công nhân, lớp đã bỏ về quê lúc làng chưa bị phong tỏa, lớp đi ba cùng tại nhà máy công ty, làng vắng hẳn đi.

Những ngày ấy, có dịp về qua làng bỗng thấy xao xác buồn thảm làm sao. Nhưng thật may, vì làng vẫn còn ít ruộng, vẫn cấy lúa nên nhà nào nhà nấy còn có đủ gạo ăn, tương cà mắm muối rau dưa ngoài vườn bãi, đời sống cũng không ảnh hưởng lắm. Lại được con em người làng đi làm ăn xa, đi công tác các nơi… nghe nói làng bị dịch bèn tổ chức mua gạo mắm nhu yếu phẩm gửi về làng hỗ trợ. Dân làng dù không thiếu thốn cũng vẫn thấy ấm lòng và tự tin để mà chống dịch. Tình hình làng xóm trong cơn dịch giã vẫn ổn định.

Lãnh đạo thôn cùng với tổ thiện nguyện, tổ Covid cộng đồng ngồi bàn với nhau rằng, công nhân đến ở trọ làng mình thì cũng coi như người làng. Những người đi sang khu công nghiệp ăn ở sản xuất tại chỗ có công ty họ lo. Những người về quê rồi không tính. Còn một số khá đông công nhân chưa có hợp đồng lao động dài hạn, làm việc thời vụ, nay dịch bệnh mất việc, lại kẹt không về quê được thì đời sống của họ ra sao đây? Không thể để họ bị đói khát ngay tại làng mình được, như thế thì xấu hổ cả làng. Bởi thời buổi bây giờ mọi thứ đã khác xưa nhiều, gạo mắm để ăn uống cho đủ no qua mùa dịch bệnh đâu có thiếu, cần có thể xin ngay các nhà tài trợ được. Nghĩ thế nên mọi người bèn đi đến các nhà có công nhân ở trọ điều tra nắm bắt xem những phòng trọ nào có ai không việc làm, không có thu nhập, khó khăn thực sự.

Chỉ đến khi trải qua dịch bệnh hiểm nguy, ta mới chợt nhận ra làng quê và cái văn hóa thấm đẫm tình người mới quan trọng làm sao trong cơn khốn khó... (Ảnh minh họa: Internet)

Thế rồi người gạo, người mắm, dầu ăn, thức ăn khô… ùn ùn đem về nhà văn hóa của làng, loa đài oang oang mời công nhân bị kẹt do dịch ra nhận lương thực, thực phẩm hỗ trợ. Mấy trăm công nhân được nhận gạo và thực phẩm. Còn rau dưa không có tiền mua có thể xin ngay tại bờ ruộng. Thế nên mọi sự đều ổn. Không ai bị đói, người làng và công nhân. Tất cả đều khỏe mạnh vượt qua đợt dịch. Người dương tính thành âm tính. Làng được dỡ phong tỏa, mọi sự trở lại bình thường…

Làng Ngọ Xá quê tôi là một làng quê miền Kinh Bắc. Từ xưa đến nay vốn vẫn sống theo phong cách làng quê tối lửa tắt đèn có nhau. Con người hồn hậu và chân thành. Cái sự giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn coi như là một sự tất nhiên phải thế. Đó là lẽ sống. Đó là văn hóa làng quê truyền lại từ ngàn đời nay.

Có lúc chúng ta đã cảm thấy cái “văn hóa làng quê” đó hình như là một cái gì cũ kỹ lạc hậu, cần đổi thay. Nhưng chỉ đến khi trải qua dịch bệnh hiểm nguy, chúng ta mới bàng hoàng chợt nhận ra rằng, làng quê và cái văn hóa thấm đẫm tình người mới quan trọng làm sao trong cơn khốn khó. Nền văn hóa của nước Việt về cơ bản được xây dựng trên cơ sở văn hóa làng xã. Rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã thống nhất với nhau nhận định cho rằng, sở dĩ nước Việt, dân tộc Việt không bị biến mất trên bản đồ thế giới, còn tồn tại đến ngày nay như một quốc gia độc lập, một dân tộc thuần nhất là do cha ông chúng ta đã xây dựng được một nền văn hóa làng xã đặc sắc đi cùng với những thiết chế kinh tế xã hội làng xã cũng rất riêng biệt. Có lẽ cái bản sắc đặc biệt đó đã tạo bản lĩnh cho dân tộc chúng ta không bị đồng hóa dù có lúc đã phải qua cả hàng ngàn năm bị nước ngoài cai trị. 

Văn hóa làng xã ấm áp tình người - nơi nương náu của tâm hồn dân tộc Việt. (Ảnh minh họa: Internet)

Cho đến ngày hôm nay, trong một thế giới mở, một thế giới mà thoạt nhìn chúng ta có cảm tưởng nó đang như một cơn lũ cuốn phăng tất cả, hòa tan tất cả vào trong một dòng thác có tên “toàn cầu hóa”, mọi giá trị riêng biệt của quốc gia, dân tộc hầu như bị tan biến trong cái biển có tên gọi là “những giá trị phổ quát của nhân loại”. Nhưng không, rốt cuộc thì dân tộc vẫn còn, quốc gia vẫn còn. Chủ nghĩa dân tộc nổi lên trên thế giới dịp gần đây cho chúng ta thấy rõ điều đó. Và hơn một lần trong cơn dịch giã, chúng ta lại nhận thấy văn hóa làng xã ấm áp tình người, nơi nương náu của tâm hồn dân tộc Việt vẫn còn nguyên vẹn. Mai ngày hình hài làng quê có thể thay đổi, điều kiện và lối sống sẽ thay đổi, con người làng xã có thể đi khắp muôn nơi trên thế giới, nhưng cái văn hóa gốc nhân bản, đặc sắc của người Việt là văn hóa làng xã chắc chắn sẽ không phai mờ trong sâu thẳm tâm trí mọi người. Vĩnh viễn.

Làng Ngọ Xá quê tôi đã trở lại bình thường. Công nhân trong khu công nghiệp ở trọ lại sáng đi chiều về ríu rít. Họ hình như đã thành một bộ phận dân cư gắn bó với làng. Bóng dáng của dịch Covid vẫn còn phảng phất đâu đây, thế nhưng hình như mọi người đã quen với điều đó rồi. Chung sống thôi. Ai nấy đều mỉm cười nói vậy mỗi khi có ai nhắc về những ngày chưa xa ấy…/.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top