Aa

Từ hôm nay, thành phố cổ thứ 2 Việt Nam chính thức ngừng hoạt động

Thứ Ba, 01/07/2025 - 00:00

Từ ngày 1/7/2025, thành phố cổ này sẽ chính thức không còn tồn tại trên bản đồ hành chính Việt Nam, theo lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn quốc.

Từ ngày 1/7/2025, TP. Nam Định – thủ phủ với hơn 760 năm lịch sử của tỉnh Nam Định – sẽ chính thức không còn tồn tại trên bản đồ hành chính Việt Nam. Đây là một phần trong lộ trình thực hiện Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 759/QĐ-TTg.

Theo Đề án, toàn bộ 696 đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, trong đó có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố trực thuộc TP trực thuộc Trung ương, sẽ đồng loạt chấm dứt hoạt động từ thời điểm trên. Thay vào đó, hệ thống đơn vị hành chính mới sẽ chỉ còn 3 loại hình cấp xã: xã, phường và đặc khu. Riêng các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay sẽ được chuyển đổi thành các "đặc khu".

Với Nam Định, việc xóa tên gọi "thành phố" là một dấu mốc lớn. Là thành phố cổ thứ hai của Việt Nam sau Hà Nội, Nam Định từng là trung tâm văn hóa, thương mại và chính trị của vùng đồng bằng sông Hồng trong suốt nhiều thế kỷ. Đây là nơi phát tích của triều Trần – một trong những triều đại hưng thịnh nhất lịch sử Việt Nam, với những dấu ấn để lại đến tận ngày nay như Phủ Thiên Trường, đền Trần, chùa Phổ Minh hay thành cổ Nam Định.

Không chỉ giàu giá trị lịch sử, Nam Định còn là điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc với những công trình kiến trúc Pháp cổ nổi bật trên các tuyến phố như Hàng Tiện, Hàng Sắt, Minh Khai… Nhà thờ Lớn Nam Định với kiến trúc Gothic nổi bật, cùng hàng loạt ngôi nhà thờ cổ kính khắp địa bàn thành phố, từ lâu đã trở thành điểm hẹn của du khách yêu kiến trúc và nhiếp ảnh.

Từ hôm nay, thành phố cổ thứ 2 Việt Nam chính thức ngừng hoạt động- Ảnh 1.

Một góc Nam Định. Ảnh: Internet

Nhắc đến Nam Định còn không thể quên chợ Rồng – khu chợ trung tâm nổi tiếng với không khí tấp nập và các món ăn đậm chất ẩm thực phố cổ như phở bò Nam Định, bánh xíu páo, bánh cuốn chả, kẹo Sìu Châu… Những ngày cuối tuần, nhiều bạn trẻ từ Hà Nội vẫn thường "đánh xe" về đây chỉ để thưởng thức một bát phở đậm vị hay lang thang trên những con phố rợp bóng cây.

Theo phương án sắp xếp, toàn bộ các phường và xã hiện hữu sẽ được nhập lại để hình thành các phường mới. Cụ thể, sẽ có phường Nam Định, phường Thiên Trường và phường Đông A được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã, phường cũ. Những cái tên quen thuộc như Quang Trung, Vị Xuyên, Lộc Vượng hay Cửa Bắc… sẽ trở thành những ký ức hành chính, nhường chỗ cho một cấu trúc quản lý mới.

Trong khi nhiều người dân Nam Định không giấu nổi cảm giác tiếc nuối với cái tên "thành phố Nam Định" – vốn đã gắn bó qua nhiều thế hệ – thì ở một góc nhìn khác, đây lại được coi là cơ hội để địa phương bứt phá. Việc tinh giản bộ máy, giảm tầng nấc hành chính được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính chủ động cho cấp xã, đồng thời mở ra những cơ chế, chính sách mới cho đầu tư hạ tầng, dịch vụ và phát triển đô thị.

Thực tế, những năm gần đây, Nam Định đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế với sự phát triển của các khu công nghiệp lớn như Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh, cùng làn sóng đầu tư mới trong lĩnh vực dịch vụ, logistics. Với lợi thế địa lý gần Hà Nội và hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, Nam Định đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả du khách và nhà đầu tư.

Việc đổi tên đơn vị hành chính có thể khép lại một chương trong lịch sử hành chính, nhưng chắc chắn không làm phai mờ những giá trị văn hóa, lịch sử đã hun đúc nên "hồn cốt" của Nam Định suốt hơn 7 thế kỷ qua. Và với những chủ trương phát triển đang được triển khai, mảnh đất giàu truyền thống này nhiều khả năng sẽ bước vào một hành trình mới: hiện đại hơn, năng động hơn nhưng vẫn giữ trọn những nét riêng biệt đã làm nên thương hiệu của vùng đất "Thành Nam".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top