Khi môi trường tự nhiên ngày càng bị tổn hại, sinh thái đô thị dần trở thành từ khóa được nhắc nhiều trong việc dẫn hướng các hoạt động kiến tạo đô thị, với mong muốn biến những đô thị “bình thường” thành những đô thị sinh thái.
Xuất phát từ định nghĩa sinh thái học là một nhánh của sinh học, liên quan đến mối quan hệ của các sinh vật với nhau và với môi trường vật lý xung quanh của chúng, đô thị sinh thái được hiểu là một khu vực định cư của con người, được mô phỏng theo cấu trúc và chức năng tự phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên.
Một cách cụ thể hơn, sinh thái đô thị muốn nói đến các điều kiện sinh sống của đô thị mà đối tượng quan tâm là môi trường sinh thái, còn đô thị sinh thái là đô thị đạt được những tiêu chí về điều kiện và chất lượng môi trường sống sinh thái. Và, quy hoạch đô thị sinh thái là phương pháp quy hoạch đô thị nhằm đạt được các tiêu chí của chất lượng cuộc sống cao, hướng tới sự phát triển bền vững của đô thị đó.
Đô thị sinh thái nâng cao sự thịnh vượng của người dân cùng xã hội thông qua quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp khai thác lợi ích của hệ thống sinh thái, bảo vệ và nuôi dưỡng những nguồn tài nguyên này cho thế hệ tương lai.
Đồng thời, đô thị sinh thái cũng đang cố gắng hoạt động hài hòa với hệ thống tự nhiên, coi trọng các nguồn tài nguyên sinh thái, đặc biệt là sự đa dạng sinh học, không chỉ của chính những đô thị này, mà còn cho hệ sinh thái khu vực và toàn cầu.
Thông qua những định hướng, kế hoạch, chính sách, quy định với các biện pháp thể chế, hợp tác chiến lược, thiết kế đô thị và chiến lược đầu tư dài hạn toàn diện, đô thị sinh thái giảm đáng kể thiệt hại ròng đối với môi trường địa phương và toàn cầu, đồng thời, cải thiện phúc lợi chung của người dân và kinh tế khu vực.
Đây chính là yếu tố tiền đề để Ngân hàng Thế giới đề cập đến mô hình kép Đô thị sinh thái - kinh tế (Eco2 City). Nói cách khác, sinh thái giúp các đô thị trở nên kinh tế hơn trong việc tạo ra giá trị và cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và xã hội bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hình và vô hình của thành phố.
Ngược lại, dưới sức ép về nhu cầu hoạt động kinh tế hiệu quả, phát triển và bền vững, sinh thái hóa đô thị đang được xem là một trong những xu hướng và phương cách để nhiều thành phố tiến tới sự cân bằng.
Có thể thấy một mối quan hệ tương sinh nhưng lại tương khắc giữa sinh thái và kinh tế trong phát triển đô thị. Nhìn theo góc độ kinh tế, các yếu tố phúc lợi của con người phát sinh từ thiên nhiên thông qua hàng hóa và dịch vụ tự nhiên liên quan được gọi chung là dịch vụ hệ sinh thái. Và sinh thái đô thị liên quan đến các nguồn tài nguyên hiện có tự nhiên (sinh học và phi sinh học), sẽ được xem là nguồn vốn tự nhiên của đô thị đó, tạo ra dòng chảy cung cấp dịch vụ hệ sinh thái.
Xuất phát từ mục tiêu chính sách của Chính phủ Mỹ liên quan đến bảo tồn vùng đất ngập nước, cân bằng sự mất đất ngập nước do phát triển kinh tế với các nỗ lực cải tạo, giảm thiểu và phục hồi đất ngập nước, để tổng diện tích đất ngập nước quốc nội không giảm, tiến tới không đổi hoặc gia tăng, “Không lỗ ròng” - No Net Loss - một khái niệm quen thuộc hay được sử dụng trong phân tích hiệu quả kinh tế đã trở thành một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về đảm bảo đa dạng sinh học - một trong những yêu cầu nền tảng của sinh thái đô thị khi mà các đô thị đang cho thấy sự nghèo nàn, xói mòn và mất cân bằng môi trường sinh thái tự nhiên, triệt tiêu đa dạng sinh học do những hoạt động xây dựng và can thiệp không gian không ngừng từ con người nhằm đẩy mạnh đô thị hóa lẫn tăng trưởng đô thị hết mức.
Từ “Không lỗ Ròng”, thậm chí các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách còn tham vọng đến “Lãi ròng” - Net Gain nhằm tái tạo nhiều hơn các yếu tố sinh thái đã mất. Hưởng ứng ý tưởng này, một định nghĩa về khái niệm “Không lỗ ròng” đã được thông qua bởi Ủy ban Châu Âu rằng: Tổn thất hay bảo tồn đa dạng sinh học ở một khu vực được xác định theo địa lý được cân bằng bởi việc đạt được ở một nơi khác với điều kiện nguyên tắc này không gây ra bất kỳ suy giảm nào về đa dạng sinh học hiện có được bảo vệ bởi khung pháp lý về thiên nhiên.
Theo hướng tiếp cận này, quá trình sinh thái hóa đô thị để tạo ra các đô thị sinh thái muốn nhấn mạnh mối quan hệ lành mạnh giữa thành phố với môi trường tự nhiên sẵn có của thành phố đó hơn là mang tính kỹ thuật đơn thuần với hàng loạt các chỉ số đo độ xanh, sạch đẹp hay tiết kiệm năng lượng của đô thị. Nói cách khác, phương châm “Không lỗ ròng”/“Lãi ròng” nhằm xây dựng lại nền văn minh đô thị của chúng ta trong sự cân bằng với thiên nhiên, điều tưởng chừng là tất nhiên nhưng lại đang bị lãng quên, thậm chí là cố tình lãng quên, trong quá trình kiến tạo các đô thị vốn đề cao những giá trị vật chất.
Các dự án sinh thái hóa đô thị theo phương châm “Không lỗ Ròng”/“Lãi ròng” thường được thực hiện theo bốn cấp trong hệ thống phân cấp giảm thiểu tác động được chia thành hai nhóm biện pháp. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm: Thứ nhất là phòng tránh tác động tiêu cực nhất có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, và thứ hai là giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi.
Sự khác biệt giữa các biện pháp này là trong khi “phòng tránh” không yêu cầu cao về hành động được đưa vào khi thiết kế các dự án đô thị, thì “giảm thiểu” lại yêu cầu tích cực hơn thông qua những hành động ứng xử cụ thể.
Trong trường hợp không thể áp dụng biện pháp phòng ngừa, biện pháp cứu chữa sẽ được thực hiện bao gồm khắc phục những thiệt hại, tổn hại đến môi trường sinh thái, và bù đắp hoàn toàn cho bất kỳ tổn thất sinh thái nào do các dự án đô thị gây ra.
Như vậy, với quan điểm “Không lỗ Ròng”/“Lãi ròng”, sự đa dạng sinh học và sinh thái đô thị đã được đặt vào một bài toán phân tích hiệu quả tương tự như kinh tế đô thị. Rõ ràng là ngoài những quy định trách nhiệm về phòng tránh và giảm thiểu mà các dự án đô thị phải đảm bảo nhằm hướng đến việc sinh thái hóa đô thị theo phương cách “tại chỗ” phổ biến hiện nay, chủ trương “Không Lỗ Ròng”/“Lãi Ròng” còn mang lại cơ hội cho những dự án đó khi việc khắc phục bù đắp các tổn thất không nhất thiết phải được thực hiện trong khu vực dự án mà có thể thông qua những dự án khác, địa điểm khác hay khu vực địa lý khác.
Từ đó, khái niệm tín dụng sinh thái có thể được xem là một đơn vị lợi nhuận được giao dịch trong một thị trường sinh thái sẽ được hình thành. Chính quyền xác định một số loại tín dụng khác nhau, có thể được mô tả theo chủng loại môi trường sống hoặc theo số liệu liên quan đến các giống loài cụ thể.
Tác động của mỗi dự án đô thị sẽ được chuyển đổi thành yêu cầu đối với một số loại tín dụng sinh thái nhất định trên cơ sở ngang bằng hoặc tốt hơn. Đây thực sự là một quan điểm mới mẻ và cởi mở, mang lại cho các đô thị những cách sinh thái hóa mới trong bối cảnh mô hình sinh thái đô thị cũ bộc lộ hạn chế, dẫn đến việc lách luật hay đối phó của các chủ dự án, cùng những xung đột giữa họ và nhà quản lý cũng như các chuyên gia đô thị trong câu chuyện cân bằng giá trị sinh thái và kinh tế.
Mặc dù được đánh giá là sẽ thực thi tốt hơn so với các biện pháp hiện có thông qua việc khuyến khích bù đắp tự nguyện có thể ở một nơi khác nhưng cũng chính từ độ mở này của “Không lỗ Ròng”/“Lãi ròng” đối với mô hình đô thị sinh thái, quan điểm này cũng sẽ dễ dàng bị lợi dụng nếu thiếu kiểm soát và quản lý tốt.
Do đó, việc xây dựng khung chính sách cho “Không lỗ Ròng”/“Lãi ròng” với các mục tiêu bắt buộc và các tiêu chuẩn thực hiện chính cho tất cả các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học là thực sự cần thiết với các dự án đô thị, hướng đến những đô thị sinh thái bền vững thực sự, thay vì chỉ là những vỏ bọc sinh thái mang tính trang trí hay quảng cáo mà chúng ta dễ dàng nhận thấy trong nhiều dự án đô thị hiện nay.
TS. Trần Minh Tùng, Phó Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng