Aa

Từ lòng hiếu nghĩ về sự cứu khổ

Thứ Bảy, 25/08/2018 - 06:01

Tiết Trung Nguyên rằm tháng bảy, xin dâng lên tiên tổ và vạn loại chúng sinh… niềm biết ơn vô hạn của chúng con! Xin cúi đầu sát đất bằng tấm lòng thành kính tri ân sâu xa.

Têm trầu cánh phượng tay gầy

Nón xưa quang gánh chất đầy chuồng trâu

Bình vôi cũ mẹ ăn trầu

Nằm lăn trong xó để sầu cho con

(Trích: Vu lan nhớ mẹ - TT Thích Giác Tâm)

Ân nghĩa trong đời vốn cụ thể nhưng mênh mông vô bờ. Ân nghĩa cũng như sóng vỗ, dồn đẩy nhau về ngút ngàn điệp trùng kiếp sống…

Trong những ngày thiêng có giá trị gốc rễ của truyền thống văn hóa người Việt Nam, ngày Vu Lan Báo Hiếu, Xá Tội Vong Nhân là ngày có tầm vóc và giá trị lớn nhất. Chúng tôi thường nhắc nhớ mọi người lưu tâm đến điều này để nói cho cháu con biết. Chúng ta có quyền tiếp thu văn hóa nước ngoài, những cái hay cái đẹp, sự đa dạng của lối sống văn hóa văn minh, để làm giàu thêm vào vốn sống, nhưng không được quên hay thiếu tìm hiểu về văn hóa nguồn cội của ta.

Ngày lễ tình yêu, ngày phụ nữ, ngày quốc tế lao động,... con trẻ nhớ để mua cho bằng được cành hoa đem tặng người mình yêu thương trong những ngày ấy; nhưng không bao giờ nhớ mua một cành hoa để đem về dâng lên tiên tổ, thì thật đáng xấu hổ. Biết rành rõi về giá trị của xứ người để thực hành, nhưng quên đi quê cha đất tổ, nét đẹp làng mình nước mình thì sao “lớn” lên được. Tiết Trung Nguyên rằm tháng bảy, xin dâng lên tiên tổ và vạn loại chúng sinh… niềm biết ơn vô hạn của chúng con! Xin cúi đầu sát đất bằng tấm lòng thành kính tri ân sâu xa.

Theo truyền thống, dân tộc Việt Nam thường thờ cúng ông bà tổ tiên của mình và quan niệm rằng ông bà tổ tiên sau khi mà trở về nhập chết sẽ hòa nhập vào cội nguồn. Nghĩa là, ông bà ta quan niệm, linh hồn từ đâu sinh ra thì, sau khi chết sẽ trở về ở đó. Từ bản thể nguồn cội sinh ra, nên lại trở về nhập vào nguồn cội.

Như vậy, dân tộc ta từ xưa đã hình dung ra hai loại hình thế giới. Thế giới cõi Âm và thế giới cõi Dương. Người sống, ở thế giới Dương, người mất, ở thế giới Âm. Nhân gian gọị hành trình sống – chết đó là, “sinh ký tử quy”.

Vì vậy, truyền thống dân gian Việt Nam, kính trọng cả ông bà cha mẹ đang hiện hữu và kính trọng cả ông bà cha mẹ đã qua đời. Hiếu, như vậy, là bổn phận cao cả và thiêng liêng không chỉ đối với người còn, mà cả với người mất (tổ tiên).

Đối với cha mẹ còn trên cuộc đời, phải hết lòng hiếu dưỡng, như chăm sóc sức khỏe tinh thần và vật chất cho cha mẹ, lo học hành và giữ gìn gia phong, ăn ở đạo đức, biết giúp đỡ bà con, lối xóm, không làm vậy là bất hiếu.

Đối với người thân đã quá vãng, phải phụng thờ, giữ trai giới, cầu nguyện cho vong linh trở về cội nguồn, thảnh thơi an vui. Giữ hương hỏa là một bổn phận để kết nối tổ tiên quá khứ với hiện tại mà noi theo gương lành. Đó là giữ lửa cho ý thức về cội nguồn không đứt đoạn nơi cháu con.

Nhờ tinh thần hiếu dễ như vậy, nên khi Phật giáo du nhập vào Việt nam, người dân Việt Nam tiếp thu đạo Phật một cách nhanh chóng.

Đức Phật đã cùng quan điểm khi cho rằng, không có tội nào lớn hơn tội bất hiếu và không có phước nào lớn hơn phước của người có đức hạnh hiếu nghĩa.

Đối với cha mẹ còn trên cuộc đời, phải hết lòng hiếu dưỡng...

Đối với cha mẹ còn trên cuộc đời, phải hết lòng hiếu dưỡng...

Có sự đồng cảm với tinh thần Phật dạy về hạnh hiếu mà chủ yếu được ghi trong kinh Phật Báo Phụ Mẫu Ân, và người Việt Nam lại cảm nhận sâu sắc kinh Vu Lan Bồn.

Thật vậy, như trên đã nói, nhân dân ta thấm nhuần truyền thống báo hiếu, nên khi tiếp thu câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ trong kinh Vu Lan, đã dễ dàng đồng cảm. Vì thế, kinh Vu Lan được phổ biến rộng rãi và thường được trì tụng, đặc biệt là trong mùa Vu lan.

Nương theo kinh Vu Lan mới có mùa Vu Lan.

Đức Phật dạy rằng, muốn cứu cha mẹ có tội, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng.

Lỡ lầm và vụng dại, mỗi chúng ta đều có thể vì cuộc sống mưu sinh bán buôn hay giặc giã mà phạm vào cái điều chẳng lành, vì nhỏ nhoi và ghanh ghét mà trong tình cảm, trong công danh, trong lợi lộc.. con người phạm vào ác tội. Tội ấy, chướng ấy gây ra, buộc ràng oán hận chưa dứt, níu kéo ảm ảnh hồn người dai dẳng...

Nghĩ vậy, lòng tưởng nhớ của ta với người xưa sao yên tâm mà vái van khấn nguyện. Hoài niệm, tổ tiên đó, biểu tượng trên ban thờ mỗi ngày hương khói mới chạnh lòng muốn đền đáp.

Tội là đó, mà phúc cũng đó, nhìn ta mà ngẫm người, nhìn nay mà nhớ xưa. Mỗi lần thắp nén hương cho người xưa cũng là cơ hội cho ta quay trở vào bên trong để quán xét lại mình. Từ đó, hành động của ta lợi tha hơn, thiện lành hơn, không hẹp hòi với đắn đo suy tính thiệt hơn. Ta sẵn lòng vì tổ tiên mà mong muốn chuyển hóa để trở nên tốt đẹp hơn.

Âm siêu thì dương thái. Âm phù thì dương trợ. Thế giới tương tức, âm trần qua lại, nên nên nghĩ người nhưng là vì mình.

Tụng một biến kinh vì cha mẹ, thì ta là người được khai tâm trước. Làm một việc lành vì tổ tiên thì ta là người được tha nhân trọng thị trước.Thế nên, ai bảo cầu không siêu và kết không cắt được. Âm - Dương lưỡng lợi.

Không vì người thì đến thánh nhân cũng chẳng cần sửa mình.

Hiếu như vậy, từ nơi Bát hương tiên tổ, từ nơi cội nguồn gia đình mà sống đẹp, sống lành, sống có nhân hậu hiền đức, sẵn sàng hy sinh vì gia đình và người thân; người con đó, người hiếu nhân ấy biết luôn hướng cho tâm mình nên thánh thiện.

Nếp sống mà ở nơi đó, ý niệm cá nhân về bản ngã hẹp hòi đã bị triệt tiêu. Lòng nhân ái và tình thương người nhất định được bồi đắp tỏa sáng. Phật Thích Ca cũng từ nơi sự quan sát cái khổ của mình và người thân mà muốn cứu giúp. Đức hy sinh muốn hiến dâng của Phật cũng từ nơi cha mẹ và vợ con mà muốn cứu khổ.Hạnh nguyện vì độ sinh, tâm mong đạt giải thoát của Phật không ngoài việc giúp người thoát khổ.

Từ lòng hiếu mà nghĩ về sự cứu khổ. Hiếu thảo với nhà thì cứu nhà. Hiếu trung với xã tắc thì cứu nước. Hiếu nghĩa với nhân quần thì cứu người rộng khắp.

Tâm Phật chính là tâm hiếu sinh ra.

Hạnh Phật chính từ hạnh hiếu dựng thành.

Lòng hiếu là phẩm chất rất cần thiết cho sự dấn thân và đức hy sinh.Chúng ta thử tìm xem, đức hy sinh và sự dấn thân có thực được xây nên từ lòng hiếu không?Trước tiên, ta hãy xét, một con người, từ nơi đâu được sinh ra?

Con người nào cũng từ nơi ngôi nhà có cha và có mẹ mà được sinh ra.

Chúng ta có một "phạm vi" và "nơi chốn" rõ ràng để nhớ về nơi mình sinh ra, đó là ngôi nhà. Chúng ta có một "đối tượng biết ơn" rỏ ràng để gọi tên đầu tiên khi bước vào thế giới làm người là cha và mẹ.

Từ khả năng chăm sóc, nhờ cho bú mớm, ẩm bồng, ăn uống..hình hài người con lớn khỏe; nhờ cẩn thận dạy dỗ, con trẻ lớn khôn hiểu biết..nhân cách hình thành.

Con người nào cũng từ đó (gia đình) sinh ra, và trưởng thành. Ngày sau hữu ích cho đời hay không là từ việc mỗi chúng ta có học được bài học đầu tiên từ nơi đó (ngôi nhà) không.

Bài học về quan hệ, giao tiếp đầu tiên, để người con biết học hỏi, là từ nơi việc giao tiếp, ăn nói, thưa hỏi với cha và mẹ.

Bài học về giúp đỡ đầu tiên để người con học hỏi và thực hành là nơi ngôi nhà, là việc nhà. Việc nhà thì có việc sắp xếp từ trong phòng ra đến ngoài vườn, từ trên ban thờ tổ tiên xuống đến bàn ăn.

Ngôi nhà như thế, với người con đang lớn khôn, trưởng thành, ngôi nhà là nơi thực hành dễ dàng và cẩn mực đầu tiên và đầu đời cần thể nghiệm cho một vai trò quan trọng xây dựng nhân cách về sau.

Trên bàn ăn, người con học được sự sum họp, sự thân mật, sự nhường nhịn, san sẻ, thái độ tôn trọng sự sống và ghi nhớ về ơn nghĩa, công lao khó nhọc của người cày cấy trồng trọt, làm có cơ hội cho người con học bài học sống động về biết ơn với niềm trân quý nâng niu của cải phẩm vật.

Trước ban thờ tổ tiên hiện hữu trong ngôi nhà, người con học được bài học chân thành, tín cẩn nhớ tưởng sâu xa về quá khứ của gia đình. Từ đó, người con biết quan tâm việc thờ cúng lễ nghi, hình thành tín ngưỡng về sau cho văn hóa dân tộc của mình.

Nơi hình ảnh sống động về cư xử giữa cha và mẹ, khi cư xử đó của cha mẹ mà có yêu thương, hy sinh, bao dung, và đỡ đần, biết ngọt bùi chia sẻ nhường nhịn...thì tính cách đó, có nơi người con khi lớn khôn.

Nơi người cha nghiêm khắc, biết xã thân hành thiện, biết gánh vác việc giang sơn trọng trách... người con học được từ người cha, noi gương và tự hào để biết lập thân vì đời.

Nơi người mẹ biết cần mẫn, biết chịu đựng, thương chồng vượt khó nuôi con, thuận thảo với gia thân làng xóm.. người con phải từ đức tính của mẹ biết ơn và thương người.

Nơi phòng khách, thái độ cư xử trọng ân tình, chu đáo hiếu khách đãi đằng vì bạn của cha mẹ, sẽ dẫn đường cho con học thái độ với bạn bè.

Lòng Hiếu, là lòng chuộng sự thương kính và sẵn sàng hy sinh vì đối tượng mình thương kính.

Lòng Hiếu, được xây dựng từ gia đình , nên, người con lớn khôn, đi đến tận chân trời nào cũng đau đáu niềm biết ơn và muốn trả ơn cho cha và mẹ. Nếu có một đối tượng cho sự cứu khổ của ta, ta vì muốn cứu người, thì đối tượng đó, là từ nơi gia đình đầu tiên.

Đức hy sinh, thái độ dấn thân cứu đời được hun đúc nên từ chiếc nôi giáo dục gia đình. Đó là biết vì cha và mẹ mà phấn đấu, nỗ lực thành danh. Đó là ý hướng để làm rang gia đình, dòng họ.

Không hổ thẹn khi làm con thì sống "xứng danh với nhà".

Không hổ thẹn khi làm trai thì sống "xứng danh với nước".

Đó là từ LÒNG HIẾU mà nghĩ đến việc cứu khổ khi đã biết tôi luyện qua mái nhà có gia phong, qua tổ ấm đầu đời, ươm mầm cho việc hình thành gia đình hạt nhân ngày sau khi người con lập thân.

Chúc quý vị có một mùa Vu Lan Báo Hiếu với nhiều an lành và ý nghĩa nhất!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top