Ngày Rằm tháng 7 còn được gọi ngày Tự Tứ, Ngày Bụt hoan hỷ, Ngày Báo Hiếu, Ngày Xá Tội Vong Nhân.
Khi nói đến rằm tháng bảy, ai cũng biết đó là ngày “xá tội vong nhân”, là mùa Vu lan báo hiếu. Hay như dân gian thường gọi: tháng cô hồn. Tuy thế, không phải ai cũng hiểu đúng để quan tâm sâu sắc đến ngày này.
Hãy nói đến tính đặc thù của ngày này trong văn hóa, trong truyền thống lâu đời của người Việt. Đây là một tháng đặc biệt mà người Việt Nam sống trên đất nước này, từ già đến trẻ đều phải biết để quan tâm.
Trong rất nhiều các loại hình văn hóa, từ văn hóa lễ hội dân gian đến các tác phẩm văn học và nếp sống sinh hoạt tôn giáo, trước hết, ta thấy ngày rằm tháng bảy trở thành ngày văn hóa tín ngưỡng thiêng liêng số một của dân tộc Việt.
Ta không có thông tin chính xác để biết người Việt 2000 năm trước làm gì khi mùa thu về và ngày rằm tháng bảy có nếp sống sinh hoạt thế nào? Nhưng ta biết chắc chắn rằng Phật giáo là tôn giáo lâu đời, từ đầu kỷ nguyên Tây lịch khi truyền vào đất nước ta đã có nếp sinh hoạt rất hệ trọng vào ngày rằm tháng bảy.
Ngày rằm tháng bảy là thời điểm kết thúc ba tháng An cư Kiết hạ của chư Tăng. Những người nguyện sống một cuộc đời theo lời dạy của Bụt, làm kẻ xuất gia tu hành, tất thảy đều tuân thủ quy chế An cư Kiết hạ mà Bụt chế định.
Truyền thống từ thời Bụt còn tại thế quy định, đến tháng tư vào hạ, (theo thời tiết xứ Ấn thì lúc đó là mùa mưa) chư Tăng phải ở cố định một chỗ mà không được đi lại ra ngoài khuôn viên nơi mình ở.
Ba tháng là thời điểm kể từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 7. Quý thầy sinh sống dưới thời Bụt thường theo Bụt đi khất thực để xin ăn hằng ngày đúng vào giờ Ngọ. Họ ăn ngày một bữa. Phần lớn thời gian còn lại trong ngày ưu tiên cho việc thực hành thiền định và trao đổi học hỏi với nhau hay ôn tụng lời Bụt dạy trong ngày, ghi nhớ cho kỹ để thực tập. Trong ba tháng đó thì không được đi lại khất thực.
Khất thực còn gọi là Trì bát, có nghĩa là cầm bát đi xin ăn. Đi lại trong mùa mưa lúc côn trùng sinh nở sẽ dẫm đạp bước chân mình lên chúng. Hơn nữa, chư tăng đi thành đoàn sau lưng Bụt gồm 1250 vị, số lượng quá đông như thế tất sẽ dẫm chết nhiều côn trùng cùng lúc.
An cư, sống ở yên một chỗ để có thời gian thúc liễm sự tu tập của mình được tinh tiến hơn. Có thời gian tinh chuyên để thực tập sâu hơn những pháp môn được học hỏi qua lời dạy của Bụt. Sau ba tháng, lễ Giải hạ, Tự - Tứ của Đại đức Chúng Tăng đúng nhằm vào ngày Rằm tháng bảy. Đó là Lễ Tự tứ.
Tự là mình, Tứ là nêu lên. Là tự mình khẩn thiết trước một người nào đó để nêu lên một vấn đề. Ở đây, người tu sĩ sau ba tháng thúc liễm tu tập, biết là có tinh chuyên nhưng không thể không có những giải đãi vụng về hay yếu kém lỗi lầm trong con đường hành đạo.
Vì vậy vấn đề được nêu lên ở đây là xin người khác chỉ cho mình những lỗi lầm mà mình đã có trên đường tu tập để ta có thể sửa đổi tiến bộ nhanh hơn. Một vị tu sĩ thực hành trong lễ Tự Tứ, là quỳ xuống trước một vị khác, chắp tay thành kính hướng về vị đó, cầu xin vị đó vì thương xót mà chỉ cho mình những lỗi lầm có thể mình đã phạm vào mà không hay biết. Đó là thái độ thành thật cầu tiến trên đường tu của vị Tu sĩ thực hành lời Bụt dạy.
Tôi nghĩ, dù có đang là người phàm Tăng, thì chính nhờ cái hành động đó mà đoàn thể người tu sĩ vẫn còn biết bao tốt đẹp đáng làm chỗ nương tựa cho thế gian ngưỡng mộ. Đời bạn dù yếu kém đến đâu, có lỡ lầm đến đâu, nhưng chỉ cần một lần trong đời bạn có thái độ cầu tiến đó thôi, tôi nghĩ bạn đáng được kính nể. Những người tu sĩ sau mỗi mùa An cư đều đã thực tập cầu tiến bằng thái độ đó. Thật đáng kính trọng hành động đó. Mong rằng hành động này được truyền đi rộng rãi trong loài người ngày hôm nay.
Đó là ngày Tự tứ. Tầm quan trọng là thế đối với sự phát triển nhân cách người tu tập. Đức khiêm cung của bạn sẽ trưởng thành nếu bạn có tâm thái đó trong khi hành xử. Nhân cách của đấng trượng phu quân tử muốn sửa mình. Chính do thấy học trò của mình hành xử như vậy để tu tập mà Bụt rất hoan hỷ. Ngày đó, cũng đồng thời được mệnh danh là ngày Bụt Hoan hỷ.
Khi ta đi gặp ai hay đi cần việc gì mà gặp khi người đó đang vui vẻ thì còn gì bằng. Cầu nguyện trong ngày Bụt Hoan hỷ, chư Tăng tự tứ, ngày mà trong nhân gian biết bao kẻ sĩ giờ đấy bằng cái tâm chí dũng mãnh, quyết liệt cầu tiến tu trên con đường giải thoát. Tâm tưởng đó mang một từ trường năng lượng thuần khiết, có công dụng làm lành những vết nứt hận thù, chiến tranh, oán thán của nhân gian. Lửa sân hận si mê tham đắm của của cuộc đời chỉ được dập tắt hay điều hòa bởi từ trường đó mà thôi.
Có cha mẹ nào không vui khi con cái mình biết cầu tiến, biết tôn trọng trân quý nhau, chỉ dẫn cho nhau những lầm lỗi, những vụng dại để sửa đổi tiến bộ. Chính tâm nhu nhuyến được ngợi ca khi hành đạo phụng sự chúng sinh là tâm phát xuất từ đó. Nhu nhuyến là cái tâm mềm mại uyển chuyển nhẹ nhàng, lanh lợi biến thái khôn lường thích ứng với tất cả mọi người mọi hoàn cảnh để làm lợi ích chúng sanh. Tâm đó huân tập từ đời sống những khất sĩ sống đời đạm bạc kia mà hình thành.
Sau khi Bụt thành đạo và đi truyền bá giáo pháp cho nhân gian, Ngài đã thâu nhận những đệ tử, những học trò muốn sống theo nếp sống người khất sĩ như Ngài. Tăng đoàn là bốn chúng đệ tử của Ngài từ đó hình thành. Bốn chúng là những thành phần: Người xuất gia nam và người xuất gia nữ, người tại gia nam và người tại gia nữ. Nếp sống An cư chủ yếu là cho hai giới trên. Đời sống An cư kiết hạ cũng hình thành từ đó đến nay. Sống tập trung thúc liễm nhau cùng tiến tu quả thật đã mang lại sức mạnh lớn cho Tăng đoàn của đệ tử Bụt. Sức mạnh thực sự của đạo Bụt là sức mạnh phát sinh bởi đạo đức thực chứng. Đạo Bụt không chú trọng lắm đến tổ chức như các tổ chức thế tục khác. Ta có thể nói, sức mạnh tổ chức không phải là sức mạnh của sứ mạng Phật giáo. Chính vậy mà người tu hành chú trọng đến mùa An cư ba tháng.
Khi một người hiểu đạo hỏi về nguồn gốc một vị tu sĩ, điều họ muốn biết hơn hết là thầy đó thuộc về một trung tâm tu học nào, chứ không phải thuộc về tổ chức nào. Ta hãy lưu ý đến điều đó khi tiếp cận để chọn một vị thầy hướng dẫn tâm linh cho mình bước vào đạo. Một trung tâm tu học mới chuyên nhất thực tập một pháp môn tu học. Ta giác ngộ và giải thoát nhờ ta nắm vững các pháp môn tu học. Không ai giác ngộ nhờ theo một tổ chức bao giờ.
Trở lại ý hướng trên, ta thấy Ngày Rằm Tháng Bảy kết thúc mùa an cư là ngày quan trọng bậc nhất xét về tính chất linh thiêng tụ hội năng lượng khí lành của người có nếp sống Đạo Hạnh trong Phật giáo.
Ban đầu Ngày Rằm Tháng Bảy là vậy trong đời sống của người tu theo Đạo Bụt. Nhưng chính do tính chất thiêng liêng và sức mạnh tập thể của ngày này mà Bụt giới thiệu cho Ngài Mục Kiền Liên biết để nhờ Đại đức Chúng Tăng chú nguyện siêu thoát cho mẹ mình. Tích truyện đó của kinh điển đạo Phật còn truyền lại đến nay sâu rộng trong các truyền thống phật giáo Bắc tông. Không ai là Phật tử mà không biết đến Vu lan báo hiếu của ngài Mục Kiền Liên.
Chuyện kể rằng, sau khi tu hành chứng được đạo quả, ngài Mục Kiền Liên nghĩ nhớ tới mẹ mình và dùng sức mạnh của tư tưởng trong lúc thiền định để quán chiếu. Ngài biết được là mẹ đang chịu khổ trong vùng tối tăm. Tình thương mẫu tử dâng trào, xót thương, Ngài nghĩ đến chuyện đem cơm cúng mẹ. Vì đói khổ lâu ngày ở chốn tối tăm, giờ thấy được bát cơm, lòng tham lại nổi lên trong tâm mẹ Ngài.
Lửa tham đã biến bát cơm hóa ra than hồng. Con nào không đau đớn khi tận mắt chứng kiến cảnh đó của mẹ mình. Đau buốt tâm can, Ngài đem chuyện thưa lên với Bụt, thắc mắc tại sao với khả năng tu chứng đạt được quả vị như mình mà không thể cứu được mẹ? Và do ác nghiệp gì mà mẹ mình phải chịu khổ cảnh như vậy?
Phần đông tâm lý chúng ta hay có thói quen ỷ vào sức mình. Nghĩ rằng, bằng cách này hay cách kia, với khả năng của mình, mình có thể làm được điều mình muốn. Bát cơm đó cũng là tượng trưng cho của cải của những đứa con, cho rằng mình có của cải có thể làm vơi đi khổ đau của mẹ.
Tâm tham không trừ, của cải chính là nguồn phát sinh tranh đoạt hơn thua, chiếm hữu. Đói khổ, sự bức bách của nó không đến từ lý do thiếu cơm, thiếu áo. Đói khổ, sự hành hạ của nó, tác nhân gây ra lại ở nơi tâm tưởng, nơi tinh thần.
Kinh nghiệm này cho ta rút ra một kết luận, đối với người đã khuất, độ thoát cho họ không phải là cúng mâm cơm cho đầy hay đốt cho nhiều giấy tiền vàng.
Nếu thế Ngài Mục Kiền Liên đã làm giỏi hơn chúng ta, vì chính Ngài đã có kinh nghiệm trực tiếp bằng tu chứng đạo quả về thế giới âm phủ nơi mẹ mình đang sống. Cái hiểu biết tột cùng mà Ngài nhận chân được chính là nhờ sức tu tập của tập thể chúng tăng trong khi An cư, mới có thể độ thoát cho tội khổ của mẹ mình.
Nhà ngoại cảm nào biết rõ hơn thế?
Người mờ mịt về cái hiểu biết này trong văn hóa Đạo Bụt mới hành xử với Tiên Tổ, với người trong âm giới mà vẫn nặng đồng bóng giấy vàng tiền mã. Ta hãy nghe giải đáp sau đây của Bụt Thích Ca Mâu Ni.
Giải đáp thắc mắc của ngài Mục Kiền Liên, Bụt giới thiệu thế này:
“Dù Ông có chứng được lục thông, cũng không thể cứu được mẹ ông. Khi sinh tiền mẹ ông đã làm nhiều tội ác, nhưng không tin nhân quả, hủy báng Phật pháp, phá hoại chúng tăng,... chính do tội nặng đó mà đọa lạc chìm sâu vào vùng khổ ải. Ta chỉ cho ông đây, đến ngày rằm tháng bảy, khi chư Tăng tự tứ, ông hãy đem những thứ cần dùng cúng dường chư tăng, rồi nhờ chư tăng chú nguyện cho mẹ ông. Chỉ có cách đó mẹ ông mới được thoát khỏi cảnh khổ nơi ngục tối”.
Cụm từ Ngày Rằm Tháng Bảy Vu Lan Báo Hiếu có ra từ đó cho đến nay. Vậy là đã hơn 2600 năm hiểu được ý nghĩa đó mà ai ai người tin Bụt, cũng noi theo truyền thống trên, tận tâm báo hiếu.
Hiểu sâu hơn về bản chất, ta có thể nói: Đạo Bụt là đạo Hiếu.
(Còn tiếp)