Có một chuyện mà tôi cứ vẩn vơ suốt từ Tết đến giờ mới viết. Nhiều lúc thấy nó nhỏ nhoi giữa bao sự kiện, nhưng rồi lại cứ như mắc nợ. Mắc nợ điều tốt, mắc nợ tấm lòng, mắc nợ cái đẹp, sự lương thiện... là sự mắc nợ khiến mình không thanh thản được.
Nó chỉ nhỏ thế này thôi. Đêm 30 Tết năm nay, chị Bí thư thị xã An Khê nhắn tin trong một nhóm trên facebook: anh A anh B chú ý, đúng 12h kém mà bà con chưa bán hết hoa thì mua hết mang về khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo. Có người trả lời ngay: "Dạ chị, chúng em đang ở đây rồi, sẽ mua hết cho bà con an tâm về ăn Tết"...
Nó lại là thế này, cái sự hoa Tết ấy. Dân ta có những làng hoa Tết. Họ trồng hoa, chăm hoa các loại chỉ để bán Tết. Cả năm trồng, chăm, lo hơn lo cho con, cho vợ. Và Tết thì thắc thỏm mọi thứ. Những là kiếm địa điểm để bán, rồi tính giá bán, làm sao để bán hết trước giao thừa. Thường là cả tuần phải ở chỗ bán hoa, cơm hàng cháo chợ ngủ lều. Nói chung là rất khổ. Đi bán cái đẹp nhưng rất nhếch nhác, rất khổ. Được chính quyền tạo điều kiện còn đỡ, không thì rất vất vả. Ngay ở thành phố Pleiku, mấy năm nay, vì “trót” quy hoạch một cái khu ở xa tít trên dốc nên Tết nào cũng “lùa” bà con bán hoa lên trên ấy bán, vừa xa, vừa nắng, vừa bụi... nên rất ít người chịu lên đấy mua. Ế chỏng ế chơ, mà giá thuê chỗ bán lại cao.
Thị xã An Khê thì khác. Họ quan niệm, bán hoa Tết không chỉ, và không phải, là kinh doanh đơn thuần, mà là kinh doanh đặc biệt, kinh doanh cái đẹp. Và không chỉ kinh doanh, nó là sự làm đẹp, làm đẹp phố phường. Và cái chợ hoa nó không chỉ là chợ, mà nó là hoạt động văn hóa. Những người đi chợ hoa không chỉ lên chợ mua như mua thịt mua cá mua rau mua củi mua mắm mua muối... mà họ còn đi ngắm hoa, đi thưởng thức cái đẹp. Và như thế chợ hoa không còn là chợ hoa mà là hội chợ hoa. Nên chính quyền hỗ trợ bằng cách, giành khu đẹp nhất, thuận tiện nhất trong thị xã làm chợ hoa. Những người nông dân trong thị xã tới bán hoa được miễn phí, người ở địa phương khác đến thu một khoản tượng trưng để chi phí điện nước, vệ sinh...
Họ không gọi chợ hoa mà là hội hoa xuân, dù hoa mang ra đấy mục đích bày để bán. Chính quyền biến thành đường hoa, phố hoa để dân chơi. Nam thanh nữ tú, các gia đình, rất đông dân, những ngày giáp Tết, bộn bề nhiều việc nhưng vẫn kéo nhau ra đường hoa chụp ảnh. Giờ dân ta đều có smartphone nên ai ai cũng chụp ảnh, thậm chí là livestream. Họ không coi hoa như rau gạo cá mắm... mà hoa là cái đẹp, là mùa xuân...
Tự nhiên chả mất tiền, chỉ một sự quan tâm thật lòng, cho dân, cho quê hương, có hẳn một con đường hoa, phố hoa cho dân chơi, cho người trồng hoa có chỗ bán. Và thị xã có hẳn một hoạt động rất đẹp, và sang.
Và hành động cuối cùng, như tôi kể ở trên, mua hoa cho bà con khi bị ế.
Khi tôi kể chuyện này trên facebook của mình, ngoài hàng trăm ý kiến vào khen, cũng có vài người vào còm hỏi: Tiền đâu mà mua, lại xuất ngân sách à? Thực là tôi cũng không hỏi chị bí thư ấy là mua bằng nguồn nào, nhưng tôi biết chắc chắn, cái khu di tích lịch sử ấy, Tết nào cũng phải mua hoa trang trí, đặc biệt là ngày mùng 5 Tết, năm nào cũng có lễ hội kỷ niệm Tây Sơn Thượng đạo, vậy thì thay bằng mua hoa trước, nhín lại một ít, mua giúp bà con ế, hành động ấy theo tôi là quá đẹp, quá nhân văn... Hơn nữa, nếu mà làm một phố hoa, đường hoa... còn tốn kém nữa, ở đây có được hơn một tuần hoa tưng bừng trên phố, lãi thế còn gì?
Vấn đề là, những người lãnh đạo phải có tâm, làm gì cũng nghĩ cho dân, cho số đông.
Rất nhiều người giờ chỉ lo thể hiện uy quyền, thích ra mệnh lệnh, ra xong rồi... quên, kệ cấp dưới, kệ dân xử lý thế nào thì xử.
Tôi may mắn được chơi với một số lãnh đạo rất tốt. Họ lăn lộn, họ thực sự vì dân, nửa đêm dân gọi cũng vẫn có mặt. Họ hiểu dân và không... sợ dân. Cái gì có lợi cho dân thì làm. Và té ra, việc ấy hết sức dễ, nó như ăn cơm uống nước hàng ngày thôi...
Đang ồn ào cái vụ rất kinh hoàng của giáo dục là nâng điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... khá nhiều cán bộ dính. Không chỉ trực tiếp can thiệp vào việc nâng điểm, mà mấy trăm ông bố bà mẹ còn liên quan đến việc con mình “tự dưng” điểm vọt lên, có thí sinh 2 điểm 0 mà vẫn được nâng cao vọt lên để vào đại học, và đã học cả năm rồi (rất nhiều người ngạc nhiên suýt ngất khi nghe có thí sinh được 2 điểm 0, cho rằng đây là điểu kỳ lạ, ngành toán học phải vào cuộc, bởi theo lý thuyết thông thường, cứ đánh đại vào bài thi trắc nghiệm, chí ít cũng có 20% câu đúng chứ chả lẽ lại sai hết). Số phụ huynh có con “bị” nâng điểm này, chả có vị nào là dân thường cả.
Nói “bị” là bởi tới giờ, có cả những ông đứng đầu tỉnh, đều nói là mình không liên quan, không can thiệp để con mình được nâng điểm. Thì thế là “bị” nâng lên chứ còn gì nữa. Không loại trừ đây là hành động của “bọn xấu” làm mất uy tín cán bộ. Nhưng tôi thì nghĩ, chả bọn xấu nào làm thế cả. Và như thế thì, mấy trăm vị phụ huynh kia, các vị chỉ nghĩ đến mình. Và khi hành động như thế, các vị đã tước đoạt quyền lợi chính đáng của mấy trăm thí sinh khác, trong ấy, có nhiều có cháu đạt 30 điểm vẫn không vào được đại học...
Hành động ấy khác xa việc làm, dẫu rất nhỏ, mua hoa cho bà con ế đêm 30 của vị nữ bí thư thị xã kia...