Aa

“Từ Nhà nước đến doanh nghiệp phải là một đường thẳng”

Hà Lam
Hà Lam lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 13/10/2021 - 06:00

Đó là nhận định của TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi bàn về giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 tại tọa đàm diễn ra chiều ngày 12/10.

Tiếp nối cảm hứng từ việc thực hiện dự án truyền thông Doanh nhân đồng hành cùng Dân tộc; đồng thời trân trọng tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp của các doanh nhân với xã hội, với đất nước trong đại dịch Covid-19 hiện nay; nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2021), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm: Doanh nhân và trách nhiệm xã hội nhìn từ đại dịch Covid-19.

Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Bên cạnh đó có sự tham dự của các chuyên gia: TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí “Xưa & Nay”; GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.

Các diễn giả tại tọa đàm đã cùng bàn luận, phân tích và nêu bật lên những đóng góp to lớn, thể hiện trách nhiệm xã hội, thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong gần 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua để từ đó chúng ta thêm yêu quý và trân trọng họ.

Doanh nhân Việt Nam kiên cường trước sóng lớn, nêu cao tinh thần phụng sự xã hội

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, lịch sử thế giới đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự tiến bộ của nhân loại. Ở Việt Nam, từ sau Đổi mới đến nay đã hình thành đội ngũ doanh nhân có khát vọng lớn và đi tiên phong trong các cuộc cách mạng làm giàu cho Tổ quốc, cho dân tộc. 

“Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường”, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá. 

Cũng theo ông Chiến, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nền kinh tế gặp phải muôn vàn khó khăn, doanh nhân Việt Nam đã chủ động thích ứng, kiên cường trước cơn sóng lớn, tận tâm đóng góp sức lực và vật chất cho cộng đồng và đất nước để vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Tinh thần đó của doanh nhân Việt Nam thật đáng trân trọng và tự hào.

Ông Đỗ Viết Chiến

Nhận định về tầm quan trọng của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh bình thường mới, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho hay, sau khoảng 4 tháng “đóng cửa” để cách ly chống dịch, ở khu vực phía Nam, chúng ta nhìn thấy sự “rơi thẳng đứng” của nền kinh tế, GDP từ 6% quý II rơi xuống -6%  vào quý III/2021. Sự “ra đi” của 10.000 doanh nghiệp đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp.

Tuy nhiên, GS.TS. Hoàng Văn Cường, thời gian qua, chúng ta đã nhìn thấy năng lực rất lớn của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch, tự chịu trách nhiệm và quản lý. Vấn đề là chúng ta phải làm sao để kéo được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành chống dịch với cả nước nhiều hơn nữa. 

GS.TS. Hoàng Văn Cường nhìn nhận, dịch bệnh là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để thay đổi nhiều thứ. Một trong số đó là cần thay đổi cấu trúc trong liên kết giữa các doanh nghiệp, doanh nhân để tạo tiếng nói đồng thuận hơn, cùng chung sức, chung lòng vượt qua các thách thức trong chặng đường phát triển tiếp theo. 

“Các doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn nhưng tiếng nói của doanh nhân chưa thực sự có sức mạnh để các đơn vị quản lý Nhà nước có sự thay đổi về các chính sách quản lý, chính sách hỗ trợ.
Tôi cho rằng, những đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân cần đặt ra câu hỏi mình đã thực sự được quy tụ tiếng nói doanh nghiệp hay chưa, hay cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thực sự liên kết chặt chẽ chưa hay mạnh ai đó làm. Nếu sức mạnh đoàn kết được tạo ra thì không chỉ đại dịch này mà trong những khó khăn khác, doanh nghiệp đều có thể vượt khó, phục hồi và phát triển”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. 

Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường

 TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang trải qua những ngày tháng gian nan nhất. Những biện pháp giãn cách xã hội đã gây ra tổn hại rất lớn đối với họ. Lần đầu tiên có 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 8 tháng qua.

Tuy nhiên, TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, dù nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất kinh doanh. Những doanh nghiệp đang sống cũng gian nan, vất vả không kém vì không biết ngày mai sẽ phát triển ra sao nhưng họ vẫn nỗ lực duy trì sản xuất để tiếp tục đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hành động dũng cảm của các doanh nghiệp mà chúng ta cần tri ân. 

Doanh nghiệp cần tiếp tục được “bơm máu” để hồi phục 

GS.TS. Hoàng Văn Cường đánh giá, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thời gian qua đã góp phần làm giảm gánh nặng nhưng chưa giúp các doanh nghiệp có thể vượt lên được sau dịch bệnh. Do đó, các doanh nghiệp tiếp tục cần được hỗ trợ, “bơm” tín dụng, ưu đãi lãi suất để phục hồi. Nhưng phải có giải pháp để nguồn hỗ trợ “chảy” đến đúng chỗ, tránh sự trục lợi, dẫn đến doanh nghiệp cần được hỗ trợ lại không tiếp cận được chính sách.  

Ngoài ra, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đề xuất giải pháp Nhà nước có thể dành ngân sách để đặt hàng các tập đoàn lớn, tạo sự liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp. 

“Tiềm năng về công nghệ thông tin Việt Nam có thừa, tại sao chúng ta lại không đặt hàng các doanh nghiệp lớn để tạo ra sự sống cho những doanh nghiệp còn lại?Cần huy động tiền của ngân sách, tạo một trụ đỡ cho nền kinh tế. Biết đâu khi đại dịch đi qua, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn”, GS.TS. Hoàng Văn Cường khẳng định. 

Đồng tình với GS.TS. Hoàng Văn Cường, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, điều mà các doanh nghiệp TP.HCM đang tha thiết nhất là mong muốn Nhà nước tăng tính tự chủ. Và Các doanh nghiệp cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa, cần có những quyết sách phù hợp để hỗ trợ tốt hơn cho họ. 

TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, nhìn ra thế giới có thể thấy, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để hỗ trợ cho doanh nghiệp của họ. Ví dụ như Hoa Kỳ, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng 30% GDP của các nước; con số này ở Nhật Bản là 50% GDP còn Việt Nam thì sao?

“Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định rõ ràng cho tương lai, để sống cho hiện tại và bền vững về sau. Và để làm được điều này, đầu tiên cần sửa là cơ chế. Cái gì Nhà nước không cấm thì cần mở ra cho doanh nghiệp làm. Cần cơ chế cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Cần dồn sức lo cho doanh nghiệp, khen chê cần rõ ràng thì doanh nghiệp mới phát triển đi lên được”, TS. Lê Doãn Hợp khẳng định và nhấn mạnh thêm “lo cho doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết, từ Nhà nước đến doanh nghiệp cần phải một đường thẳng”. 

TS Lê Doãn Hợp

Chia sẻ về những lực cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, vướng mắc lớn nhất là các doanh nghiệp đang “kẹt cứng” ở mô hình “Zero Covid” và cách sống chung an toàn với Covid. Theo ông Dũng, các bộ, ngành cần đưa ra khuôn khổ rõ ràng, cụ thể về điều này. 

“Việc phục hồi kinh tế là vấn đề lớn hơn phòng chống dịch Covid-19 nhiều lần. Cần phải gỡ từ các mục tiêu xung đột, mâu thuẫn. Nếu chúng ta muốn sạch bóng F0 và phát triển kinh tế thì cần phải chấp nhận có các ca Covid-19 nhưng phát bệnh khi năng lực y tế đáp ứng được. 

Tôi cho rằng cần áp đặt một chế độ trách nhiệm cân bằng. Nếu chỉ áp đặt cho cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 tràn lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Do đó, cần phải áp đặt cân bằng hai mục tiêu vừa chống Covid-19 vừa phát triển kinh tế”, ông Dũng khẳng định. 
TS. Dũng cũng đề xuất cần tạo điều kiện đầy đủ cho doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu chứ không thể ngăn cấm hay áp đặt về vấn đề giao thông vì sẽ cản trở vấn đề di chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu vật tư….

Bởi khi đã tiêm phòng trên toàn diện rộng thì vấn đề Covid-19 lây nhiễm không còn quá nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để thu hút người lao động đã hồi hương quay trở lại thành phố để giải bài toán nhân công cho doanh nghiệp, là câu chuyện nhân lực công nhân cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đối với thủ tục và chính sách hiện nay còn rất vướng, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Quốc hội cần ban hành nghị quyết tháo gỡ các thủ tục chính sách cần thiết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top