Aa

Từ Sa Pa không ký ức đến trăn trở của những miền cổ tích trong sương

Thứ Hai, 28/10/2019 - 06:28

Những đô thị du lịch như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo… đang dần đánh mất vẻ hoang sơ, bình thản của mình, thay vào đó, các triền núi trong hoang hoải sương khói phải oằn mình gánh những khối bê tông vô hồn.

Cuộc xâm lấn của những khối bê tông

Nếu lấy mốc 1897 chính quyền Pháp mở cuộc điều tra dân số đầu tiên về các tộc người vùng núi cao, từ đó Sa Pa được phát hiện, tính đến nay tròn 122 năm. Những nếp nhà xám cổ lúp xúp dưới bóng thông cổ thụ hay pơ mu kiêu hùng. Tờ mờ sáng, tốp phụ nữ Mông chân trần gùi củi đi trong tuyết bay lất phất, rồi vòm trời xanh tinh khiết ẩn hiện, núi cao bỗng thoáng chốc ngập mây bồng bềnh, thung lũng mùa lúa chín chan hòa nắng…

Khi bóng chiều dần buông xuống, trong cái rét căm căm và mịt mù sương khói, một can rượu ngô, một bát nhựa, người ta chuyền tay nhau uống giáp vòng theo nguyên tắc: “Nước không ngập lưng ếch, ếch không kêu/ rượu không uống đầy chén, làm sao hát”. Các nhóm hát tình tự rải rác quanh chợ, nhà thờ, các con phố nhỏ... Có nhóm các chàng vây quanh những cô gái trẻ, nhiều người luống tuổi nằm ngồi kề bên ngủ gà gật. Bóng đêm xoá tan khoảng cách, tất cả đắm chìm trong không khí của thanh xuân, của phiên chợ tình… Những hình ảnh ấy có lẽ chỉ còn là những mảnh ký ức chắp vá với người yêu mảnh đất này.

Nguồn ảnh: Internet

Sa Pa có 3 “vũ khí” làm mê hoặc du khách, cũng chính là 3 giá trị lớn làm nên tinh thần của vùng đất này. Đó là khí hậu, cảnh quan và bản sắc văn hoá độc đáo của người dân tộc thiểu số. Trong ba giá trị ấy, cảnh quan và cuộc sống của người Mông, Dao, Xá Phó... mong manh hơn, dễ bị tổn thương, biến dạng trước các tác động.

Sự tổn thương đó đang hiện hữu trong Sa Pa của ngày hôm nay. Đâu đâu cũng như một đại công trường mù mịt bụi, đường sá bị cày nát, khách sạn lớn, nhỏ hình ống lô nhô chen chúc nhau. Sa Pa dung nạp vào mình hỗn tạp nhiều loại kiến trúc và con người. Nhiều người dân dưới xuôi lên lập nghiệp, làm du lịch, kinh doanh, mua đất và xây những khách sạn mini. Thị trấn Sa Pa hẹp. Dân bản địa chỉ hơn 11 nghìn người nhưng từ năm 2016, mỗi năm đón xấp xỉ 2 triệu du khách. Đô thị du lịch trĩu nặng nỗi lo “bội thực” người và quá tải hạ tầng dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cảnh quan môi trường và khả năng cung cấp dịch vụ điện, nước, giao thông, an ninh trật tự...

Sa Pa như một đại công trường với nỗi lo "khát nước" - Nguồn ảnh: Internet

Đỉnh điểm nhất là tháng 4/2019, cả Sa Pa đảo lộn vì cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt. Theo người dân địa phương, gần như năm nào, Sa Pa cũng thiếu nước sinh hoạt vào thời điểm tháng 3, tháng 4. Nhưng năm nay, việc thiếu nước diễn ra trầm trọng nhất khi Chi nhánh cấp nước huyện Sa Pa, nguồn cung cấp nước chính đang bị cạn kiệt kéo dài. Dịp nghỉ lễ, lượng khách du lịch tăng lên đột biến khiến cho thị trấn càng khủng hoảng về nước, nhiều du khách sợ hãi rời bỏ “thiên đường nghỉ dưỡng”. Rõ ràng, nơi này này chưa kịp chuẩn bị cho một sự phát triển quá nóng và đột biến như vậy. Sa Pa đang có quá nhiều vấn đề, đến nỗi KTS. Ngô Viết Nam Sơn đã từng phải thốt lên rằng: “Chuyện Sa Pa đã trở thành bệnh nan y, rất khó chữa”.

"Con virut đồng bằng hoá” không chỉ diễn ra ở Sa Pa, nó lan ra khắp các vùng du lịch núi khác.

Tam Đảo I như hai bức tranh đối lập - Nguồn ảnh: Internet

Thị trấn Tam Ðảo (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc) rộng hơn 300ha, nằm gọn trong một thung lũng nhỏ của dãy Tam Ðảo, đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Ðầu thế kỷ XX, người Pháp phát hiện ra vùng đất này và xây dựng thành “thiên đường nghỉ dưỡng trong sương”.

10 năm trước, Tam Đảo vẫn là một thị trấn xinh xắn với những con đường lên xuống quanh co nho nhỏ, rừng núi ngút ngàn xanh... Khí hậu ở đây rất độc đáo, bốn mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nắng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá mùa đông. Hoa dại trên sườn núi, trong khuôn viên các ngôi nhà cổ, hoa trên tường rào những ngôi nhà mới, đủ sắc màu... Đường đi lẫn trong mây, người đi lẫn vào sương... 

Ngày hôm nay, đường lên Tam Đảo vẫn dốc núi ngoằn nghèo như thế nhưng đã rộng hơn, xe hơi đủ loại đủ kiểu lên xuống tuy ở đoạn cua gấp khúc vẫn phải nhường đường tránh nhau. Giống hệt nhiều thành phố mới khác, Tam Đảo nhan nhản những "biệt thự" kiểu dáng phô trương. Phần lớn là khách sạn và nhà nghỉ được xây dựng hỗn tạp không theo một nguyên tắc nào. Và xúc cảm của mỗi du khách khi trở về từ "thiên đường nghỉ dưỡng" chỉ còn đọng lại là tiếng thở dài đầy ngao ngán.

Đà Lạt thơ mộng đứng trước những mối lo toan: Ngập úng, biến đổi khí hậu, rác thải, phá vỡ cảnh quan... - Nguồn ảnh: Internet

Đà Lạt - nơi được ưu ái nhắc đến với những biệt danh rất mỹ miều: Thiên đường của những loài hoa, thành phố tình yêu hay thành phố của những nỗi buồn rất đẹp. Nơi này vẫn đẹp và cuốn hút du khách theo một cách riêng nào đó, nhưng tiếc thay, với người dân bản địa, nó đã trở thành "thành phố của nỗi ưu phiền". Và rất có thể, những mỹ từ dành cho nơi đây sẽ lại chỉ còn trong ký ức. 

Thành phố yêu kiều đứng trước những mối lo toan rất thật: Đó là cảnh quan bị phá vỡ, di sản bị xâm hại. Đà Lạt đứng trước nguy cơ mất đi hoàn toàn sức hấp dẫn nguyên bản của mình hay chính là những gì làm nên "linh hồn" của mảnh đất này. Và nguy hiểm hơn, vùng cao nguyên thơ mộng đang phải từng ngày, từng giờ hứng chịu những biến đổi về khí hậu. Có ai ngờ vùng cao nguyên Đà Lạt lại ngập chìm trong biển nước sau những trận mưa lớn. Hay thảm hoạ hơn, tháng 8/2019 hàng trăm tấn rác thải từ bãi rác Cam Ly bất ngờ tràn xuống thung lũng, vùi lấp nhiều diện tích đất hoa màu. 

Ai đã biến thiên đường nghỉ dưỡng thành “điểm chết”?

Theo thông tin từ sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2019, có trên 2,9 triệu lượt đến với Lào Cai, đạt 112,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế đến với Lào Cai đạt 459.112 lượt khách, tăng 15,6% so với cùng kỳ; khách nội địa đạt trên 2,4 triệu lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Trong đó Sa Pa đạt trên 1,8 triệu lượt khách

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.241 cơ sở lưu trú với 14.838 buồng, tăng 2.042 buồng so với cùng kỳ. Trong đó, số cơ sở được xếp sao là 204 cơ sở, với 5.941 buồng; khách sạn 5 sao có 3 cơ sở, khách sạn 4 sao có 5 cơ sở, khách sạn 3 sao có 9 cơ sở, khách sạn 2 sao có 55 cơ sở, khách sạn 1 sao có 132 cơ sở, còn lại là nhà nghỉ và 340 cơ sở homestay. Nhưng những con số tăng trưởng đó có phản ánh thực chất và đầy đủ sự phát triển của một đô thị du lịch?

Theo thống kê của Sở VHTT&DL Lào Cai, năm đến nay, thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch chỉ dừng ở mốc 2,1 ngày/khách, mặc dù dư địa để phát triển còn rất nhiều. Lý do là bởi hệ thống du lịch, vui chơi giải trí tại Sa Pa đơn điệu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của du khách. Nghịch lý là sự phát triển ồ ạt về số lượng của Sa Pai không đem đến chất lượng cho “thiên đường nghỉ dưỡng” này. Nơi đây vẫn thiếu những dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp được quy hoạch bài bản, đồng bộ và thiếu cả sức hút mang tính bản sắc văn hoá như các lễ hội, trải nghiệm cuộc sống của người dân tộc thiểu số - giá trị cốt lõi “giữ chân” du khách.

Sa Pa cần những dịch vụ du lịch đẳng cấp và đầu tư phát triển những lễ hội văn hoá

Chia sẻ với báo chí, TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng từng thẳng thắn nhận định, sự phát triển nóng của Sa Pa khiến nơi này trở thành một nơi không đáng sống.

Trong tương lai gần, Sa Pa sẽ chỉ là nơi để du khách trong nước lên ăn uống vào dịp cuối tuần, du khách nước ngoài sẽ không đến đây nữa vì họ đến Sa Pa không phải chỉ để ngắm những ngôi nhà cao tầng lô nhô thiếu thẩm mỹ.

“Một thị trấn nhỏ như vậy mà dự kiến năm 2030 sẽ đón 5,2 triệu khách là con số khủng khiếp, không hạ tầng cơ sở nào có thể chứa từng đó người trong một khu vực nhỏ như vậy nếu không phá hủy những gì làm Sa Pa đáng giá” - ông Giang nói.

Những nhận định của TS. Đặng Hoàng Giang không phải vô cớ, bởi chính sự phát triển ồ ạt, chỉ nhìn vào số lượng mà quên đi chất lượng có thể trở thành “điểm chết” của Sa Pa trong một tương lại không xa.

“Nhiều du khách nước ngoài phản ánh khi tra các địa danh du lịch nổi tiếng ở Việt Nam thì Sa Pa luôn là địa điểm ưu tiên của họ, nhưng khi đến nơi thì họ thất vọng. Khách trong nước đến thị trấn nhỏ bé này cũng thất vọng chứng kiến tình trạng luôn quá tải. Từng đoàn người đông đúc đến Sa Pa nhưng chỉ thoáng chốc rồi trở về”, lãnh đạo của một công ty lữ hành từng chia sẻ và cảnh báo về việc phát triển du lịch tràn lan của Sa Pa.

Phát triển không có quy hoạch và thiếu tầm nhìn đối với những vùng du lịch chứa giá trị cốt lõi là cảnh quan và văn hoá bản địa thì chẳng khác nào “tự sát”. Vậy phải chăng Sa Pa phát triển quá nóng nên quy hoạch chưa theo kịp?

Quy chế đô thị Sa Pa được ban hành năm 2004

Ngày 21/1/2003 được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam (văn bản 85/CP-QHQT) UBND tỉnh Lào Cai chính thức hợp tác với Vùng Aquitaie - Cộng hòa Pháp để lập “Quy hoạch tổng thể và Quy chế đô thị khu du lịch Sa Pa - Lào Cai” với tham vọng “Thúc đẩy thị trấn Sa Pa trở thành khu du lịch nổi tiếng với tiêu chuẩn quốc tế”.

Gần một năm sau (nhờ sự nỗ lực của gần 10 chuyên gia Pháp từ Đại học Bordeaux và nhóm kỹ sư người Việt) bộ Quy chế đô thị Sa Pa được chính thức công bố ngày 8/9/2004.

“Một hình ảnh lộn xộn và dang dở, cản trở các góc nhìn phóng xa tầm mắt tới toàn cảnh, chèn kín các khoảng trống giữa các cụm nhà, chỉ còn lại những không gian chật hẹp, tối tăm và rất ẩm thấp…”, đó là hiện trạng đánh giá về Sa Pa trích trong Quy chế đô thị Sa Pa.

Tóm lại, Sa Pa khi ấy (2004) tựa một ông lão đã nguy kịch, chỉ những bác sĩ rất giỏi, thật sự tin vào chút sức tàn của con bệnh sẽ dần hồi sinh nếu được khẩn cấp cứu chữa đúng cách, mới mạo hiểm nhận ca bệnh. Ba tập Quy chế đô thị Sa Pa được nghiên cứu rất bài bản, khoa học và trình bày cực kỳ công phu đưa đến các giải pháp cho việc bảo tồn và phát triển toàn bộ cảnh quan, tới từng ngôi nhà, loại nhà, từng mảnh đất hiện trạng và những quỹ đất dành cho tương lai... chính là phác đồ điều trị tốt nhất cho cơ thể Sa Pa đang rệu rã lúc bấy giờ.

Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau 15 năm bộ quy chế ấy có hiệu lực, Sa Pa của ngày hôm nay - một cơ thể vốn đã rệu rã - lại liên tiếp nhận thêm những “nhát chém” nham nhở như vậy? Ai đã “quên” áp dụng nó trong lúc xây dựng và phát triển Sa Pa? Phải chăng vì mải chạy theo số lượng mà Sa Pa quên mất việc quan trọng nhất là chỉ nên lựa chọn "những bác sỹ" đủ tầm để điều trị cho thiên đường nghỉ dưỡng này? 

Theo thống kê, tính đến nay, huyện Tam Đảo có 104 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 1.827 phòng (trong đó có 1 khu nghỉ dưỡng cao cấp resort, 1 khách sạn đạt 3 sao, 8 khách sạn đạt 2 sao và 7 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao, còn lại đủ tiêu chuẩn đón khách lưu trú). Tam Đảo I đã trở thành một mớ hỗn tạp. 

Nếu không kịp thời ngăn cản con virut “đồng bằng hoá”, mải chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng, không bao lâu nữa, Tam Đảo hay Đà Lạt sẽ đi vào "vết xe đổ" của Sa Pa.

Thu hút đầu tư để phát triển du lịch vốn dĩ là quy luật tất yếu và là nhiệm vụ cần phải làm để phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Nhưng phát triển như thế nào để đảm bảo giữ gìn, bảo tồn và làm tăng giá trị cốt lõi của khu du lịch ấy lại là điều không dễ. Phụ thuộc vào tầm nhìn và định hướng của chính quyền địa phương, vào sự chọn lọc nhà đầu tư có tâm có tầm. Bởi suy cho cùng, nếu sau một giai đoạn phát triển nóng mà nơi đó mất hết giá trị thì thiệt hại nặng nề nhất vẫn chính là mỗi địa phương và người dân bản địa.

Xin trích dẫn nhận định của PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, để thay cho lời kết bài viết: “Đừng nhìn vào số lượng du khách ùn ùn đến mà nói rằng đó là thành công. Phải làm được công việc chắt lọc khách và nhà đầu tư, những người yêu thích trải nghiệm và yêu thiên nhiên, thay vì những người ăn xổi, không ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên. Những chỉ tiêu phải đón mấy triệu lượt khách mỗi năm có ý nghĩa gì, khi những giá trị văn hóa, môi trường, thiên nhiên, cảnh quan không được bảo tồn?”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top