Trong dòng phát triển của Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt, kinh Kim Cương là một bản kinh có vị trí vô cùng quan trọng. Những nhân cách lớn trong lịch sử và văn hóa dân tộc đã tiếp nhận, suy niệm và sử dụng kinh Kim Cương. Việc giác ngộ kinh Kim Cương và vận dụng giáo nghĩa của nó trong đời sống đã khiến cho Phật thế quan và sắc thái nền Phật giáo dân tộc có những bước ngoặt quan trọng.
Từ thiền sư Vạn Hạnh, người có công lớn trong việc tạo dựng tiền đề khai mở triều đại nhà Lý với vị vua nhân từ, anh minh Lý Công Uẩn cho đến người mở ra triều đại lừng lẫy kế tiếp của nhà Trần là vua Trần Thái Tông. Và như thế, tiếp đến sau này, chúng ta có thêm một đại thi hào thấu ngộ nghĩa lý Kim Cương là Nguyễn Du. Đây chính là ba nhân cách lớn của dân tộc đã giác ngộ kinh Kim Cương với những góc tiếp cận khác nhau trong áo nghĩa của kinh tùy theo từng giai đoạn lịch sử và góc nhìn của từng thời kỳ.
Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ cuối thế kỷ 19 đã gọi Truyện Kiều của Nguyễn Du là “một khúc Nam âm tuyệt xướng”. Năm 1924, Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức đồng thời là chủ bút báo Nam Phong, học giả Phạm Quỳnh (1892 - 1945) đã chia sẻ: “Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện” (...) là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của nước ta, để ta có thể “ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn”…
Cho tới nay, hơn 250 sau ngày mất của đại thi hào dân tộc, hàng ngàn công trình nghiên cứu của các học giả trong và ngoài nước về Truyện Kiều đã được thực hiện. Mục đích những nghiên cứu ấy là bởi cái tình, cái sự mến mộ, “yêu quý” Truyện Kiều đã được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong lòng dân tộc. Nghiên cứu còn là để “hiểu Nguyễn Du” và “hiểu Truyện Kiều”, cũng là để mở một cánh cửa khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn người Việt.
Thời đại của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã sống là thời đại của những cuộc “thay đổi sơn hà” và những cảnh đời “bể dâu” chìm nổi. Không nằm ngoài những biến thiên của xã hội và giai đoạn lịch sử dân tộc mình, Nguyễn Du đã trải qua nhiều phen sóng gió. Nhưng có lẽ, chính từ trong hoàn cảnh ấy, thấy được những trôi lăn và trầm luân của phận người, tác phẩm của ông luôn tràn đầy lòng thương cảm, thương cảm đến nỗi người đọc thấy như có “máu sa đầu ngọn bút”.
Nhưng ở tác phẩm của Nguyễn Du, những số phận trôi lăn trong “cuộc bế dâu” cuối cùng luôn tìm được một nơi để trở về và nương tựa. Truyện Kiều là một tác phẩm tiêu biểu và là tác phẩm vĩ đại mà thi hào của chúng ta để lại. Người ta thường nghiên cứu câu chữ, thủ pháp nghệ thuật và quan điểm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Nhưng điều chúng tôi cho rằng quan trọng nhất để “hiểu Nguyễn Du”, chính là ở tư tưởng mà Đại thi hào đã giác ngộ. Là bởi vì khi chắp bút viết bất kỳ một điều gì, dù là một tác phẩm đau đáu tâm can và mang tầm vóc đồ sộ, hay chỉ một vài câu tùy bút, cảm thán, những lời lẽ được viết ra ấy cũng luôn chứa đựng cái thấy của tác giả.
Nói cách khác, tư tưởng của chúng ta sẽ soi sáng cho mọi giây phút thực tại mà chúng ta đang sống. Tư tưởng ấy có mặt trong từng ý niệm. Cố nhiên, với một đại thi hào dân tộc như Nguyễn Du, tư tưởng đó sẽ có mặt, sẽ thấm nhuần trong mạch nguồn từng tác phẩm nghệ thuật của ông. Tư tưởng mới là nền tảng định vị giá trị và sự bền vững của tác phẩm trong dòng chảy lịch sử cùng những biến thiên của đời sống xã hội.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh”.
Dịch nghĩa:
Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến,
Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều.
Cho đến dưới đài đá phân kinh,
Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh”.
(Trích: Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài - Đài đá "phân kinh" của thái tử Lương Chiêu Minh)
Kinh Kim Cương là một bản kinh quan trọng và có mặt sớm trong hệ thống kinh điển Phật giáo. Không những vậy, đây còn là một bản kinh “khó đọc”. Khó đọc từ câu chữ, ý tứ cho nên càng trở nên khó hiểu chứ chưa nói đến việc thấu triệt và ngộ nhập được áo nghĩa mà kinh muốn truyền tải.
Chính vì vậy, nếu không phải một hành giả tu tập thực sự thì không thể bỏ thời giờ đọc đến ngàn biến kinh chỉ để tìm hiểu hay nghiên cứu.
Bài thơ đề động Nhị Thanh cụ đã từng viết:
"… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly Thiền...”
Dịch:
… Mọi cảnh đều không, nào có tướng
Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền”
Nguyễn Du quả nhiên là một hành giả thiền tông thực thụ. Để thể nhập được tính không của Phật đạo để thường “định” - tức là thường tịch tịnh, như nhiên, thắp sáng ý thức với mọi diễn biến của thực tại. Chính bởi các pháp vô thường nên con người phải sống với tinh thần vô chấp và quán chiếu vô tướng và làm được điều đó mới có thể “thường định, bất ly thiền”.
Tất cả mọi pháp chỉ có nơi sinh lão bệnh tử với vô thường, khổ, vô ngã và ngã. Đức Phật phải học từ cuộc đời với mọi bài pháp của dòng đời. Trở thành chúng sanh, ngã, nhân, thọ giả. Cuộc đời là trường đào tạo Phật và mọi loài đều có phật tính. Chính vì sẽ trôi lăn trong luân hồi trở thành chúng sanh, có ngã nhân thọ giả và trải qua sinh lão bệnh tử với tham sân si để hiểu vô thường khổ vô ngã mà tất cả những chúng sanh ấy mới có thể lần hồi giác ngộ, học ra được bài học của chính mình.
Truyền Kiều bởi thế chính là một cuốn kinh “vô tự”. Kinh vô tự tức là bản kinh từ cuộc đời. Muốn thể nhập được áo nghĩa của kinh thì phải sống trong cuộc đời và tự bản thân chứng nghiệm lời dạy của kinh.
Bản kinh vô tự không phải để nhận thức mà phải biến nhận thức thành cuộc sống. Lời kinh giúp ta nhận thức được chân lý chứ bản thân nó không phải chân lý, như chiếc bè, giúp người vượt qua dòng sông cuộc đời, cũng như chân lý, không phải chỉ để nhận thức mà là để sống, để thể nhập và chứng nghiệm. Qua sông, đến bè cũng nên bỏ lại. Đó là những gì đức Phật từng dạy. Cũng như sư Giác Duyên đợi nàng Kiều trải đủ mọi trầm luân trong vô thường, trong khổ, với những đau đáu phận người. Và đến khi duyên lành hội đủ, sư đã đợi sẵn, chuẩn bị một chiếc bè để cứu vớt cuộc đời đã trải qua đủ mọi bể dâu, trôi lăn trong dòng sinh tử. Hình ảnh chia tay của sư và Kiều là một hình ảnh đẹp:
Giác Duyên từ tiết giã nàng,
Đeo bầu quảy níp rộng đường vân du.
Nếu đọc giai thoại cha ông, chúng ta sẽ bắt gặp một câu chuyện thật dễ thương về cái “Níp Kim Cương” của các vị tu hành và anh học trò nghèo. Níp ở đây là túi đựng, với người học trò thì níp ấy dùng để đựng kinh thư. Với hành giả tu thiền, níp dùng để đựng kinh. Níp nói chung, dùng để đựng những thứ gọi là tư lương.
Tư lương tức là lương thực. Theo thiền sư Nhất Hạnh, đối với một người tu thiền, “Kinh Kim Cương là một thứ tư lương mà chúng ta mang theo để có thể thành công trong chuyến đi tìm chính mình; đi tìm chính bản thân ta. Ngày xưa, có những hành giả đi từ núi này sang núi khác, từ tỉnh này sang tỉnh khác tìm đạo. Những hành giả đó mang một đôi giày rất cũ, chiếc áo thì bạc màu. Họ không bằng lòng với sự sống tiện nghi ở trong chùa. Ngày nào cũng được ăn sáng, ăn trưa và ăn chiều, có phòng riêng, có phòng tắm, có cầu tiêu, có đủ thứ, nhưng họ không bằng lòng với những thứ đó.
Họ muốn đi tìm cái gì quan trọng cho đời họ, vì vậy họ trở thành một vị du tăng, vân thủy. Vân thủy là danh từ Phật học, danh từ thiền. Vân là mây, thủy là nước. Chỉ vì muốn đi tìm cái quan trọng nhất cho nên mình đã trở thành một người vân thủy. Vân thủy là ông thầy tu đi tìm đạo. Cái áo nâu bạc phếch, cái nón lá tả tơi, đôi dép đã cũ mòn, nhưng trong cái túi mà ông mang theo đôi khi lòi ra một mẩu bìa và người ta đọc được: Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh. Nhiều vị vân thủy ngày xưa thường đem theo cuốn kinh Kim Cương. Kinh Kim Cương là tư lương của họ, đi tới đâu xin ăn chỗ đó và dùng cuốn kinh Kim Cương làm cái cuốc để đào lên giếng nước thơm trong ở trong trái tim của mình mà đạt tới sự giác ngộ.
Ngày xưa có những bậc du tăng như thế, họ tự gọi họ là vân thủy, là mây là nước. Mây nước thì không dừng lại ở bất cứ chỗ nào, không bị trói buộc bởi những tiện nghi hàng ngày. Cũng vì lý do đó mà kinh Kim Cương có một địa vị rất quan trọng trong truyền thống thiền.”
Hình ảnh Giác Duyên với cái níp Kim Cương vân du và kết một bè lau để cứu nàng Kiều là một hình ảnh của một hành giả đã sống trong cuộc đời với đầy đủ những trầm luân và giữ một chữ Hiếu trong lắng, tròn đầy:
“Như nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi nào cho đục được mình ấy vay”
Vậy nên:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Chữ “Tâm” này rất quan trọng. Nó được nhắc lại nhiều lần trong Truyện Kiều và các tác phẩm khác của Nguyễn Du. Chúng ta cũng hãy cùng đọc lại lời đạo cô Tam Hợp:
Sư rằng: 'Phúc họa đạo trời,
'Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Và cụ Nguyễn Du cũng nhắc lại chữ Tâm (ý muốn, tấm lòng) ở bài Phân kinh thạch đài:
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ,
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Người tỏ tâm này người tự độ,
Linh sơn chỉ tại tấm lòng ngươi.
Câu thơ này khiến chúng ta nhớ đến lời của quốc sư Phù Vân nói với vua Trần Thái Tông khi ngài lên núi muốn quyết chí xuất gia học đạo:
“Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật.”
Và lời vua Trần Thái Tông khi đã giác ngộ:
“Trẫm nghe bản tánh lắng mầu, chân tâm trong lặng, tròn khuyết đều dứt”, như vậy, bản tính lắng yên, chân tâm trong lặng thì Phật tính hiển lộ. Vấn đề không phải ở nơi xuất gia hay tại gia mà cốt lõi ở việc xử lý tâm, làm sao để trở về với bản tâm thanh tịnh vốn có của mỗi người mới là điều quan trọng nhất, cũng là “trọng yếu tính Kim Cương”.
Như vậy, từ Trần Thái Tông đến tư tưởng của Nguyễn Du, hai nhân cách lớn của dân tộc Việt, xuyên suốt là tư tưởng của một hành giả tu tập thiền và lấy kinh Kim Cương làm sự nghiệp. Với “mãn cảnh giai không hà hữu tướng, thử tâm thường định bất ly thiền” và sự giác ngộ: “Chung tri vô tự thị chân kinh”, lý đốn ngộ đã rõ.
Nhưng hơn thế, chúng ta đã thực sự được thấy sự tiệm tu và thực chứng của Nguyễn Du với ý muốn và tấm lòng của nhân vật trong từng trường đoạn bể dâu của Truyện Kiều. Thấu đáo được như lời của Mông Liên Đường nhận xét: “Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy...”.
Con mắt trạch pháp, trông thấu sáu cõi ấy cố nhiên, chính là con mắt của một hành giả, một thiền sư thể nhập được không tính và áo nghĩa kinh Kim Cương theo tính truyền thừa./.