Aa

Từ vụ gian lận xuất xứ nhôm quy mô 4,3 tỷ USD: Hàng Việt hẹp cửa vào Mỹ

Thứ Hai, 04/11/2019 - 19:01

LS Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM lo ngại, có thể hàng Việt sẽ hẹp cửa vào Mỹ do liên quan đến vụ gian lận xuất xứ, đặc biệt vụ nhôm nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, giá trị 4,3 tỷ USD...

Ngày 28/10/2019, cơ quan chức năng mới phát hiện ra vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với mặt hàng nhôm tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, tổng số nhôm tồn kho của doanh nghiệp bị kiểm tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu có giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, đang nằm chờ xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và một số thị trường khác. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, doanh nghiệp liên quan nhập số nhôm này từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện ra những vụ việc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa. Đó là còn chưa kể, trên thực tế, hàng hóa Việt, đặc biệt là những mặt hàng như sắt thép, nông sản hứng chịu rất nhiều tác động của các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Xung quanh vấn đề này, PV có cuộc trò chuyện với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM.

- Là một luật sư làm việc trong lĩnh vực pháp luật thương mại và thường xuyên tư vấn cho doanh nghiệp trong các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập?

Gian lận xuất xứ hàng hoá đang là mối lo ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt nói riêng và nền kinh tế thương mại Việt Nam nói chung. Nhiều ngành hàng của Việt Nam đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhưng tôi cho rằng, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng Việt Nam để trốn tránh xuất xứ và mong được hưởng lợi về thuế, điều này vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu.

Một loạt các vụ việc xảy ra như đã nêu trên gây nhầm lẫn, thiệt hại cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến uy tín các mặt hàng sản xuất cùng chủng loại trong nước. Ðồng thời, dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Tính từ vụ kiện đầu tiên năm 1994, đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với 107 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp chủ yếu liên quan tới các sản phẩm sắt thép, sợi dệt, thủy sản...

Tính từ vụ kiện đầu tiên năm 1994, đến nay Việt Nam đã phải đối mặt với 107 vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp chủ yếu liên quan tới các sản phẩm sắt thép, sợi dệt, thủy sản...

- Với những diễn biến như vậy, nhiều người lo ngại hàng Việt sẽ hẹp cửa vào Mỹ, thưa ông?

Mấy năm trở lại đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã mất những thị trường xuất khẩu quan trọng là hậu quả của tình trạng gian lận xuất xứ, gây ảnh hưởng đến ngành hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ví đụ điển hình là một số sản phẩm thép Việt Nam đã bị phía Mỹ áp thuế lên tới 456%.

Nếu Việt Nam vẫn không có các động thái rõ ràng trong việc ngăn chặn việc hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường khác, đặc biệt là thị trường Mỹ thì việc Mỹ lập hàng rào phòng vệ, áp thuế nhập khẩu cao với hàng hóa Việt Nam sớm hay muộn cũng xảy ra.

Việt Nam ngày càng bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ coi là một đối tác thương mại không công bằng và gây ra ảnh hưởng xấu đối với nền sản xuất Hoa Kỳ.

- Ông có khuyến nghị nào cho doanh nghiệp không, thưa ông?

Doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức lưu ý, cẩn thận, không nên chỉ vì vài doanh nghiệp được hưởng lợi mà làm nhiều ngành nghề khác và tất cả các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng và có thể sẽ bị nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam gây ảnh hưởng đến nền kinh tế chung của cả nước.

Bên cạnh việc chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Song song đó, phải kiên quyết chống gian lận thương mại, bao gồm gian lận xuất xứ để tránh bị Mỹ và các đối tác thương mại trừng phạt.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý khi nhận đầu tư từ các chủ đầu tư từ Trung Quốc, đừng biến mình trở thành “sân sau” sản xuất trá hình các sản phẩm Trung Quốc tại Việt Nam.

- Vậy, cơ quan nhà nước sẽ phải làm gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

Về phía nhà nước, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng cần phải rất khôn khéo và phải đặt vấn đề nhìn nhận rủi ro và đánh giá quản trị rủi ro cả ở mức hoạch định chính sách. Từ đó, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với các thị trường mà hàng hóa Việt có nguy cơ dính phải phòng vệ thương mại cao, nhà nước cần có các chính sách riêng nhằm hạn chế tối đa rủi ro của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top