"Thờ", ý nghĩa cao nhất của từ này là XÁC TÍN TÍNH NGUỒN CỘI.
Vì vậy, Thờ là để nhắc nhớ con cháu muôn đời KHÔNG QUÊN "nhớ" về nguồn cội.
Điều kiện nào có mặt để "đòi hỏi" ta "nhớ nghĩ" về người đã khuất (cội nguồn - gia tiên và tổ tiên) mà từ điều kiện đó người Việt nuôi dưỡng TÍNH DÂN TỘC ?
Người Việt quan niệm, điều kiện đó chính là TÌNH và NGHĨA. Sống có tình có nghĩa sẽ trọng tình trọng nghĩa. NỖI NHỚ NGUỒN CỘI để THẮP SÁNG TÌNH NGHĨA VÀ LÒNG BIẾT ƠN của người Việt rất thiêng liêng đã tạo nên nét văn hóa đặc thù của dân tộc Việt Nam.
Ông cha chúng ta hình dung, người đã khuất vẫn "ăn" và "mặc"...nghĩa là vẫn có những nhu yếu như người đang sống. Chính vì lẽ đó, tục đốt vàng mã tuy khởi nguồn không phải từ dân tộc Việt Nam như sử sách đã chứng minh, nhưng lại được ông bà ta xưa tiếp nhận. Bởi, theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, đó là vì phương thức này là một lựa chọn có thể thỏa mãn nhu yếu tâm tư tình cảm của chúng ta.
Và khi đốt một ít giấy tiền, áo mão, v.v.. trước mộ người đã khuất hay ngày giỗ chính là lúc, làm khơi dậy sợi dây TÌNH - NGHĨA để kết nối hai miền âm dương - hiện tại với quá khứ.
Tôi có dự đám giỗ của một gia đình Phật tử. Sau lễ, người con gái lớn mang áo, mão, hài, nón.. những đồ vàng mã của bố và mẹ đi hóa. Vừa mở từng đồ mã bỏ vào lửa, chị vừa nghẹn ngào như đang có ông bà ở đó: “con gửi cho bố mẹ manh áo mới với đôi giày, cái nón để bố mẹ dùng, xin bố mẹ chứng giám cho chúng con và che chở cho anh chị em chúng con…” Chị cứ vừa nói như vậy vừa khóc. Chứng kiến khoảnh khắc ấy, tôi thực sự xúc động. Việc đốt vàng mã lúc ấy trong tôi là một tục lệ đẹp. Hành động đó còn mang tính văn hóa và giá trị nhân văn sâu sắc.
Trong khi ta hóa vàng cho người đã khuất (là cha mẹ anh em con cái hay ông bà tiên tổ nhiều đời..) là lúc người đó "sống dậy" trong tâm tưởng chúng ta. Hình ảnh và âm vang người đó đánh thức tình nghĩa trong ta. Những ước muốn, những kỳ vọng...của người đó CÓ DỊP tưới tẩm vào tâm hồn ta.
Ta được nhắc nhớ sống tốt hơn, ý nghĩa hơn... và trong sâu thẳm tâm tư, ta nguyện sẽ sống không vụng về nữa, sẽ xứng đáng hơn với kỳ vọng của người đã khuất.
Người đã khuất đó là bố, là mẹ, là anh chị hay người thầy của ta. Có những lời trăn trối của đồng đội nơi chiến địa. Ai bảo khi hóa vàng họ không thấy mình cần hành động vì bạn hơn nữa.
Ta giỗ để làm gì? Ta cúng cơm, cúng hoa, cúng quả lên Tổ tiên, lên Phật Thánh để làm gì? Những ai bài trừ tục đốt vàng có bao giờ đặt câu hỏi này? Ai hưởng và ai nhận trong thế giới vô hình kia, để ta phân biệt thật giả đúng sai, phàm và thánh???
Nhiều người cho tục hóa vàng là mê tín. Để HIỂU hết nghĩa chữ mê tín, tôi không nghĩ ai là người dám nói tôi "không mê".
Mỗi một phương cách để giúp chúng ta “kết nối” được với tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, giúp ta bày tỏ được chút lòng thành theo tôi đều đáng quý và đáng trân trọng.
Mỗi một tục lệ của cha ông từ xa xưa đã chọn lọc, tiếp nhận và còn truyền lại đến ngày nay, ắt hẳn có nguyên nhân của nó. Và việc điều đó có phải là mê tín dị đoan hay không tùy thuộc vào nhận thức - hành xử - cách thực tập của chúng ta.
Lễ tắm Bụt, Bông hồng cài áo, dựng miếu xây đền, đốt vàng mã.. Chúng ta cùng có một niềm ước mong ngưỡng vọng khi thực hiện những điều đó. Đó là một phương tiện để chúng ta bày tỏ, kết nối và truyền thông với Bụt, với tổ tiên.
Nhưng đốt vàng để mong cầu sang giàu và mong người đã khuất "nhận" được nhà và đủ loại ta dâng, thì quả là ảo tưởng và thiếu hiểu biết.
Phung phí, dù là hoa thật cúng But cũng là phung phí. Vàng mã cũng vậy.
Mọi sự cần được quán chiếu dưới ánh sáng của nhận thức.
Mỗi một hình thức biểu đạt dù là dâng hoa hay vàng mã..v.v, đều là phương tiện giúp ta bày tỏ tâm tư. Phương tiện ấy giúp ta kết nối và truyền thông với tổ tiên huyết thống và cũng là thực hiện việc thiết lập truyền thông với chính từng tế bào của ông bà cha mẹ bên trong mỗi người.
Có THỜ nên mới có nhớ tưởng và ta trân trọng sự nhớ tưởng ấy. Tục đôt vàng không ngoài việc thể hiện niềm nhớ tưởng của người còn đối với người khuất. Hành động đốt vàng mã, bản thân nó không là “tín” hay “mê”, chỉ có thái độ và cách hành xử của chúng ta quyết định phẩm chất của tục lệ này tại thời điểm và trong bối cảnh cụ thể đó.
Mỗi một phương cách để giúp chúng ta “kết nối” được với tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, giúp ta bày tỏ được chút lòng thành theo tôi đều đáng quý và đáng trân trọng. Chúng ta đương nhiên cần cẩn trọng trong việc đánh giá, nhìn nhận và giải quyết những vẫn đề liên quan.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng,khi phần đông trong xã hội đang hiểu sai và thực hiện lệch lạc khiến tục lệ bị biến dạng và đánh mất đi ý nghĩa nhân văn của nó thì đây là vấn đề của giáo dục và truyền thông.
Nhắc đến đây, tôi lại xin kể hầu quý vị một câu chuyện nho nhỏ trong một buổi trà chiều với người bạn mới mà tôi đã tình cờ được gặp.
Anh có chia sẻ rằng trong ngày giỗ bố, anh đã bỏ 1 triệu ra chỉ để mua vàng mã về đốt cho bố. Mua vàng mã trong ngày giỗ, đây không phải là số tiền nhỏ. Trong khi làm những việc theo trình tự, anh đều chú tâm để giáo dục cho con mình hiểu, đó là những câu chuyện kể, những lời chia sẻ về ông nội bọn trẻ, về ngày xưa.. Và anh cảm thấy hạnh phúc. Các con anh có thể tốn kém rất nhiều tiền để học kỹ năng, học ngoại ngữ, năng khiếu… nhưng anh đã dạy được chúng về lòng hiếu kính và sự tiếp nối. Anh cảm thấy hạnh phúc và trân trọng những vàng mã kia bởi chính những thứ ấy đã giúp anh có được thêm phương tiện để gửi gắm tâm tình với người đã khuất.
Tục đốt vàng mã, bài trừ hay không bài trừ? Mê tín dị đoan hay không mê tín dị đoan? Đến đây xin để tùy mỗi người có những kiến giải và lựa chọn cho mình một cách thực tập phù hợp nhất, đem lại lợi lạc nhất trong cuộc sống hiện nay.