Tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh được xây dựng từ thời Pháp thuộc, đây từng là trục vận tải huyết mạch vùng Đông Nam Bộ, nối liền Sài Gòn với các vùng cao su chiến lược ở Bình Dương, Bình Phước và Campuchia.
Tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh chính thức được người Pháp đưa vào hoạt động năm 1933, nối từ ga Sài Gòn qua Dĩ An, Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, An Lộc đến Lộc Ninh. Năm 1937, tuyến được kết nối vào hệ thống hỏa xa Đông Dương, nâng tổng chiều dài lên 141km. Tuyến đường hoạt động được một thời gian nhưng do doanh số ngày càng giảm cùng với việc thiếu bảo vệ quân sự khiến tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh chính thức ngừng hoạt động hoàn toàn vào cuối năm 1960.

Tuyến đường sắt được chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng từ đầu thập niên 30. Ảnh: Internet
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông trở thành điểm nghẽn lớn nhất ở vùng Đông Nam Bộ. Việc thiếu hệ thống đường sắt nội vùng khiến chi phí vận tải đội lên, gây áp lực lên đường bộ và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Trước thực tế đó, tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh được đưa vào quy hoạch phát triển. Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, tuyến TP. Hồ Chí Minh – Lộc Ninh dài 128,5km, khổ đường 1.435mm, được xác định là một trong 9 tuyến đường sắt xây mới, kết nối từ ga Dĩ An (Bình Dương) đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước), tiếp nối hệ thống đường sắt xuyên Á qua Campuchia.
Tuyến được thiết kế với đoạn Dĩ An – Chơn Thành là đường đôi, Chơn Thành – Lộc Ninh là đường đơn. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 438 triệu USD. Đây không chỉ là giải pháp giảm tải cho đường bộ mà còn mở ra hành lang logistics quan trọng kết nối vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam với Campuchia, Trung Quốc và các nước châu Âu.

Đầu máy xe lửa Tự lực chế tạo năm 1966 đặt tại Khu tượng đài truyền thống nhà máy toa xe lửa Dĩ An tỉnh Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Phước
Theo báo Bình Phước, tại hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ tháng 12/2024, tỉnh Bình Phước và Bình Dương đã chính thức kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ GTVT) đẩy nhanh xúc tiến đầu tư tuyến đường sắt này trong giai đoạn 2025–2030, đồng thời đề xuất cắm tim hướng tuyến ngoài thực địa để quản lý quỹ đất, tránh tình trạng bị lấn chiếm, đảm bảo điều kiện triển khai sau này.
Hiện nay, Bình Dương đã chủ động khai thác các tuyến cao tốc như Mỹ Phước – Tân Vạn để phục vụ vận tải, nhưng hệ thống này đang nhanh chóng quá tải. Trong khi đó, tuyến đường sắt nếu được khôi phục sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp như Chơn Thành, Hớn Quản, Đồng Xoài... về cảng biển TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và ra quốc tế qua Campuchia.
Hơn nửa thế kỷ bị lãng quên, tuyến đường sắt Sài Gòn – Lộc Ninh nay đứng trước cơ hội hồi sinh như một giải pháp chiến lược cho liên kết vùng, phát triển logistics và công nghiệp xuất khẩu. Nếu sớm được đầu tư, tuyến đường sắt này sẽ mở ra huyết mạch mới cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.