Nhiều khu vực bị mất liên lạc do mưa lũ
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông mưa lũ trong những ngày qua trên địa bàn ở một số huyện, thành phố hạ tầng bưu chính, viễn thông đã bị thiệt hại. Hiện 3 trạm bị mất điện, gián đoạn truyền tín hiệu tại khu vực Kim Xuyên, Hồng Sơn, Ninh Lai, Hợp Hoà (Sơn Dương); 3 tuyến cáp quang đi các khu vực của huyện Sơn Dương cũng bị đứt.
Nước lũ dâng cao ở khắp các khu vực, để đảm bảo an toàn về người, ngành điện lực cũng đã phải tạm ngừng cung cấp điện tại một số khu vực bị ngập, có nguy cơ bị ngập trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang, Hàm Yên, Chiêm Hóa và Na Hang. Mất điện đồng nghĩa với nhiều trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông cũng không thể phát sóng.
Tại xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) điện mất, các trạm BTS cũng dừng khiến cho việc thông tin liên lạc của chính quyền, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ông Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã cho biết, mưa lớn gây lũ ống, thiệt hại rất lớn về tài sản. Hệ thống thông tin mạng cũng bị mất, ông chỉ có thể đàm thoại để báo cáo tình hình, còn lại các văn bản triển khai, chỉ đạo từ huyện xuống đều bị gián đoạn.
Ngay tại thành phố Tuyên Quang rất nhiều khu vực thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn do mạng 4G bị mất. Chị Bùi Thị Thu Thủy phường Tân Quang cho biết, 2 ngày nay chị chỉ có thể gọi điện tuy nhiên chất lượng sóng cũng rất phập phù. Còn vào các trang mạng, đọc báo, hay nắm tình hình thông tin thì gần như rất khó bởi không có sóng 4G.
Anh Đỗ Tiến Trung, thị trấn Sơn Dương cũng như ngồi trên đống lửa khi nước lũ dâng cao, thông tin lại gặp sự cố nên anh rất khó có thể thông tin liên lạc với mẹ và các anh chị em anh ở thành phố Tuyên Quang đang chống chọi với lũ ra sao.
Bà Vũ Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Viettel Tuyên Quang, một trong những nhà mạng lớn nhất trên địa bàn tỉnh chia sẻ: Do mưa lớn, lũ nhiều khu vực bị cô lập, sạt lở đã gây thiệt hại, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống đường truyền viễn thông, gây gián đoạn thông tin của các tổ chức, cá nhân. Cũng theo bà Ánh hiện tại, một số vị trí do nước ngập sâu, thời tiết diễn biến xấu, cán bộ kỹ thuật của Viettel cũng chưa thể tiếp cận được. Đây là những khó khăn rất lớn mà Viettel phải đối mặt khi thực hiện khắc phục đảm bảo thông tin liên lạc.
Riêng với Tập đoàn Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Tuyên Quang, gần 196 trạm đang gặp sự cố, trong đó 77 trạm dừng do mất điện; 92 mã trạm BTS trong khu vực bị ngập, cô lập phải tắt sóng để đảm bảo an toàn cho người dân. Các khu vực trọng điểm ảnh hưởng đến mạng viễn thông là: Khu vực thị trấn Na Hang huyện Na Hang, tuyến đường từ thị trấn Na Hang đi xã Yên Hoa; khu vực thị trấn Vĩnh Lộc huyện Chiêm Hóa, các tuyến đường từ thị trấn Vĩnh Lộc đi Kim Bình, Đầm Hồng, Phúc Thịnh, Yên Nguyên; tuyến đường từ xã Trung Sơn đi xã Hùng Lợi, Trung Minh huyện Yên Sơn; tuyến đường xã Tứ Quận đi xã Phúc Ninh; tuyến đường xã Phú Thịnh đi xã Đạo Viện; tuyến đường xã Bình Xa đi xã Minh Hương, các tuyến đường xã Tân Thành huyện Hàm Yên. Các tuyến đường tỉnh lộ đều bị sạt lở nghiêm trọng gây khó khăn cho công tác xử lý
Nỗ lực cứu sóng viễn thông
Trong các cuộc họp nhanh chỉ đạo ứng phó, khắc phục thiên tai khẩn cấp các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh, đảm bảo an toàn cao nhất về người là ưu tiên số 1 song song với đó là đảm bảo thông tin thông suốt để người dân trong vùng lũ gặp nguy nan phát tín hiệu cấp cứu và cũng để chính quyền, lực lượng cứu hộ dễ dàng nắm được thông tin, ứng cứu kịp thời.
Theo bà Vũ Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Viettel chi nhánh Tuyên Quang, 100% cán bộ, nhân viên, công nhân kỹ thuật của Viettel đang chạy đua với thời gian để sửa chữa, khắc phục những điểm cáp bị đứt. Bà Ánh cho biết, anh em trong đơn vị một lòng quyết tâm cứu trạm như cứu sóng viễn thông như cứu mạng mình. Trước mắt đơn vị cố gắng giữ tất cả các trục chính để kết nối đường truyền về trung tâm đảm bảo công tác thông tin liên lạc cho tỉnh đến các địa phương. Hiện tại Riêng với các khu vực bị ngập, trên tinh thần thần trách nhiệm cao nhất có điện là có mạng để đảm bảo thông tin liên lạc cho tất cả khách hàng.
Hàng trăm cán bộ kỹ thuật của VNPT Tuyên Quang cũng đang tìm mọi cách để khôi phục, kết nối đường truyền mạng phục vụ nhân dân. Theo ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đầu tư, VNPT Tuyên Quang: VNPT Tuyên Quang đã phải sử dụng kinh phí dự phòng để mua xăng, chạy máy phát vận hành đường truyền tại các khu vực, điểm trung tâm đảm bảo các trạm phát sóng hoạt động trong thời điểm mất điện do lũ. Theo ông Tùng, đơn vị sẽ tiếp tục gia cố lại những điểm hàn nối cáp quang mà chưa treo tạm được, trồng bổ sung các cột bê tông bị gãy, đỗ, lũ cuốn trôi, xử lý thuê bao băng rộng để phục vụ khách hàng.
Để nhanh chóng khắc phục những thiệt hại, đảm bảo thông tin liên lạc sau mưa lũ, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN ngành và các doanh nghiệp viễn thông thực hiện rà soát khắc phục, củng cố hạ tầng thông tin liên lạc; kiểm tra khắc phục các trạm BTS bị ảnh hưởng, bị mất sóng trong thời gian xảy ra mưa lũ để xây dựng phương án dự phòng, ứng cứu cấp bách. Khẩn trương hàn nối lại các tuyến cáp quang bị đứt, ưu tiên các tuyến chính phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành, thiết lập các tuyến dự phòng tại vùng lũ, vùng ngập lụt. Rà soát hệ thống cột treo cáp hư hỏng để kịp thời khắc phục. Khôi phục lại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc thông suốt trên địa bàn an toàn và bền vững.