Vô tình hay cố ý?
Qua tìm hiểu thông tin, sự việc được diễn ra nhanh chóng từ năm 2017. Khi đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng bãi chứa mùn thải, ủ và sản xuất phân vi sinh hữu cơ kết hợp trồng cây dược liệu, cây xanh môi trường tại thung Gò Chu (xóm Bến cuối, xã Trung Sơn).
Cùng với đó, UBND huyện Lương Sơn đã cho cá nhân ông Vũ Hùng Tiến (hộ khẩu thường trú tại số 8B, ngõ 81/24/30, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) thuê 21,2ha đất có thời hạn 50 năm.
Trong hồ sơ xin cấp phép dự án, ông Vũ Hùng Tiến có nêu rõ, việc xin đất này nhằm phục vụ xây dựng nhà máy sản xuất phân lân vi sinh, xử lý rác thải và trồng cây dược liệu. Quy mô của dự án ban đầu được đánh giá là rất lớn nhưng điều khó hiểu là thay bằng việc triển khai các công việc xây dựng theo đề án thì ông Vũ Hùng Tiến đã bí mật chở rác thải về... đổ trộm. Sự việc này chỉ dừng lại sau khi người dân địa phương phát hiện và chính quyền vào cuộc. Cho đến khi UBND huyện Lương Sơn yêu cầu ông Vũ Hùng Tiến dừng toàn bộ việc đổ rác vào khu vực được phê duyệt dự án thì số rác thải bị đổ trộm đã lên tới hơn 600 tấn.
Điều đáng nói là diện tích trên đã chồng lấn 3,5ha vào khu vực Nhà máy xi măng Trung Sơn thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) nằm tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất xi măng đến năm 2020, tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010.
Ông Dương Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xi măng Trung Sơn cho biết, hiện nay có nhiều công ty được UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu xi măng của Nhà máy xi măng Trung Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ (TTCP) quy hoạch và UBND tỉnh Hòa Bình cấp phép.
“Mặc dù phía Công ty Bình Minh đã nhiều lần đề xuất và kiến nghị lên UBND tỉnh thu hồi giấy phép và không tiếp tục cấp phép cho các công ty chồng lấn vào quy hoạch vùng nguyên liệu xi măng của nhà máy, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết", ông Bình cho biết thêm.
Trước tình hình trên, Công ty Bình Minh đã kiến nghị UBND huyện Lương Sơn, UBND tỉnh Hòa Bình và các sở ngành liên quan trả lại diện tích đã cấp phép chồng lấn vào khu vực khai thác của nhà máy thì sự việc đã được dừng lại.
UBND huyện Lương Sơn yếu kém trong công tác quản lý?
Việc quy hoạch, cấp phép chồng lấn, đặc biệt, chưa xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nhưng đã vội vàng chấp thuận chủ trương đầu tư của doanh nghiệp, dẫn tới xâm phạm quyền lợi của doanh nghiệp khác cho thấy sự nóng vội và thiếu trách nhiệm, trước hết là của UBND huyện Lương Sơn.
Về việc này, ông Nguyễn Đình Đua, Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cũng đã thừa nhận do sự yếu kém của UBND huyện trong công tác quản lý và tham mưu.
Ông Đua cho biết, sau khi phát hiện ra sự việc, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ngay lập tức kiểm tra và yêu cầu ông Vũ Hùng Tiến phải dừng toàn bộ việc đổ trộm rác thải. Bên cạnh đó, huyện Lương Sơn cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát để xem lại toàn bộ việc thực hiện dự án đã trình duyệt của ông Tiến.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 20/3/2017, UBND huyện Lương Sơn có công văn số 218/UBND –TCKH báo cáo đồng ý về chủ trương để Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất khẩu Minh Phong (Công ty Minh Phong, Hà Nội) nghiên cứu, khảo sát và lập hồ sơ đầu tự dự án xây dụng khu tái chế và xử lý chất thải Hòa Bình với tổng diện tích 60ha, nhưng có tới 30ha chồng lấn vào diện tích thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng của Công ty Bình Minh.
Để mở đường cho dự án này, theo lập luận của UBND huyện Lương Sơn tại báo cáo số 156/BC –UBND ngày 18/8/2017 thì trong 70ha đang được Công ty Bình Minh thăm dò, xây dựng vùng nguyên liệu có khoảng 50ha thung đá ngầm, trữ lượng đá vôi thấp, khai thác kém hiệu quả. Còn 20ha núi đá vôi tạo cảnh quan đường Hồ Chí Minh có thể đủ để cho Công ty xi măng Trung Sơn sản xuất hết thời gian hoạt động.
Về việc này, UBND huyện Lương Sơn khẳng định đã đề xuất UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị và được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý đưa 50ha thung đá ngầm nói trên ra khỏi vùng thăm dò khai khác nguyên liệu xi măng để quy hoạch cho dự án xử lý rác thải.
Tuy nhiên, xét về mặt thủ tục và quy định của pháp luật thì vùng quy hoạch này do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt nên việc điều chỉnh quy hoạch cần phải xin ý kiến Thủ tướng.
Như vậy, UBND huyện Lương Sơn đã báo cáo thiếu trung thực hay cố tình “lờ” quyết định của Thủ tướng?
Bởi lẽ, tới ngày 14/11/2017, UBND tỉnh Hòa Bình mới có văn bản số 1661/UBND - NNTN Về việc “Xin ý kiến điều chỉnh cục bộ vị trí khu vực quy hoạch thăm dò, khái thác và sự dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam tại QĐ số 1065/QĐ-TTg ngày 9/7/2010 của Thủ tướng Chính Phủ”. Và hiện vẫn còn đang chờ các bộ, ngành xem xét cho ý kiến.