Chiều tối ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 39.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 39 để xem xét quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải công ty đại chúng trong dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) và cho ý kiến về công tác nhân sự. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung để phiên họp diễn ra hiệu quả.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh.
Trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: 40 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp thì số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Giang từ 230 đơn vị giảm xuống còn 209 đơn vị (giảm là 21 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 4 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên từ 180 đơn vị giảm xuống còn 178 đơn vị (giảm là 02 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Điện Biên Phủ) thuộc diện phải sắp xếp. Phương án điều chỉnh đơn vị hành chính huyện Điện Biên để mở rộng địa giới hành chính thành phố Điện Biên Phủ. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp là 3 đơn vị; số lượng đơn vị hành chính cấp xã liền kề có liên quan đến việc sắp xếp là 1 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện giữ nguyên như hiện nay; số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Điện Biên từ 130 đơn vị giảm xuống còn 129 đơn vị (giảm 1 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: 6 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bình Thuận từ 127 đơn vị giảm xuống còn 124 đơn vị (giảm 3 đơn vị).
Về đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Hồng Lĩnh) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: 80 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này là 12 đơn vị.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đề xuất thành lập thị trấn Lộc Hà trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 9,39 km2 diện tích tự nhiên và dân số 9.624 người của xã Thạch Bằng hiện có. Sau khi thành lập thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 1 thị trấn và 12 xã.
Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thành lập thị trấn Lộc Hà, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh từ 262 đơn vị giảm xuống còn 216 đơn vị (giảm là 46 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp: 51 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng tỉnh Lạng Sơn đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 là 10 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn từ 226 giảm xuống còn 200 đơn vị (giảm 26 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 4 đơn vị. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh Tuyên Quang đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này là 1 đơn vị.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Tuyên Quang và thành lập 3 phường thuộc thành phố Tuyên Quang.
Kết quả sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Tuyên Quang và thành lập 3 phường thì số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang từ 140 đơn vị giảm xuống còn 138 đơn vị (giảm 2 đơn vị).
Đối với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 4 đơn vị. Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Phú Yên từ 112 đơn vị giảm xuống còn 110 đơn vị (giảm 2 đơn vị).
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho hay, hồ sơ đề án của các tỉnh đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Cụ thể, trên cơ sở phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện đề án, phương án chi tiết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đã tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn liên quan; Hội đồng nhân dân các cấp của các tỉnh đã họp và đều tán thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của địa phương trong giai đoạn 2019 - 2021. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên có Tờ trình kèm theo hồ sơ Đề án trình Chính phủ. Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị thẩm định, báo cáo Chính phủ xem xét, thông qua và có Tờ trình kèm theo hồ sơ đề án của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với các nội dung đề nghị thành lập các đơn vị hành chính đô thị đã thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập đơn vị hành chính đô thị bảo đảm đạt theo quy định.
Đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng các tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới hình thành sau sắp xếp nhưng vẫn chưa bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định cũng đã giải trình cụ thể lý do. Chính phủ xét thấy giải trình của Ủy ban nhân dân các tỉnh là phù hợp với các quy định.
Đề án của các tỉnh đã nêu chi tiết các phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bổ sung hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh nêu trên.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang, thảo luận và tiến hành biểu quyết thông qua các Nghị quyết về các đề án này.
Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự đã biểu quyết tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận.
Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính của Chính phủ, chính quyền các tỉnh; và nhấn mạnh, việc khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương tại phiên họp này thể hiện sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị của 8 tỉnh trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.
Qua ý kiến thảo luận, ý kiến thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo một cách quyêt liệt hơn đối với Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố để sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện tại mới được 10 tỉnh, hiện còn 35 tỉnh, thành phố chưa sắp xếp.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính và sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khắn đó, và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm ổn định tổ chức chính quyền địa phương, mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại các địa phương được sắp xếp. Chú ý đến việc giải quyết cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả tránh thất thoát lãng phí.
Cùng với đó, đề nghị Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền của mình, chỉ đạo các cơ quan hữu quan đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các địa phương, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương./.