Nghề thu mua phế liệu đã trở thành nghề thu nhập chính của gần 200 hộ dân tại thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội). Người dân kiếm cơm được từ nghề này nhưng cũng khốn khổ vì rác và ô nhiễm môi trường. Con sông chảy qua thôn đặc quánh những tảng chai nhựa đủ màu sắc lập lờ trên dòng nước váng dầu, mỡ, đen kịt.
Những hộ dân làm nghề này họ mang về đủ thứ từ chai nhựa, tivi, tủ lạnh, các loại lon nước... nói chung cứ cái gì mọi người không sử dụng, vứt đi thì họ mang về nhà. Sơ chế phế liệu ở đây là bóc mác nhãn các chai nhựa hoặc phế liệu, cho vào máy ép thành tấm to rồi bán buôn, chai nhựa được cho vào máy băm thành mảnh nhựa nhỏ bán đi nơi khác. Chỉ từ nghề đồng nát này mà nhiều hộ đã có tiền sắm sửa, xây nhà cao tầng... Nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường mà hàng trăm tấn rác thải được sơ chế hằng ngày cũng luôn thường trực ở nơi đây.
Ô nhiễm môi trường hiện nay ở Xà Cầu ngoài tập hợp rác thải, thì việc đốt rác trộm ở cánh đồng và nước xả từ máy băm nhựa thải ra các cống rồi chảy ra kênh mương xung quanh. Mặc dù nạn đốt trộm rác nay đã giảm nhưng chưa phải đã được giải quyết dứt điểm bởi việc quản lý, xử phạt còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Nhất - Chủ tịch xã Quảng Phú Cầu, cho biết: “Tình trạng thu gom phế liệu rồi sơ chế ở đây được tích cực xử lý nhưng không thể triệt để được vì lực lượng xã mỏng, không đủ để bao quát và túc trực 24/24h xử phạt mọi trường hợp. Chính quyền xã, huyện và cả thành phố đã nhiều lần tuyên truyền vận động bà con, rồi cả răn đe xử phạt nhưng chỉ được vài ba ngày là đâu lại vào đó.
Hiện nay, mức xử phạt cho một hộ đốt rác hoặc xả rác dao động từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu tuỳ vào quy mô đốt lớn hay nhỏ. Nhưng mức đó cũng là nhỏ so với số tiền mà họ kiếm được từ thu mua và sơ chế phế liệu mỗi ngày. Ngày nào cũng vậy, xe chở rác từ khắp nơi ùn ùn kéo về đây, từ sáng sớm đã nghe tiếng máy ép, máy băm nhựa chạy ầm ầm khắp thôn gây bức xúc cho các hộ dân trong làng”.
Cũng theo ông Nhất: “Để hạn chế việc đốt, vứt rác bừa bãi trên địa bàn, nên xã, huyện đã tổ chức các đội tuần tra bắt xe chở rác về thôn nhưng cuối cùng lại không biết “cất” rác đó vào đâu? Xã hoàn toàn không có đủ cơ sở, vật chất và điều kiện để xử lý mỗi ngày hàng tấn rác như vậy”.
Nghề thu gom phế liệu tạo việc làm cho nhiều người, nhưng cũng gây hệ lụy là ô nhiễm, rác vứt bừa bãi. Chính quyền xã đã họp, nhắc nhở người dân và cử công an kiểm tra, xử phạt. Hiện rác thải tồn đọng đã có công ty đứng ra nhận thu dọn nên số lượng rác ở trên địa bàn cũng đỡ đi nhiều, nhưng chưa phải là giải quyết tận gốc vấn đề.