Aa

Ưu đãi thuế để tạo việc làm: Trông người lại nghĩ đến ta!

Chủ Nhật, 07/11/2021 - 06:15

VinFast vừa nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu USD để thiết lập trụ sở của chi nhánh Mỹ tại bang California. Cách làm của họ liệu có thể gợi cho các nhà hoạch định chính sách của chúng ta những suy nghĩ gì?

Nghe nói, VinFast, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam, vừa nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu USD để thiết lập trụ sở của chi nhánh Mỹ tại bang California. 

Thông tin này mới nghe thì nhiều người có cảm giác không có gì mới mẻ, bởi lẽ để hấp dẫn các nhà đầu tư đến quốc gia của mình hay địa phương mình thì việc ưu đãi thuế gần như là việc đương nhiên, thậm chí còn kèm theo nhiều chính sách ưu đãi khác, thí dụ như về đất đai, hạ tầng, lao động…

Điều đáng quan tâm của sự kiện này là ở một điểm nhấn rất nhạy cảm trong thời buổi lộng hành của đại dịch Covid-19, đó là ưu đãi thuế để tạo việc làm. Và Hãng Vinfast của Việt Nam sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD trong giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại địa phương.

vinfast
VinFast, nhà sản xuất xe điện của Việt Nam, vừa nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu USD để thiết lập trụ sở của chi nhánh Mỹ tại bang California (Ảnh minh hoạ)

Theo thông báo của Văn phòng phụ trách Doanh nghiệp và Phát triển Kinh tế của Thống đốc bang California (GO-Biz) thì khoản ưu đãi thuế có tổng trị giá 150 triệu USD nhằm mục đích tạo ra hơn 7.600 việc làm toàn thời gian thực hiện Chương trình Ưu đãi thuế California Competes (CalCompetes), hứa hẹn thu hút đầu tư lên tới hơn 1,2 tỷ USD trên toàn bang trong 5 năm tới.

Thế mới biết những người làm chính sách của họ “khôn” thật, cũng là chính sách ưu đãi đầu tư ấy thôi, ở mình thì thường nhấn mạnh yếu tố số tiền đầu tư mỗi dự án là bao nhiêu triệu đồng, bao nhiêu tỷ đồng, còn họ lại đưa lên hàng đầu một tiêu chí dễ vào lòng người nhất, trực tiếp đến đời sống xã hội nhất, đó là “việc làm” với những con số mục tiêu hoàn toàn có thể đo đếm và kiểm soát được.

Ở Việt Nam, Luật Việc làm được ban hành từ năm 2013, trong đó xác định Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác, tuy nhiên, không thấy quy định về… ưu đãi thuế.

Ai đã từng làm doanh nghiệp cũng có thể cảm nhận được khi muốn tiếp cận được chính sách ưu đãi qua hoạt động tín dụng này nó khó khăn như thế nào bởi những quy định pháp lý ngặt nghèo.

Chẳng hạn như mới đây, theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc hoặc trả lương phục hồi sản xuất.

Để triển khai gói hỗ trợ nói trên, Ngân hàng Nhà nước đã cho Ngân hàng CSXH vay tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn dưới 12 tháng và không có tài sản bảo đảm để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

Thế nhưng, do đại dịch kéo dài, đại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không đáp ứng được các quy định mặc dù đã được nới lỏng rất nhiều trong hoạt động tín dụng nên không thể tiếp cận. Theo phản ánh trên báo chí, một trong những điều kiện để doanh nghiệp vay được gói tín dụng ưu đãi 0% lãi suất, trong thời hạn dưới 12 tháng để trả lương ngừng việc cho người lao động là không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng ở thời điểm đề nghị vay vốn. Quyết định 23 cũng nêu rõ phải nộp bản sao "thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020" của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

Nhiều doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 kéo dài từ năm ngoái đến nay khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh ngừng trệ. Doanh nghiệp không chỉ bị giảm doanh thu, lợi nhuận mà nhiều khoản lãi vay đến hạn ở ngân hàng thương mại cũng khó thanh toán đúng hạn. Nợ vay bị nhảy nhóm nợ hoặc phát sinh nợ xấu đối với một số khoản vay là khó tránh, việc quyết toán thuế năm 2020 cũng gặp nhiều khó khăn… Chính vì thế không thể vay vốn, doanh nghiệp thì ngưng hoạt động, còn công nhân thì mất việc làm. 

Trở lại sự kiện VinFast nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu USD để thiết lập trụ sở của chi nhánh Mỹ tại bang California. Vậy cách làm của họ liệu có thể gợi cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta những suy nghĩ gì?

Các nguồn thông tin chính thống cho hay, Chương trình miễn giảm thuế California Competes được bắt đầu năm 2013 nhằm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh ổn định tại California... Quá trình lựa chọn doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ rất cạnh tranh và được GO-Biz tiến hành dựa trên các quy chế do luật định, bao gồm số lượng việc làm tạo ra tại địa phương, tổng mức đầu tư, mức lương trung bình, tác động kinh tế, tầm quan trọng chiến lược… Năm 2018, chương trình này được gia hạn thêm 5 năm với ít nhất 180 triệu USD giá trị miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đến năm 2023.

Nếu tính ra, khoản ưu đãi thuế của GO-Biz có tổng trị giá 150 triệu USD nhằm mục đích tạo ra hơn 7.600 việc làm kia thì bình quân mỗi việc làm ổn định được tạo ra, doanh nghiệp sẽ được ngân sách tài trợ gián tiếp qua thuế khoảng 20.000 USD. Việt Nam mình thì không giàu có như thế, nhưng nếu chỉ hỗ trợ tạo việc làm qua hoạt động tín dụng như hiện nay, cho dù lãi suất là 0% thì có lẽ cũng chưa đủ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top