Mô hình khu công nghiệp (KCN) - dịch vụ đặc biệt thích hợp với các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam và đã được nhiều nước phát triển, vận hành từ khá lâu. Tại Trung Quốc, mô hình này được áp dụng phổ biến ở các thành phố loại 2, 3 và phần lớn được phát triển từ các KCN truyền thống.
Ở Việt Nam, trên cơ sở nhiều năm phát triển KCN, đặc biệt từ khi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế chính thức có hiệu lực, năm 2021 được giới chuyên môn đánh giá là thời điểm thuận lợi để chuyển đổi theo mô hình này với nhiều lợi thế vượt trội.
KCN - dịch vụ từ “lăng kính” của cơ quan quản lý
Kết cấu hạ tầng phát triển là điều kiện tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy mà yêu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng, Nhà nước và là lĩnh vực được ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước. Mô hình KCN - dịch vụ với đặc điểm là một khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội một cách tự nhiên sẽ thu hút sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ phía các cơ quan quản lý, không chỉ giới hạn trong các thủ tục hành chính.
Chính áp lực từ “sự quan tâm” này, các KCN - dịch vụ tiếp tục có động lực để nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó gia tăng mức thu nhập của số lượng lớn lao động địa phương và các tỉnh lân cận, góp phần thay đổi cơ cấu sản xuất, giải quyết các vấn đề xã hội và thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại địa phương.
Việc xây dựng khu dịch vụ kế cận trong KCN được giới chuyên môn đánh giá như “thỏi nam châm” không chỉ hút người lao động tại KCN mà còn kéo một số lượng lớn người dân địa phương về sinh sống và làm việc xung quanh KCN. Nhờ đó, mô hình tiên tiến này giúp các nhà quản lý “giãn dân” một cách tự nhiên, góp phần vào việc giải bài toán mật độ dân số quá cao ở một số khu vực tại địa phương. Khi kết quả đã được thực tế kiểm chứng thì mô hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục được “nhân giống” và cải tiến trên diện rộng.
Chủ đầu tư và doanh nghiệp “chớp” thời cơ
Thực chất, mô hình khu dịch vụ công nghiệp đã hình thành tại Việt Nam từ hơn 10 năm trước, tiêu biểu là KCN VSIP Bình Dương, Bắc Ninh. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, chưa có nhiều chủ đầu tư nhìn thấy được “con đường dài” của loại hình này. Chỉ khi “bất động sản công nghiệp” trở thành cụm từ được tìm kiếm và quan tâm nhiều nhất trên mọi phương tiện truyền thông trong thời gian gần đây thì những tiềm năng của “khu sinh thái” công nghiệp hay tổ hợp dịch vụ kế cận KCN mới được các nhà đầu tư nhìn nhận với đúng những giá trị của nó.
Khi quỹ đất ngày một hạn hẹp, việc quy hoạch và phát triển KCN - dịch vụ chính là “điểm mở” từ chính sách giúp các nhà đầu tư có thêm cơ hội sở hữu quỹ đất. Với khả năng tài chính tốt cùng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bất động sản thương mại dịch vụ KCN hứa hẹn tạo nên giá trị gia tăng cho chủ đầu tư, làm tăng cường sức hấp dẫn cho sản phẩm hàng hóa đặc thù của KCN.
Năm 2021, sứ mệnh “khai sinh” thêm các khu vực công nghiệp, dịch vụ với môi trường sinh sống, làm việc hiện đại, đầy đủ tiện nghi, hướng tới phát triển thành các thành phố công nghiệp, đô thị thông minh đạt tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục “đặt lên vai” các chủ đầu tư có bản lĩnh và đủ tầm nhìn.
Song song với lợi ích kinh tế, vấn đề quan trọng là làm sao để gắn liền việc phát triển KCN dịch vụ với yêu cầu giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác nhằm đảm bảo cuộc sống của công nhân trong KCN, từ đó phát triển KCN theo hướng bền vững.
Do vậy, để đồng thời thực hiện cả hai điều này, ngoài yếu tố không thể không nhắc tới là tính chất kết nối tốt và khả năng lôi kéo dân cư của chính KCN còn cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ phía các cơ quan quản lý, đặc biệt liên quan đến quy hoạch tổng thể địa phương./.