6 nhóm chính sách đặc thù
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đã có đầy đủ các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. Đây là vấn đề rất cần thiết và cấp bách, nhằm giải quyết điểm nghẽn về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị; khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội còn nhằm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai thành phố trong việc triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và yêu cầu phát triển, phát huy tính chủ động, tích cực của hai thành phố, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
![Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 1. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 1.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/10/100220251045-cnubkt-vu-hong-thanh-17391877920122095851518.jpg)
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Để thúc đẩy quá trình đầu tư và vận hành hệ thống đường sắt đô thị, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù.
Trong đó, về huy động vốn, dự kiến bổ sung tối đa 215.350 nghìn tỷ đồng cho Hà Nội và 209.500 nghìn tỷ đồng cho TP. HCM từ ngân sách trung ương. Đồng thời, cho phép huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi mà không cần lập đề xuất dự án.
Về trình tự, thủ tục đầu tư, đề xuất miễn lập, thẩm định và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị. Các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư có thể được chỉ định thầu nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.
Dự thảo cũng khuyến khích xây dựng đô thị tập trung quanh các tuyến đường sắt đô thị để tối ưu hóa quỹ đất, tăng hiệu suất vận hành hệ thống giao thông công cộng (phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development).
Về phát triển công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực: Ưu tiên chuyển giao công nghệ, thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực đường sắt.
Đồng thời, quy định rõ ràng về nguồn cung cấp vật liệu, khu vực đổ thải nhằm đảm bảo tiến độ dự án và giảm tác động đến môi trường.
Riêng TP.HCM được áp dụng những chính sách phù hợp với đặc thù phát triển và quy hoạch giao thông đô thị.
Cần khuyến khích đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh
Tại phiên họp, đa số đại biểu đồng tình với các chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, vì đây là "xương sống" của hệ thống giao thông công cộng tại hai thành phố lớn nhất cả nước.
Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại về chính sách chỉ định thầu, và đề xuất khuyến khích đấu thầu để đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh, cũng như phù hợp với tình hình hiện nay.
![Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 2. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù phát triển mạng lưới đường sắt đô thị- Ảnh 2.](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/10/100220251043-cnubkt-vu-hong-thanh-toan-17391878737171844905605.jpg)
Đa số đại biểu đồng tình với các chính sách đặc thù để phát triển đường sắt đô thị tại tại Hà Nội và TP. HCM. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Một số đại biểu cũng cho rằng, việc cân đối giữa vốn đầu tư công và vốn xã hội hóa là rất quan trọng để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của dự án. Vì vậy, cần đánh giá việc ưu tiên việc phân bổ nguồn lực gồm: Ngân sách Trung ương, tăng thu tiết kiệm chi, nguồn vốn ODA,…để các quy định không trùng nhau. Đồng thời, đề nghị không quy định cứng về tài chính, nguồn tiền mà chỉ quy định các nguồn lực ưu tiên.
Ngoài ra, phải bảo đảm việc phát triển mạng lưới hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM có tính kết nối liên thông, phát huy được hiệu quả đầu tư các dự án; có cơ chế, chính sách hỗ trợ bồi thường tái định cư, phát triển bộ máy tổ chức triển khai thực hiện, nhằm bảo đảm dự án không đội vốn, không kéo dài thời gian thực hiện.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, việc ban hành cơ chế đặc thù là cần thiết và cấp bách để tháo gỡ những rào cản về thể chế, tạo động lực thúc đẩy phát triển hệ thống giao thông đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, trước khi trình Quốc hội xem xét và thông qua. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ và HĐND hai thành phố sẽ có trách nhiệm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để triển khai thực hiện.