Aa

Ủy ban Pháp luật yêu cầu xem xét và làm rõ một số điều liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội

Thứ Hai, 05/06/2023 - 14:51

Thẩm tra dự án Luật Nhà ở, Ủy ban Pháp luật cho rằng, cần xem xét và làm rõ một số điều liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, bởi đây là vấn đề trọng tâm, có sức ảnh hưởng lớn và được nhiều người quan tâm.

Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 05/6, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại phiên họp, Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự án Luật vẫn cần xem xét và làm rõ một số điều liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, bởi đây là vấn đề trọng tâm, có sức ảnh hưởng lớn và được nhiều người quan tâm. 

Cụ thể, trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ quy định rõ tại khoản 1 Điều 80 của dự thảo Luật việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 80 theo hướng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội”.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định này của dự thảo Luật. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, khả thi, Cơ quan thẩm tra đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá về việc bổ sung nguồn lực thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 80 và nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, trên cơ sở đó đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.

Đồng thời, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội là thay đổi phương thức thực hiện chứ không được làm thay đổi trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mà Luật Nhà ở hiện hành đã quy định. 

Cụ thể là, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

QUốc hội
Ủy ban Pháp luật yêu cầu xem xét và làm rõ một số điều liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: quochoi.vn

Đối với Điều 82 của dự thảo Luật, đã có nhiều quy định về cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội; đồng thời vẫn áp dụng lợi nhuận định mức để Nhà nước có cơ sở kiểm soát giá bán nhà ở xã hội từ các chính sách ưu đãi đầu tư đã được áp dụng, góp phần làm giảm giá bán và tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân. 

Tuy nhiên, về nội dung cụ thể của chính sách, Cơ quan thẩm tra này cho rằng, việc dự thảo Luật không xác định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội mà tỷ lệ này lại phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là không bảo đảm chặt chẽ; không có cơ chế để kiểm soát tỷ lệ đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội; là sơ hở có thể bị lạm dụng dẫn đến tiêu cực trong việc xin phép làm dự án nhà ở xã hội nhưng mục tiêu chính là để có đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. 

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 82 của dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ ưu đãi lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 2 Điều 82 tính trên số chi phí nào; quy định như dự thảo Luật là chưa tạo động lực cho chủ đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, do đó, nên nghiên cứu quy định mức ưu đãi lợi nhuận phù hợp hơn đối với chủ đầu tư.

Về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng được quy định tại Điều 84 dự án Luật Nhà ở, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với các chi phí được tính đủ vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán. Đối với nội dung này, có thể tham khảo Điều 9 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định một số nguyên tắc để chi phí được khấu trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Đồng thời, cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ đối với các nhà ở xã hội đã hoàn thành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa bán, chưa cho thuê, chưa cho thuê mua hoặc đang cho thuê mua mà chưa đến hạn trả hết tiền thuê mua thì có được áp dụng quy định tại Điều này hay không để bảo đảm quyền lợi của các chủ đầu tư nhà ở xã hội. Trường hợp có áp dụng thì cần bổ sung vào Điều khoản chuyển tiếp. 

Cuối cùng, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật quy định giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Bộ quy chuẩn về nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân để có hiệu lực đồng thời cùng với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm công nhân, người lao động, người dân có thu nhập thấp được bố trí nơi ở với chất lượng hợp lý, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định. Trong đó, quy chuẩn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân phải tính đến các thiết chế văn hóa cộng đồng, nhà trẻ mẫu giáo, trường học... để bảo đảm chất lượng sống của người dân và các thế hệ tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top