Aa

Văn bản của huyện "vượt" cả Quyết định của tỉnh và Nghị định của Chính phủ?

Thứ Sáu, 14/05/2021 - 08:45

Ở Thanh Hóa, nhiều huyện áp dụng Quyết định của tỉnh và Nghị định số 45 về thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, huyện Đông Sơn lại có cách làm riêng của mình.

Một mình UBND huyện Đông Sơn làm một cách?

Trong khi nhiều huyện, thị, thành phố của tỉnh Thanh Hóa đều căn cứ Nghị định số 45/2014/NĐ-CP (sau này thay thế bằng Nghị định 126/2020/NĐ-CP) và Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND làm “kim chỉ nam” để ban hành quyết định phê duyệt phương án đấu giá đấu đất, thì UBND huyện Đông Sơn lại chọn cho mình một cách áp dụng văn bản pháp luật... rất khác.

Có thể lấy ví dụ cụ thể như tại huyện Ngọc Lặc, khi phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại Mặt bằng quy hoạch khu dân cư Làng Rềnh, xã Đồng Thịnh, UBND huyện này đã ban hành Văn bản số 974/QD-UBND ngày 18/3/2020, trong đó nêu rõ: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo. Trong vòng 60 ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo. Quá thời hạn trên, người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế…”

Không chỉ riêng huyện Ngọc Lặc, mà nhiều huyện khác như Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Bá Thước, Hậu Lộc… đều căn cứ theo quy định hiện hành nêu trên để ban hành phương án đấu giá đất.

Trong khi đó, rất nhiều mặt bằng được phê duyệt phương án đấu giá đất tại huyện Đông Sơn có dấu hiệu áp dụng không đúng một số nội dung tại Quyết định 07 của tỉnh Thanh Hóa và Nghị định số 45 về việc nộp tiền sử dụng đất sau khi trúng đấu giá. Đơn cử như: Quyết định phê duyệt phương án đấu giá tại xã Đông Văn, huyện Đông Sơn tại Mặt bằng quy hoạch 624 và 935; Mặt bằng quy hoạch 1163 tại xã Đông Tiến…

Các quyết định phê duyệt trên của huyện Đông Sơn đều nói rõ: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo. Quá thời hạn quy định tại điểm a nêu trên, người sử dụng đất chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất theo Thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế”.

Như vậy, thay vì nhà đầu tư được quyền nộp tiền sử dụng đất thành 2 đợt theo quy định tại Nghị định số 45 và Quyết định số 07 (30 ngày kể từ khi có thông báo phải nộp 50%, 60 ngày tiếp theo nộp tiếp 50% còn lại), thì theo quy định của huyện Đông Sơn, nhà đầu tư bắt buộc phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế, nhà đầu tư không nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất sẽ bị huyện Đông Sơn, cơ quan thuế tính tiền chậm nộp tương ứng với số tiền chậm nộp. Việc này tạo nên sức ép về mặt kinh tế đối với nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất, thậm chí có thể gây thiệt hại tới nhà đầu tư khi họ bị áp dụng biện pháp tính tiền chậm nộp theo quyết định của UBND huyện Đông Sơn.

trụ sở UBND huyện Đông Sơn
Trụ sở UBND huyện Đông Sơn.

Câu hỏi đặt ra là: Pháp luật quy định về nộp tiền sử dụng đất không bắt buộc phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày có thông báo thuế. Vậy UBND nhân dân huyện Đông Sơn lấy căn cứ pháp luật nào để buộc nhà đầu tư phải tuân thủ “luật chơi” do mình đề ra?

Hay nói cách khác, UBND huyện Đông Sơn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào để tính tiền chậm nộp trong trường hợp nhà đầu tư không nộp đủ số 100% số tiền trúng đấu giá đất trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế? Phải chăng, quyết định hành chính cá biệt được ký bởi Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn "vượt" cả Quyết định số 07 của UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghị định số 45 về thu tiền sử dụng đất?

Trách nhiệm của cơ quan thuế ra sao nếu phát hiện việc áp dụng thu tiền sử dụng đất trái với các quy định hiện hành? Việc thu tiền tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất và được nộp vào tài khoản tạm giữ của phòng Tài chính - Kế hoạch số 3941 mở tại Kho bạc Nhà nước Đông Sơn có đúng quy định không? Nếu đúng thì căn cứ vào quy định pháp luật nào?

Trong khi đó, tại văn bản trả lời kiến nghị của nhà đầu tư về việc UBND huyện Đông Sơn ban hành quy định đấu giá quyền sử dụng đất trái quy định, cơ quan này không đề cập được bất cứ một căn cứ pháp lý nào có tính thuyết phục khi yêu cầu người trúng đấu giá nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo thuế.

Công dân có quyền khiếu nại

Bình luận về quyết định hành chính cá biệt về việc thu tiền sử dụng đất do Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn ký ban hành, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Quyết định số 3698/QĐ-UBND ngày 20/10/2020 của UBND huyện Đông Sơn về việc phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất là dạng quyết định hành chính (áp dụng đối tượng cụ thể), nên người ban hành phải tuân thủ các văn bản pháp luật (Nghị định 45/2014/NĐ-CP, Quyết định số 07/2018/QĐ-UBND ngày 9/3/2018-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa).

Do đó, Quyết định số 3698/QĐ-UBND có nội dung buộc người trúng đấu giá phải nộp đủ 100% số tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày là không đúng quy định. Nếu cứ thực hiện và áp dụng biện pháp phạt chậm nộp sẽ càng làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn, gây thiệt hại đến người trúng đấu giá và điều "cấm" trong quản lý Nhà nước vì thấy sai nhưng vẫn làm.

Trong vụ việc này, sau khi trúng đấu giá mà các bên không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá thì theo điểm b, khoản 2, Điều 48 Luật Đấu giá, người trúng đấu giá nộp tiền theo quy định của pháp luật có liên quan, ở đây là Nghị định số 45 và Quyết định số 07 (nộp 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày kể từ khi có thông báo của cơ quan thuế và nộp 50% còn lại sau sau 60 ngày)”, Luật sư Phượng cho biết.

Luật sư Trần Đức Phượng.

Khi được hỏi về việc UBND huyện Đông Sơn ra văn bản có dấu hiệu trái với các văn bản có tính pháp lý cao hơn thì xử lý ra sao? Số tiền nhà đầu tư đã bị phạt chậm nộp được điều chỉnh bởi quyết định "riêng" của UBND huyện, gây thiệt thòi cho nhà đầu tư sẽ được xử lý thế nào?, Luật sư Phượng cho rằng: “Với các quyết định hành chính, nếu có việc vi phạm pháp luật thì người dân có quyền làm đơn tố cáo đến người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định Luật tố cáo 2018. Người dân cũng có thể khởi kiện quyết định này ra Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.

Theo thủ tục, cơ quan thuế sẽ thông báo việc nộp tiền và áp dụng lãi chậm nộp thì người trúng đấu giá khởi kiện các thông báo này ra Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Hiện nay, nhiều vụ án mà Cơ quan thuế không áp dụng đúng quy định pháp luật đã bị Tòa tuyên hủy”, Luật sư Phượng cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top