Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân chủ là của cải quý báu nhất của Nhân Dân” và thực hành dân chủ là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”. Luận điểm này của Người đã được minh chứng rõ qua bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong thời đại của Người, nguyên tắc tập trung dân chủ đã được đúc rút, nâng tầm thành tư tưởng lý luận mới, được thực hiện triệt để và xuyên suốt trong hoạt động của tổ chức Đảng và chính quyền, gắn với tinh thần đoàn kết dân tộc.
Nguyên tắc này là một yếu tố cơ bản góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi qua bao thắng lợi giúp đất nước ta được hòa bình độc lập dân tộc như ngày hôm nay. Trong tác phẩm Thường thức chính trị viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ. Các cơ quan chính quyền là thống nhất, tập trung. Từ hội đồng nhân dân và ủy ban kháng chiến hành chính xã đến Quốc hội và Chính phủ Trung ương, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương. Thế là vừa dân chủ vừa tập trung.
Việc thực hiện tập trung dân chủ đã đi xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, minh chứng cho một nguyên tắc đúng đắn trong xây dựng nhà nước pháp quyền Chủ nghĩa xã hội, và đã được xác định rõ trong điều lệ Đảng: Tập trung dân chủ là một nguyên tắc cơ bản của hoạt động Đảng, được kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố "tập trung" và "dân chủ" để tạo thành một thể thống nhất. Theo đó, dân chủ là điều kiện tiền đề của tập trung, còn tập trung là cơ sở cho dân chủ được thực hiện. Tập trung dân chủ là nguyên tắc căn bản nhất trong 5 nguyên tắc của hoạt động Đảng, đóng vai trò chi phối các nguyên tắc khác. Thực hiện tốt tập trung dân chủ sẽ giúp công cuộc xây dựng Đảng được trong sạch và vững mạnh hơn.
Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2021 quy định: "Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Nguyên tắc tập trung dân chủ bao gồm những nội dung cơ bản sau: 1- Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; 2- Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc; cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên; giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ; 3- Cấp ủy các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp ủy cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình; 4- Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương; 5- Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành; trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình; đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp ủy cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng; cấp ủy có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số; 6- Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của Nguyên tắc tập trung dân chủ, ngày 08/08/2024 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã ban hành "Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hệ thống Ngân hàng TMCP ngoại thường Việt Nam số 2588/QC-VCB-CS&KHNS". Trong quy chế nêu rõ mục đích: 1- Phát huy quyền dân chủ của người lao động thông qua việc thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động phải công khai, tạo điều kiện để người lao động được biết, được bàn và quyết định, được tham gia ý kiến và được kiểm tra, giám sát những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động. Qua đó phát huy mọi nguồn lực, sức sáng tạo của tập thể, cá nhân để nâng cao hiệu quả kinh doanh, thực hành tiết kiệm, chống tham nhưng, lãng phí, chống vi phạm quyền dân chủ, vi phạm kỷ luật và gây mất đoàn kết nội bộ. 2- Nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động tại Ngân hàng TMCP Ngoại thường Việt Nam, tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội của Ngân hàng TMCP Ngoại thường Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật trong việc thực hiện dân chủ của người lao động. 3- Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và phát triển, góp phần ngăn ngừa hạn chế và tranh chấp lao động trong quá trình hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thường Việt Nam.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của nguyên tắc tập trung dân chủ, ban chấp hành Đảng bộ, ban lãnh đạo Nam Sài Gòn những năm qua đã áp dụng có tính sáng tạo, sát với thực tế trong công tác xây dựng Đảng, công tác kinh doanh tại đơn vị. Việc thực hiện nghiêm túc quy chế tập trung dân chủ đã cho thấy vai trò của người đứng đầu đơn vị và giúp Đảng viên, người lao động nhận thức rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong thực thi nhiêm vụ cũng như chia sẻ khó khăn chung với sự nghiệp phát triển của chi nhánh, góp phần xây dựng chi nhánh ngày càng phát triển vững mạnh.
Trong công tác Đảng, Cấp ủy, Ban lãnh đạo đã phối hợp chặt chẽ giữa công tác Đảng với công tác kinh doanh theo đúng quy định của Đảng, Nhà Nước, ngành Ngân hàng và Ngân hàng Vietcombank nhằm phát huy tối đa vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và các chi bộ trực thuộc. Định kỳ tổ chức sinh hoạt Đảng bộ, chi bộ. Các hoạt động, chủ trương, chính sách được bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến, phát huy tối đa sức sáng tạo của mỗi cá nhân, nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, thiểu số phục tùng đa số, tập trung được kinh nghiệm và ý kiến của đội ngũ đảng viên, hạn chế được biểu hiện chủ quan, duy ý chí nhằm đi đến ý chí thống nhất trong tập thể. Thường xuyên tìm kiếm, giới thiệu, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, gia tăng thêm sức mạnh của Đảng tại cơ sở. Công tác nhân sự luôn được kiện toàn, bình bầu, lấy phiếu tín nhiệm công khai, minh bạch, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của các Đảng viên trong Đảng bộ. Thường xuyên kiểm điểm, phê và tự phê, qua đó nêu gương những cán bộ ưu tú và kịp thời ngăn chặn những sai phạm của cán bộ có sự lệch lạc về tư tưởng và đạo đức. Kiên trì với nguyên tắc tập trung dân chủ giúp nâng cao tính tích cực, sáng tạo của đảng viên, người lao động giúp các quyết định của tổ chức phù hợp lợi ích của tập thể và cá nhân.
Về công tác thi đua và khen thưởng: ngay từ đầu năm, hội nghị kinh doanh đã được cấp ủy, ban lãnh đạo triển khai nhằm giao nhiệm vụ, chỉ tiêu đến từng cá nhân, bộ phận, phòng ban. Cách thức giao chỉ tiêu phù hợp với tình hình thực tế, với địa bàn kinh doanh và đặc điểm của từng sản phẩm dịch vụ, từng phòng ban, chức danh công tác. Trên cơ sở đi đến thống nhất chung tạo sự rõ ràng, minh bạch, công bằng, nhằm phát huy cao nhất sự sáng tạo của mỗi cá nhân, sức mạnh của tập thể để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cấp ủy, ban lãnh đạo cũng xây dựng các chương trình thi đua cho từng chỉ tiêu, nhiệm vụ tạo động lực và tinh thần hăng hái, phấn đấu, cố gắng trong quá trình công tác của đoàn viên người lao động.
Hàng năm, hội nghị người lao động được tổ chức với sự tham gia của Cấp ủy, ban lãnh đạo chi nhánh, ban chấp hành công đoàn cơ sở và toàn thể đảng viên, đoàn viên, người lao động. Trong hội nghị, ban chỉ đạo đã công khai đánh giá, tổng kết tình hình hoạt động của chi nhánh, những thành tựu đã làm được và những yếu kém còn tồn tại để người lao động được biết, được bàn, được tham gia đóng góp ý kiến về các nội quy, quy định, quyền và lợi ích của mình tại nơi làm việc. Trên cơ sở đó, ban chỉ đạo tiếp thu, giải đáp, phản hồi ý kiến tới người lao động và không ngừng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các mặt còn thiếu nhằm xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, đoàn kết trong tổ chức. Tạo môi trường làm việc thân thiện, gắn bó, nỗ lực cống hiến không ngừng của người lao động, góp phần vào sự phát triển chung của tổ chức. Bên cạnh đó, công tác giám sát của ban thanh tra nhân dân luôn được chú trọng. Chi nhánh thường xuyên tìm kiếm và bầu chọn những cán bộ đủ trình độ, đạo đức và sự tín nhiệm vào ban thanh tra nhân dân – nơi đại diện người lao động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở tại nơi làm việc.
Thực hiện lấy phiếu bầu vào ban Thanh tra nhân dân tại Vietcombank Nam Sài Gòn.
Công tác cán bộ, tiền lương luôn được chú trọng, Vietcombank Nam Sài Gòn luôn thực hiện theo đúng, phù hợp và bám sát các quy chế, quy định của luật lao động, ngành Ngân hàng và của Ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng Vietcombank đã ban hành: Quy chế quản lý cán bộ trong hệ thống Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam theo quyết định số 666/QĐ-VCB-CS&KHNS ngày 15/03/2022 của Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thường Việt Nam; Quy định 2555/QyĐ-VCB-CS&KHNS ngày 08/11/2023 của HĐQT về công tác quy hoạch cán bộ trong hệ thống Vietcombank và Quy chế chi trả tiền lương trong hệ thống Vietcombank ban hành kèm theo quyết định số 2568/QĐ-VCB-TCCB ngày 13/12/2016 của HĐQT.
Những quy định, quy chế nêu trên là những nguyên tắc rường cột trong quy trình bổ nhiệm, sắp xếp nhân sự, thang bảng lương tại chi nhánh. Cấp ủy, ban giám đốc luôn cố gắng lắng nghe, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người lao động để sắp xếp đúng người, đúng việc, phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người. Thường xuyên rà soát, tìm kiếm các cán bộ có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức để rèn luyện, bồi dưỡng, cho vào quy hoạch cán bộ nguồn của chi nhánh. Công tác đánh giá, đánh giá lại cán bộ được tổ chức định kỳ, kịp thời đưa những cán bộ không đủ tiêu chuẩn ra khỏi quy hoạch và bổ sung những cán bộ đủ điều kiện.
Thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và bãi nhiệm các chức danh trên cơ sở lấy phiếu tín nhiệm của công chức, người lao động, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số. Thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ hàng năm. Công tác tiền lương được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo sự công bằng, xứng đáng với sự cống hiến của mỗi cá nhân, đảm bảo lợi ích hài hòa, không quá xung đột giữa những người lao động.
Có thể thấy việc thực hiện hiệu quả quy tắc tập trung dân chủ tại Vietcombank Nam Sài Gòn đã gặt hái được nhiều thành công. Vietcombank Nam Sài Gòn luôn khẳng định vị thế của mình trong hệ thống Vietcombank và trên địa bàn. Năm 2023, chi nhánh được trao tặng danh hiệu chi nhánh hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêu biểu. Năm 2024, chi nhánh đã vinh dự nằm trong 15 chi nhánh có thành tích tiêu biểu 6 tháng đầu năm 2024.
Những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sức mạnh đoàn kết của tập thể, lấy yếu tố con người làm trọng tâm đã tạo nên một môi trường làm việc nhân văn, hiệu quả, phát huy cao nhất năng lực, sở trường và nhiệt huyết của người lao động, thu nhập bình quân đầu người luôn ở mức cao so với thị trường và trong hệ thống Vietcombank, góp phần tạo nguồn lao động có chất lượng cao, làm nên giá trị thương hiệu bền vững của Vietcombank cũng như của Vietcombank Nam Sài Gòn.
Ngoài ra, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ góp phần tạo cầu nối hữu hiệu giữa Ban lãnh đạo và người lao động, thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng Đảng viên, đoàn viên, người lao động, thúc đẩy phong trào thi đua gắn với mục tiêu kinh doanh cụ thể, xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ hướng đến sự phát triển bền vững trong quá trình hội nhập./.