Khu kinh tế (KKT) Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25/4/2006, với tổng diện tích khoảng 150.000ha (70.000ha mặt đất và 80.000ha mặt nước), thuộc huyện Vạn Ninh và TX. Ninh Hòa (Khánh Hòa).
Chưa phát huy hết tiềm năng
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 380/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2030, với tính chất là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác. Đồng thời, là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước.
Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, giai đoạn 2016 - 2020, KKT này đã thu hút mới 42 dự án (trong đó có 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài), điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án (trong đó có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 66.045 tỷ đồng. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, KKT Vân Phong đã thu hút được 153 dự án đầu tư (122 dự án trong nước và 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, vốn thực hiện là 1,86 tỷ USD đạt 47% vốn đăng ký; trong đó có 94 dự án đã đi vào hoạt động; 59 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng.
Năm 2021, Ban Quản lý chủ yếu tập trung thu hút các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN và các dự án thứ cấp trong KCN. Trong 6 tháng đầu năm 2021, KKT Vân Phong và các KCN thu hút khoảng 1.283 tỷ đồng, đạt tỷ lệ khoảng 51% so với kế hoạch (1.283 /2.500 tỷ đồng).
Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng sau một thời gian khá dài, KKT Vân Phong vẫn chuyển động một cách chậm chạp, chưa tạo nên sự đột phá. Các chuyên gia nhận định Vân Phong có nhiều thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư còn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết, nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa cao như kỳ vọng. Quá trình xây dựng và phát triển KKT trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của khu vực, đáp ứng kỳ vọng trở thành đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cả nước như mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ đã xác định.
Theo ông Hoàng, có một số nguyên nhân chủ yếu như: Quy hoạch của KKT Vân Phong hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng phát triển của KKT và chưa theo kịp định hướng phát triển kinh tế của quốc gia trong thời kỳ mới, nhiều khu vực tiềm năng vẫn chưa xác định rõ về quy hoạch. Công tác tổ chức lập quy hoạch xây dựng các phân khu chức năng trong KKT để thu hút các dự án đầu tư động lực, có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách, nên triển khai chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các thủ tục thu hút đầu tư.
Nhìn chung, cơ sở hạ tầng KKT Vân Phong vẫn còn hạn chế, vốn đầu tư còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội khu vực vịnh Vân Phong. Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư sản xuất kinh doanh có quy mô lớn, có tính động lực vẫn còn chậm hoặc phải dừng thực hiện do không có khả năng triển khai đã tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến động lực phát triển của KKT Vân Phong.
Ngoài ra, một số dự án lớn đang đề xuất thực hiện tại KKT nhưng do thủ tục thuộc thẩm quyền của Trung ương liên quan đến việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian nên chưa thể triển khai…
Động lực mới
Đầu năm 2021, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành KKT ven biển được ưu tiên tập trung đầu tư, tính chất tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế động lực của Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ. Để thực hiện điều đó, Khánh Hòa đang thực hiện Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Khánh Hòa cũng đang xây dựng Đề án cơ chế đặc thù phát triển KKT Vân Phong, trình cấp có thẩm quyền thông qua. Từ đó, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, tạo động lực phát triển tại khu vực này.
Theo Ban quản lý KKT Vân Phong, mục tiêu quy hoạch lần này được xác định với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xây dựng KKT Vân Phong phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia nói chung và chiến lược phát triển biển Việt Nam nói riêng; trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực; hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; bảo đảm quốc phòng - an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Làm cơ sở để triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn khu kinh tế theo quy định và là công cụ pháp lý để quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư xây dựng.
Ban quản lý KKT Vân Phong cũng cho biết tiến độ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch. Hiện nay, UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ vào đầu tháng 7/2021. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì thẩm định. Đến nay có 6/9 cơ quan có ý kiến thẩm định. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong trong tháng 10/2021. Tiếp theo, thời gian thực hiện các bước lập, thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch mất khoảng 3 - 4 tháng. Khoảng tháng 3/2022, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong sẽ được phê duyệt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của Vân Phong, cần phải có những cơ chế đặc thù. Trao đổi về “cơ chế đặc thù” cho Vân Phong, ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong cho biết thêm, trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban quản lý đã và đang cùng đơn vị tư vấn tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó định hướng một số cơ chế chính sách quan trọng. Theo đó, về các ngành nghề ưu tiên phát triển tại KKT Vân Phong, dựa trên đánh giá về hiện trạng triển khai KKT, lợi thế tự nhiên của khu vực Vịnh Vân Phong và xu thế kinh tế - xã hội, cũng như địa chính trị, đơn vị tư vấn hiện đang định hướng phát triển một số ngành nghề ưu tiên như cảng và dịch vụ hậu cần cảng, du lịch; công nghiệp thủy sản, năng lượng, đóng tàu…
Qua nghiên cứu 19 KKT ven biển ở Việt Nam và nhiều khu thương mại tự do quốc tế, các đơn vị tư vấn đã tiến hành so sánh, đối chiếu các loại hình cơ chế chính sách và đã đề xuất một số cơ chế chính sách áp dụng cho toàn KKT gồm: Các chính sách nhằm nâng cao sức hấp dẫn chung của khu vực đối với các nhà đầu tư (như về chính sách ưu đãi thuế đề xuất theo hướng được hưởng mức ưu đãi cao hơn quy định hiện hành mà các KKT ven biển đang được hưởng; về thủ tục hành chính thì đề xuất cung cấp cơ chế một cửa, một cửa liên thông để đơn giản hóa quá trình thực hiện thủ tục cho nhà đầu tư; về công tác giải phóng mặt bằng thì cho phép Ban quản lý thành lập cơ quan quản lý để hỗ trợ quá trình giải phóng mặt bằng); các chính sách nhằm đảm bảo nguồn lao động ổn định, tay nghề cao (như hỗ trợ chi phí đào tạo, ưu đãi thuế thu nhập cá nhân); các chính sách nhằm phát triển hạ tầng cơ bản cho KKT Vân Phong.
Bên cạnh đó, các đơn vị tư vấn cũng đề xuất các cơ chế chính sách nhằm phát triển các nhóm ngành nghề ưu tiên đầu tư tại KKT (như các chính sách về miễn thị thực, miễn giấy phép kinh doanh nhằm phát triển ngành du lịch; các chính sách về thuế và thủ tục nhằm phát triển khu thương mại tự do, cảng và hậu cần cảng, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp thủy sản). Đối với các nội dung cụ thể liên quan đến các định hướng trên, đơn vị tư vấn đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Kỳ vọng đầu tư, phát triển
Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… quan tâm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng điện khí LNG tại KKT Vân Phong theo xu thế phát triển của thế giới. Đây là lĩnh vực đầu tư mới đầy tiềm năng, vốn đầu tư lớn, kỳ vọng sẽ tạo ra sự đột phá về phát triển kinh tế cho tỉnh, kinh tế vùng và cả nước, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương cũng như thúc đẩy KKT Vân Phong trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển lớn, hiện đại của cả nước.
Hiện, KKT Vân Phong đã tiếp nhận đề xuất của gần 10 nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như: Tập đoàn Sumitomo, Công ty Millennium Energy, Tập đoàn Eneos, Tập đoàn J. Power, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico… Các nhà đầu tư này đã đề xuất đầu tư các dự án tổ hợp điện khí LNG và kho khí hóa lỏng LNG có quy mô lớn tại khu vực phía Nam KKT Vân Phong với quy mô công suất lên đến 15.000MW, quy mô kho chứa khí LNG đến 25 triệu m3 và số vốn các nhà đầu tư đề xuất lên đến từ 40 - 50 tỷ USD.
Khu vực Nam Vân Phong cũng được đánh giá là khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn của quốc gia. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng của KKT Vân Phong, khu vực phía Nam KKT Vân Phong được quy hoạch tập trung phát triển cảng nước sâu, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng với diện tích khoảng 2.000ha. Riêng khu vực địa điểm Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 2 thuộc quy hoạch Trung tâm điện Vân Phong đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm tại Quyết định số 3846/QĐ-BCT ngày 09/10/2017, khu vực này đã hoàn thành công tác giải tỏa, san lắp mặt bằng; đồng thời tuyến đường dây truyền tải 500KV Vân Phong - Vĩnh Tân đang triển khai đầu tư phục vụ truyền tải cho Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 vẫn còn phụ tải cho nhà máy nhiệt điện số 2 nên rất thuận lợi để triển khai trước 1 dự án điện khí tại đây (dự kiến hoàn thành tháng 12/2023).
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét bổ sung đề xuất dự án của các nhà đầu tư trên vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch Điện VIII) và quy hoạch năng lượng quốc gia, đồng thời tổ chức điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng của KKT Vân Phong, quy hoạch đất đai và các quy hoạch khác để hoàn thiện đồng bộ về quy hoạch, tạo điều kiện cho các dự án trên được triển khai đúng quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư đúng quy định pháp luật.
Có thể nói, Vân Phong đang đứng trước nhiều cơ hội để “lột xác” và phát triển mạnh mẽ. Cảng tổng hợp Nam Vân Phong đã đi vào hoạt động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Vân Phong. Cảng nằm liền kề KCN Ninh Thủy và các khu chức năng công nghiệp thuộc địa bàn KKT Vân Phong, cách QL1 khoảng 12km, sân bay Cam Ranh 75km, sân bay Tuy Hòa 85km, Đắk Lắk 120km. Cảng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn nhất khu vực Nam Vân Phong, cập được tàu 70.000DWT, trong tương lai nâng cấp có thể cập tàu lên đến 100.000DWT. Dự kiến lượng hàng thông qua cảng đạt 1.000.000T - 2.000.000T/năm.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm thu hút đầu tư phát triển 3 vùng kinh tế: Vịnh Vân Phong, TP. Nha Trang và Vịnh Cam Ranh. Tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu đạt 250.000 tỷ đồng; trong đó KKT tối thiểu đạt 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 75.000 tỷ đồng.
Để thực hiện được các mục tiêu đề ra như trên, Ban quản lý KKT Vân Phong đang tập trung triển khai rà soát, hoàn thiện các quy hoạch trong KKT Vân Phong, các KCN bảo đảm sự đồng bộ giữa các quy hoạch; thúc đẩy triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật lớn, hiện đại cho KKT, KCN tạo sự liên kết phát triển vùng như: Các tuyến đường bộ cao tốc quốc gia kết nối với KKT Vân Phong, các cảng biển tổng hợp lớn, hiện đại; triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của KKT….
Khánh Hòa cũng chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Trong đó, đổi mới và thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tư duy hướng tới nền hành chính phục vụ doanh nghiệp, với mục tiêu giảm tối đa thời gian, chi phí cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại KKT Vân Phong và các KCN trên địa bàn tỉnh. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư, giải quyết nhanh, kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng... để dự án được triển khai nhanh nhất, đặc biệt các dự án quy mô lớn mang tính động lực cho KKT. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao quỹ đất sạch, bảo đảm tiến độ triển khai các dự án trong KKT; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các dự án đầu tư tại KKT Vân Phong, tập trung vào nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân lực cho các ngành công nghệ cao…
Với tiềm năng sẵn có, sự quan tâm của Trung ương và quyết tâm của tỉnh Khánh Hòa, Vân Phong đang được kỳ vọng sẽ sớm cất cánh!
Trung tâm logistic năng động của khu vực
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong, nhìn nhận cảng tổng hợp Nam Vân Phong đang từng bước trở thành trung tâm logictics lớn, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, kết nối với thị trường Tây Nguyên rộng lớn và đầy tiềm năng. Việc tiếp nhận ngày càng nhiều tàu hàng vào cảng sẽ tạo sự phát triển cho doanh nghiệp nói riêng và góp phần gia tăng thu ngân sách tại địa phương nói chung; là một lợi thế cho các doanh nghiệp đầu tư tại KCN Ninh Thủy và khu vực lân cận tại KKT Vân Phong vì tiết kiệm được chi phí vận chuyển hàng hóa, đặt biệt là hàng siêu trường, siêu trọng. Do đó, đây là một yếu tố thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư, đặt biệt là các nhà đầu tư lớn, cần cảng trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.