Tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn chưa chấm dứt khi tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu từ tình hình dịch bệnh Covid-19, cũng như việc chứng khoán Mỹ và giá dầu tiếp tục lao dốc. Dow Jones, Nasdaq và S&P500 đều giảm trong phiên 12/3. Dow Jones giảm 2.532,6 điểm, tương đương 9,99%, xuống 21.200,62 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ “thứ hai đen” hồi tháng 10/1987. Giá dầu Brent, WTI giảm trong phiên 12/3, trong đó, giá dầu Brent tương lai giảm 2,57 USD, tương đương 7,2%, xuống 33,22 USD/thùng.
Mở cửa phiên giao dịch ngày 13/3, áp lực bán tháo tiếp tục xuất hiện và đẩy hàng loạt cổ phiếu trụ cột giảm sàn với tình trạng trắng bên mua, có thời điểm VN-Index tiếp tục mất đến hơn 45 điểm. Các thông tin hỗ trợ được đưa ra liên tục nhưng chưa thể giúp thị trường dừng rơi, đơn cử như việc con trai Chủ tịch HĐQT Hòa Phát đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu; FPT trình cổ tức 20% bằng tiền và 15% bằng cổ phiếu; DBC trả cổ tức bổ sung 2018 và 2019; SSI trả cổ tức 16%...
Tuy nhiên, cục diện thị trường đã thay đổi vào phiên chiều khi lực cầu bắt đáy xuất hiện và giúp nhiều cổ phiếu lớn đảo chiều tăng trở lại như FPT, TCB, VIC, CTG... Tuy nhiên, các chỉ số chưa thể tăng điểm trở lại do áp lực bán chưa chấm dứt và đến từ các cổ phiếu như PLX, BVH, BID...
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, VIC tăng 0,8% lên 92.500 đồng/cp và là động lực lớn nhất giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, cổ phiếu này đóng góp cho VN-Index 0,7 điểm. NLG phiên hôm nay tăng trần lên 23.600 đồng/cp và cũng đóng góp cho VN-Index 0,1 điểm. Một số cổ phiếu bất động sản tăng mạnh trong phiên hôm nay có QCG, VRE, TID, NBB, FIT, ITA, KOS... Trong đó, QCG có phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp và đạt 8.340 đồng/cp.
Dù vậy, sự phân hóa của nhóm bất động sản diễn ra rõ nét, các cổ phiếu như IDJ, LGL, DHR, NTP, SCR... vẫn bị kéo xuống mức giá sàn và nhiều mã tiếp tục rơi vào trong tình trạng trắng bên mua.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 7,47 điểm (-0,97%) xuống 761,78 điểm. HNX-Index giảm 0,54 điểm (-0,53%) xuống 101,38 điểm. UPCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,84%) xuống 50,49 điểm.
Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng khối lượng giao dịch 470 triệu cổ phiếu, trị giá 7.380 tỷ đồng. Khớp lệnh nhiều nhất trong nhóm bất động sản vẫn là FLC với 10,24 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó là các cái tên như HQC, SCR hay VRE.
Khối ngoại trên HoSE có phiên bán ròng thứ 24 liên tiếp, với giá trị 670 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với phiên trước. Tương tự, khối ngoại sàn HNX cũng bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp, với giá trị 23 tỷ đồng. Danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại vẫn có 3 cái tên lớn trong ngành bất động sản là VHM, VRE và VIC, với giá trị lần lượt 51 tỷ đồng, 50 tỷ đồng và 47 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, D2D được khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất với 2,6 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng được khối ngoại mua ròng mạnh là HDC với 1,1 tỷ đồng.