Aa

Vào guồng sớm đầu năm, thị trường bất động sản bất ngờ chững lại sau 'đòn thuế' của Mỹ

Thứ Tư, 16/04/2025 - 21:07

Theo dự báo của các chuyên gia, tâm lý thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ bị "khựng" lại trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Tâm lý e ngại trong thời gian ngắn hạn

Trong báo cáo Nghiên cứu Thị trường Bất động sản (BĐS) Việt Nam quý I/2025 của Avison Young cho thấy, thị trường BĐS Việt Nam đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan cũng như kỳ vọng về "đòn bẩy" phục hồi cho cả năm.

Theo đó, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh BĐS đã tăng 46% so với năm ngoái khi đạt gần 2,4 tỷ USD.

Trong giai đoạn hiện tại, Chính phủ vẫn đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công cũng như triển khai các quy định pháp luật mới.

Vào guồng sớm đầu năm, thị trường bất động sản bất ngờ chững lại sau 'đòn thuế' của Mỹ- Ảnh 1.

Sau "đòn thuế" của Mỹ, tâm lý của nhà đầu tư và người mua đa phần đều e ngại. Ảnh minh họa

Giữa bối cảnh đó, hàng loạt các tỉnh/thành tại Việt Nam như TP. Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đều công bố kế hoạch đấu giá đất nhằm mở rộng quỹ đất phát triển.

Hoạt động mua bán/sáp nhập (M&A) cũng như giao dịch chuyển nhượng dự án sẽ vẫn diễn ra, cho thấy nhà đầu tự hiện tiếp tục tìm kiếm cơ hội phù hợp cũng như tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của thị trường.

Theo nhận định của David Jackson - Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam cho rằng thị trường BĐS trong quý I/2025 đã có một khởi đầu vô cùng thuận lợi.

Mặc dù vậy, việc Mỹ tung "đòn thuế" đối ứng 46% lên một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đã phần nào tạo nên tâm lý lo ngại trong thời gian ngắn hạn.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn đã và đang giữ vững vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực nhờ nhiều lợi thế về lực lượng lao động, chi phí sản xuất hợp lý cũng như vị trí chiến lược và chính sách thu hút FDI hiệu quả.

Điều này nhằm củng cố nền tảng phục hồi cho ngành bất động sản trong thời gian tới sau khi Việt Nam hoạch định chiến lược phát triển rõ ràng với kinh nghiệm trong đàm phán quốc tế, kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được kết quả tích cực trước những dịch chuyển thương mại mang tính toàn cầu.

Biến động của các phân khúc

Đối với phân khúc văn phòng, theo chuyên gia David Jackson, nguồn cung sẽ khởi sắc ở 3 thị trường trọng điểm gồm: TP. Hà Nội, TP. HCM và TP. Đà Nẵng.

Theo đó, thị trường văn phòng tại 3 địa phương này hiện đều ghi nhận dự án mới đi vào hoạt động.

Giữa bối cảnh nhu cầu cho thuê văn phòng tại Việt Nam hiện nay đang ngày càng đa dạng, triển vọng của phân khúc này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực trong thời gian tới.

Vào guồng sớm đầu năm, thị trường bất động sản bất ngờ chững lại sau 'đòn thuế' của Mỹ- Ảnh 2.

Các phân khúc của thị trường cũng có sự biến động nhẹ trong thời gian vừa qua. Ảnh: Internet

Mặc dù vậy, sức cạnh tranh cũng sẽ gia tăng khi nguồn cung phong phú hơn, đặt ra bài toán lớn cho các chủ đầu tư khi cần có chiến lược linh hoạt trong việc định giá cũng như cung cấp các tiện ích phù hợp với nhu cầu của khách thuê, đẩy mạnh việc chuyển đổi số cũng như mô hình văn phòng xanh nhằm tạo sức hút trên thị trường.

Ông Avison Young nhận định, giai đoạn quý I/2025 không phải là giai đoạn sôi động đối với giao dịch căn hộ do trùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài, cùng với tâm lý thận trọng của cả người mua và chủ đầu tư, mặt bằng giá sẽ tiếp tục gia tăng tại các thị trường trọng điểm.

Tại TP. HCM, thị trường căn hộ khởi sắc rõ nét khi giá bán tăng trung bình 6% so với cuối năm 2024, đạt mức 3.200–5.200 USD/m2. Đáng chú ý, giá bán thứ cấp tại nhiều dự án lớn nằm dọc tuyến Metro số 1 ghi nhận mức tăng mạnh, thậm chí có nơi tăng tới 20% so với cùng kỳ năm trước. Những cái tên tiêu biểu như Gateway Thảo Điền và Lumière Riverside là minh chứng rõ rệt cho sức hút của khu vực có hạ tầng giao thông phát triển.

Tại Đà Nẵng, thị trường cũng ghi nhận diễn biến tích cực. Việc công bố bảng giá đất mới đầu năm, kết hợp với thông tin chấp thuận đầu tư dự án APT Tower, đã góp phần thúc đẩy mặt bằng giá căn hộ tăng nhẹ. Nguồn cung tương lai tại thành phố này tiếp tục nghiêng về phân khúc cao cấp, phản ánh định hướng phát triển đô thị hóa chất lượng cao.

Trong khi đó, tại Hà Nội, thanh khoản có dấu hiệu chững lại so với các quý trước. Giá bán sơ cấp hiện dao động từ 2.600 – 3.700 USD/m2, giữ nguyên so với quý IV/2024. Dù vậy, các hoạt động đầu tư, chuyển nhượng và khởi công dự án vẫn diễn ra sôi động.

Những khu vực như Vinhomes Global City và khu đô thị mới Mê Linh ghi nhận nhiều động thái mở rộng quỹ đất, cho thấy các doanh nghiệp địa ốc vẫn theo đuổi chiến lược phát triển dài hạn.

Tuy nhiên, bức tranh chung của thị trường căn hộ vẫn tồn tại một thách thức lớn: thiếu hụt nguồn cung sản phẩm phù hợp với thu nhập trung bình. Đây đang là rào cản khiến phân khúc nhà ở tiếp cận được nhu cầu thật gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các đô thị lớn.

TP. HCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, tạo hiệu ứng lan tỏa sang các địa phương lân cận. Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập quy hoạch 4 khu công nghiệp (KCN) mới với tổng diện tích hơn 3.800 ha; Long An chính thức khởi công KCN sinh thái đầu tiên của tỉnh; trong khi đó, Bình Dương ghi nhận kế hoạch đầu tư một trung tâm dữ liệu quy mô lớn, mở ra triển vọng phát triển công nghệ số và hạ tầng dữ liệu vùng.

Tại miền Trung, Đà Nẵng tiếp tục mở rộng quỹ đất công nghiệp thông qua kế hoạch phát triển các phân khu sản xuất, thương mại – dịch vụ và logistics trong Khu thương mại tự do, đồng thời triển khai dự án KCN Hòa Ninh với quy mô 400ha tại huyện Hòa Vang.

Các địa phương lân cận cũng gia tăng tốc độ phát triển hạ tầng công nghiệp: Bình Định đã khởi động giai đoạn 1 của KCN Phù Mỹ, trong khi Quảng Ngãi xúc tiến triển khai KCN VSIP II.

Khu vực miền Bắc tiếp tục giữ vai trò tâm điểm của thị trường khu công nghiệp, trong đó tỷ lệ lấp đầy tại Hà Nội đạt 93%, tăng 5 điểm phần trăm so với cuối năm 2024. Thủ đô cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch KCN sạch tại Sóc Sơn, đồng thời thành lập thêm các cụm công nghiệp làng nghề tại Thạch Thất và Thường Tín, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô nhỏ và làng nghề truyền thống.

Ở phân khúc lưu trú, giá thuê căn hộ dịch vụ hạng A đạt mức 42 USD/m2/tháng, tăng 8% so với quý trước. Tỷ lệ lấp đầy đạt 85%, tăng thêm 9 điểm phần trăm, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu lưu trú dài hạn và cao cấp.

Trong bối cảnh các quy định siết chặt hoạt động cho thuê ngắn hạn tại căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ vốn được cấp phép lưu trú hợp pháp và vận hành chuyên nghiệp hiện đang dần trở thành lựa chọn thay thế phù hợp. Đặc biệt, nhóm du khách đến từ Nga, Hàn Quốc và Trung Quốc - những thị trường chiếm tỷ trọng lớn có xu hướng ưu tiên sử dụng các cơ sở lưu trú cao cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho phân khúc căn hộ dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top