Aa

VCCI: Tình trạng ưu ái doanh nghiệp sân sau vẫn rất nghiêm trọng

Thứ Năm, 19/12/2019 - 05:45

Tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn không giảm, tình trạng ưu ái doanh nghiệp sân sau vẫn rất nghiêm trọng....

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi đến Thủ tướng báo cáo một số kết quả chính tại báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) và nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) từ góc nhìn của các doanh nghiệp. Sáng 17/12, VCCI tổ chức hội thảo công bố báo cáo này.

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả các cuộc điều tra doanh nghiệp hàng năm của VCCI trên các lĩnh vực thuế, hải quan và môi trường kinh doanh nói chung. Mỗi năm có hơn 10.000 doanh nghiệp đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước tham gia trả lời phiếu khảo sát.

39% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến - Ảnh minh hoạ của Quang Phúc

Vẫn tồn tại chi phí không chính thức

Theo báo cáo, môi trường kinh doanh của Việt Nam được các doanh nghiệp đánh giá là đang chuyển biến tích cực hơn, dù có sự không đồng đều giữa các lĩnh vực.

Trong các lĩnh vực của nghị quyết 02, thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng là hai lĩnh vực được doanh nghiệp ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất, ngược lại lĩnh vực phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu được đánh giá ít chuyển biến.

Ở lĩnh vực đăng ký kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% lên 17,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt lại giảm từ 60% xuống còn 36%.

Với lĩnh vực thuế thì các thủ tục hành chính thuế có sự cải thiện, dễ thực hiện nhất là thủ tục nộp thuế, khó thực hiện nhất là thủ tục hoàn thuế và đề nghị miễn giảm thuế. Tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế điện tử lên đến 98,4%.

Tuy nhiên, hoạt động thanh kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% doanh nghiệp được hỏi cho rằng cán bộ suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp và 30% doanh nghiệp được khải sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Lĩnh vực giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan thì các doanh nghiệp phải đi lại để nộp hồ sơ rất nhiều lần (trung bình 3 lần cho mỗi thủ tục). Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin xác nhận phòng cháy chữa cháy lên đến 63% và có đến 30% doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn khi làm thủ tục. Các thủ tục về xây dựng và phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được thực hiện liên thông.

Đáng chú ý, tiếp cận vốn vẫn là khó khăn lớn thứ hai đối với các doanh nghiệp, cản trở lớn nhất là điều kiện vay vốn phải có tài sản thế chấp (86% doanh nghiệp đồng ý). 39% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tình trạng bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng để vay được vốn là phổ biến.

Minh bạch thông tin về đất đai đang có chiều hướng xấu đi

Theo VCCI, các doanh nghiệp đánh giá thực tiễn làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được cải thiện tốt. Tuy nhiên, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về đất đai lại đang có chiều hướng xấu đi.

Về cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, báo cáo cho biết, sau 5 năm giảm liên tục (từ 60% năm 2013 xuống 36% năm 2017) thì năm vừa qua, tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng khởi kiện ra toà án khi có tranh chấp đã tăng trở lại, lên mức 45% năm 2018.

Nghiên cứu của VCCI cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính có xu hướng gia tăng.

Còn về kiểm soát tham nhũng, các đánh giá của doanh nghiệp về mức độ phổ biến và giá trị của chi phí không chính thức đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, hiện tượng tham nhũng vặt khi làm thủ tục hành chính vẫn không giảm.

Báo cáo cũng cho thấy, việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận khi tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện giảm từ 58% xuống 48% và tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm từ 42% xuống 34%. Song, việc cắt giảm danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục IV Luật Đầu tư và các điều kiện kinh doanh nằm ở cấp luật cần tiếp tục được thực hiện.

Liên quan đến sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách, VCCI phản ánh thực tế đáng lo ngại là tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ có thể dự đoán được thay đổi nội dung chính sách và thực thi chính sách giảm liên tục trong 5 năm qua. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được thay đổi chính sách tăng từ 42% trong năm 2014 lên 67% trong năm 2018.

Ưu ái doanh nghiệp "sân sau" vẫn rất nghiêm trọng

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp thì sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp nhà nước có xu hướng giảm trên tất cả các lĩnh vực, trừ phân bổ nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, tình trạng ưu ái doanh nghiệp sân sau vẫn rất nghiêm trọng, VCCI phản ánh.

Tổ chức đối thoại, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp: tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về hoạt động tổ chức đối thoại, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp có tăng nhưng ở mức rất khiêm tốn.

Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm giảm mạnh từ mức 40% xuống mức 19%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết nội dung thanh kiểm tra có trùng lặp cũng giảm từ 14% xuống còn 11%.

Một mục tiêu được nhắc đến khá nhiều mấy năm qua là đến 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. VCCI báo cáo người đứng đầu Chính phủ, nếu giữ nguyên tốc độ tăng doanh nghiệp như trong 3 năm qua thì đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 984 nghìn doanh nghiệp. Do đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp thì các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong khoảng thời gian còn lại.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top