Aa

Về đâu hành lang thương người

Thứ Sáu, 24/03/2023 - 13:30

Ai chẳng có ký ức buồn vui, những bước trượt thất bại đường đời, hành lang ấy chính là khối tài sản giá trị tinh thần của đời sống, nó vẫn hắt lên khi người ta giàu có hay nghèo khổ...

 

Có người sinh ra suốt đời ở chung cư cũ, và ra đi cũng ở chung cư cũ... (Ảnh: HVH)

Có người sinh ra suốt đời ở chung cư cũ, và ra đi cũng ở chung cư cũ. Nhưng cũng có người may mắn hơn, do con cái thành đạt nên có điều kiện chuyển tới chung cư mới. Những người trẻ thích nghi rất nhanh với môi trường sống hiện đại, nhưng người đứng tuổi sinh ra ở nửa thế kỷ 20, họ rời chung cư cũ, nếp sống, thói quen cũ mà đã có biết bao nỗi niềm trái chiều của cái cũ và cái mới đan xen cùng với sự đổi mới.

Tôi biết Mai Liên khi cô dọn đến khu chung cư cũ Phương Mai hồi năm 1975, khi đất nước vừa giải phóng, sau bao nhiêu năm sống trong bom đạn, đi sơ tán, đội mũ rơm, chui xuống hầm ngủ. Mơ ước thuở đó chỉ là được sống trong không khí hòa bình. Khi được phân nhà ở chung cư cũ thì niềm hân hoan của Mai Liên dâng lên gấp đôi, được sống rồi, hòa bình rồi, không những thế lại có căn hộ chung cư 16 mét vuông.

Hồi đó, khu chung cư này thấp tè, nhà ở không có khu vệ sinh riêng, tất cả đều đi ra nhà vệ sinh chung gần hồ Phương Mai. Hơn chục năm sau, toàn những tay thợ cừ khôi từng xây dựng ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, họ biết cách cải tạo, vá víu rồi cũng có nhà vệ sinh bé tin hin chỉ đúng vừa cho cơ thể người chui vào đứng lên ngồi xuống. Thế mà ai cũng hỉ hả chấp nhận, được có nhà vệ sinh trong nhà là may mắn lắm. Đầu vào thì cũng có đầu ra chứ? Thời nay các bạn trẻ sống đầy đủ quá mà không hình dung ra phía sau cuộc chiến, sau đạn bom, mất mát, thiếu thốn sẽ ra sao, những con người thời đó mơ ước có một nhà vệ sinh riêng như thế nào? Bọn trẻ cũng chả nghe tiếng người, tiếng cha mẹ, ông bà kể lại. Việc của họ là chúi mũi vào vi tính, bàn phím, điện thoại.

Thời của cô Mai Liên không hề có tivi, điện thoại, đến cái đài radio cũng là giấc mơ của một nhà nghèo. Cái hành lang chung cư cũ tối và thiếu ánh sáng mặt trời bên cạnh ngọn đèn tiết kiệm điện vẫn sáng lờ mờ cho đến tận bây giờ. Thứ ánh sáng chỉ đủ nhìn lối đi không vấp ngã, không đụng tường, không biêu đầu sứt trán là may. Những người láng giềng là bạn thợ, họ ở vùng Ba La Bông Đỏ, vùng Đan Phượng, rồi Chương Mỹ đi làm thợ xây ở công ty xây dựng Hà Nội. Họ sống đúng nghĩa hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Thiếu vài hạt muối hay lát gừng, nhánh tỏi đều đem cho nhau và khi con ốm, họ đều xúm vào ý ới gọi nhau, gọi xe cho gia đình có con sốt cao, có mẹ đau ruột thừa. Đó là cái tình của khu chung cư cũ mà cô Mai Liên ở gần 50 năm với bao kỷ niệm vui buồn.

Cái dây phơi chung cư cũ luôn luôn thiếu nắng. Hồi đó chả có nhà nào có bàn là. Quần áo mùa xuân, trời nồm ẩm ướt vẫn mặc đi làm. Có hơi người lại chóng khô, nhưng cũng ối người bị bệnh ngoài da hay mẩn ngứa rõ khổ. Đời sống thiếu thốn, có bữa vay nhau vài bơ gạo, nhường nhau chỗ xếp hàng mua phiếu đậu phụ, phiếu dầu hỏa. Cái hành lang hẹp tối lờ nhờ mà quạt bếp mùn cưa hay nấu bếp dầu hỏa, tắt bếp, mùi dầu hỏa lan ra hành lang xộc vào nhà, nó ám vào người lâu ngày đến nỗi không làm sao quên được, dù là người đã học hành biết buông bỏ như cô Mai Liên.

Cái hành lang chung cư cũ tối và thiếu ánh sáng, nhưng láng giềng sống ấm áp, ân tình. (Ảnh: HVH)

Đứa con gái Mai Liên chăm ngoan, vừa mới vào học cấp ba thì bố mất vì một tai nạn ở công trường, thanh sắt va quệt vào ngực, chấn thương tim phổi rồi không qua khỏi. Mai Liên ở vậy từ lúc ngoài bốn mươi tuổi, cô mua thêm cái máy khâu, nhận vá chữa quần áo và nuôi con ăn học. Bên dưới tầng 1, nhà cô Lẫm lùn thợ bê tông cũng muối thêm vại dưa cà bán lúc đi làm về, kiếm thêm tiền lẻ rau dưa. Nhờ cái tấm biển treo thêm: “Nhận may vá chữa quần áo” bao năm mà cô Mai Liên nuôi con học hành thành tài. Cháu làm ở công ty nước ngoài, nói tiếng Anh như gió, cô Mai Liên nghe chả hiểu gì.

Cô lấy chồng muộn, có con ở tuổi chạm ba mươi, giờ thì ở tuổi xưa nay hiếm. Bây giờ, cô dẹp cái máy khâu đi nhưng vẫn giữ làm kỷ niệm. Nhà chật mà cái gì cũng giữ cũng gói để dành, không dùng, đứa con gái cứ làu nhàu bảo mẹ: “Mẹ bỏ đi cho nhẹ người, giữ làm gì cơ chứ, nó chặn hết khí trong nhà”, rồi con gái dọa: “Mẹ không bỏ bớt đồ đi thì con phải đi thuê nhà để ở, chứ ngủ xung quanh chất đồ đạc, con không ngủ được”. Sợ con bỏ đi, cô Mai Liên mới bỏ ít đồ đem đi cho cô bán chai chè đồng nát.

Cái dây phơi nhà cô Mai Liên có phơi thêm chiếc váy đẹp, chiếc khăn voan hoa nhỏ li ti của con gái cũng làm cho nó rực rỡ lên mỗi buổi chiều cô đợi con về. Bao năm ở chung cư cũ, ám ảnh những chiếc dây phơi của thợ xây, thợ hàn, thợ đường ống nước. Cả năm trời mặc áo bảo hộ lao động, thi thoảng mới động đến áo sơ mi, quần kaki. Dây phơi ở chung cư nó ánh lên đời sống nghèo khó của những người thợ đi xây nhà cao cao mãi cho thiên hạ, mà thực tế đời sống của thợ xây dựng những năm vừa mới giải phóng đất nước còn nhiều thua thiệt. Cuộc sống sinh hoạt và cả đời sống tinh thần cũng không có điều kiện vật chất gì khích lệ đời thợ.

Nhưng láng giềng chung cư cũ sống ấm áp và hay trông nhà trông cửa giúp nhau. Chung cư gần bệnh viện Lão khoa, thi thoảng vẫn có người ghé vào xin gói mì hay chai nước. Người thợ nghèo cũng thơm thảo chia cho. Cô Mai Liên bảo ở chung cư hẹp, trần nhà thấp, cái bàn thờ tin hin thờ chồng, khói hương cứ đen vàng trần nhà cũng đành chịu. Vậy mà cô Mai Liên chấp nhận coi như cuộc đời mình tiêu hết thời gian ở khu nhà cũ cho đến phút cuối đời?

Rồi sự may mắn hiếm hoi dành cho cô lớn hơn cả giấc mơ. Con gái cô mua được nhà chung cư mới. Dù trả góp nhưng vẫn đi khỏi nơi này - khu hành lang tối tăm và thiếu ánh sáng mặt trời. Hôm dọn nhà, bạn thợ bà con trong chung cư đều đến giúp. Cũng nhờ con gái dọa bỏ nhà đi, mà cô Mai Liên mới bỏ đi rất nhiều thứ vụn vặt trong nhà. Với một thế hệ sinh ra giữa thế kỷ 20, đi qua chiến tranh thiếu thốn, họ luôn cần kiệm và chắt bóp đến là khổ hạnh. Có bao người ăn chả dám ăn, mặc chả dám mặc.

Có nhà anh Kiên thợ mộc chết vì ung thư, nhà không có thứ gì ngoài nồi cơm và xoong nấu canh, nghèo y như người ở trên núi cao vùng mạn Mèo Vạc, Hà Giang ấy. Hay có nhà con cái ăn nên làm ra, họ đi ở riêng nhưng cha mẹ chả dám tiêu pha gì nhiều, bữa ăn vẫn thanh đạm, thiếu chất rồi cũng bệnh tật ra đi sớm. Có bà Riềng khi chết còn để lại cả túi nhẫn vàng, mấy cây, mấy lắc vòng tay, rồi con cháu họp hành chia nhau, cãi nhau đến khi phải ra tòa mới xong việc. Tiền vàng ứng xử khó vậy sao?

Chung cư mới mà cô Mai Liên dọn về, nhà cửa sáng choang, đèn sáng lóa mắt. Gạch cũng sáng bóng, sợ trơn trượt, cô Mai Liên mua chiếu cói về trải. Nhà ở tầng 19, cô Mai Liên toàn bấm thangh máy thành tầng 20, lại lộn xuống, nhầm lẫn là chuyện thường. Hành lang chung cư mới sáng choang nhưng không thấy có bóng người. Rồi có hôm nhầm phòng, cô Mai Liên bị người ta mắng cho. Và cô nhờ con gái dán một bông hoa khô với ít ngọn cỏ để nhận ra cánh cửa nhà mình. Cánh cửa nhà mình ở chung cư mới, pải bao đêm cô Mai Liên mới ngủ được vì nhớ chung cư cũ, một mái nhà thấp, hàng xóm nói to đều nghe rõ cả. Chung cư mới thì không. Tịch mịch, nhà ai biết nhà nấy.

Sáng ra, mấy cô trông trẻ cho con xuống sân đón nắng non. Mấy bà cô từ chân đồng chiêm trũng đã sơn móng tay móng chân, cũng kẻ mày, ăn diện. Nhưng họ vẫn đi không nhấc chân, vẫn kéo lê dép loẹt xoẹt và mỗi khi cho trẻ ăn lại ấn cầu thang máy như thang máy nhà riêng của mình. Có lần bị bảo vệ tuýt còi vì cái thói hồn nhiên cho nhấn nút cầu thang máy cả mấy phút đồng hồ. Dân chung cư phán ánh thì giúp việc lại cự lại.

Người trông trẻ hồn nhiên sống ở Hà Nội và điện thoại cũng ríu rít ầm ĩ khắp nơi, trong cầu thang, họ nói rõ to, cứ như chuyện của họ quan trọng và bắt mọi người trong thang máy cùng nghe. Có khi gặp lúc trẻ đi học hay khi tan trường, muốn về nhà phải chờ 5 phút, có khi lâu hơn thế để đợi thang máy. Lúc chờ trực cầu thang, nghe nói cười, điện thoại, ong ong trong tai đủ thứ hổ lốn ngoài đời. Liên mới thấy chung cư mới, văn hóa mới của mọi nơi ùa về, tục lệ của bốn phương cũng bầy ra ở trong thang máy. Họ vờ bỏ quên túi rác trong hành lang, phải đến khi lắp camera mới dẹp đi nạn bỏ rác tùy tiện.

Ảnh minh họa: Zing

Hành lang chung cư mới lúc thì đông người, quá đông, quá tải lại phải chờ. Lúc vắng thì quá vắng, có ai nằm vật ra đấy vì huyết áp cao cũng chả thấy ai gọi. Người già hỏi đứa trẻ xem nhờ mấy giờ rồi thì có người bảo: “Không biết, không có đồng hồ”. Nói trống không. Hoặc có lần một bà lão cho đứa trẻ mấy cái bánh gai ở quê ra thì bố mẹ không dạy con cách nói cảm ơn, mà nó cứ nhận như không có chuyện gì xảy ra. Văn hóa gia đình trẻ bây giờ hiện đại lắm. Trách cứ gì nhà trường hay gia đình khi văn hóa chung cư chưa thấy có quy định gì để phạt những người gọi là “thiếu văn hóa” giao tiếp.

Chung cư mới, hôm nào về nhà cũng tắc đường. Con gái cô Mai Liên nếu đi làm thêm về muộn thì không có vấn đề gì xảy ra. Hôm về đúng giờ thì tắc đường, về nhà cũng thành muộn. Thế nên nhiều người về sớm hoặc về muộn hẳn còn hơn kẹt cứng trong dòng người, trong hơi xăng xe và nhích xe từng cen-ti-mét. Cảm giác về nhà cũng sợ vì ùn tắc rất lâu, 15 hay 20 phút là chuyện thường tình. Đi làm mệt. Tắc đường, rồi đủ thứ tắc khác. Ở nhà con gọi tắc cống, tắc nhà tắm, bóng đèn nhà bếp cháy, máy bơm không thấy có nước... Trăm thứ chuyện để có thể mắc stress từng ngày tích tụ lại rồi biến thể cũng từ đây.

Có lần, cô Mai Liên ước được quay trở lại chung cư cũ, dù nhà đã bán, cô tìm lại những ánh mắt thân tình, những nghĩa tình quan tâm đến nhau. Cái hành lang thương nhau đã chảy về quá vãng. Chung cư mới hành lang sáng choang, hiện đại, nhưng chả ai chào hỏi ai, nhà nào biết nhà nấy.

Người đã sống ở chung cư cũ, sang chung cư mới như cô Mai Liên có lúc lại muốn trở lại nơi ở cũ. Cô như dòng nước chảy giữa hai bên bờ cũ mới và để hòa nhập nó thì khó xiết bao. Cảm xúc đi trong hành lang mới, vừa hoang vắng vừa cô đơn ở giữa những con người ăn mặc lịch sự, đông đúc và xa lạ.

Thi thoảng cô lại trốn con về chung cư cũ nói chuyện với mấy bà bạn già, vì họ không có điện thoại thông minh, không có zalo kết nối. Những câu chuyện chả đâu vào đâu, rời rạc về quá khứ, nhưng đầy ấm áp ân tình. Ai chẳng có ký ức buồn vui, những bước trượt thất bại đường đời, hành lang ấy chính là khối tài sản giá trị tinh thần của đời sống, nó vẫn hắt lên khi người ta giàu có hay nghèo khổ. Nó còn là hành lang của bao số phận con người u ám hay sáng tươi, nó làm cho cuộc đời xếp cao lên sự êm đẹp hay bão tố của đời sống mà chúng ta đi qua chiến tranh, nạn dịch bệnh, để sống được đều cần biết quý giá trân trọng mỗi hơi thở, mỗi thời gian sống./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top