Aa

Về thăm quê Bác

Thứ Tư, 19/05/2021 - 10:00

Bỗng ngân vọng trong tôi hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bảo Định Giang, đẹp như một áng ca dao thuần Việt: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”...

Về thăm quê Bác, có hai hiện vật rất ấn tượng với tôi, là cánh võng đay và khung cửi dệt vải trong nếp nhà tranh giản dị của làng quê Việt. Cánh võng ấy như cánh võng hình đất nước mắc hai đầu Bắc, Nam mà miền Trung quê Bác là khúc giữa. Cánh võng chùng xuống như eo thắt miền Trung - Miền quê với thiên nhiên khắc nghiệt, đã tôi luyện cho con người ở nơi đây có những phẩm chất kiên cường, lòng hiếu học và biết nuôi chí lớn.

Khung cửi ấy đã dệt nên mạch nguồn câu hát phường vải của làng Kim Liên... Làng Sen quê Bác giống như một quê chung - một làng quê thôn dã đặc trưng với những nét hội tụ truyền thống. Từ những nếp nhà, lũy tre, đến ao sen, giếng Cốc, có cả lò rèn, nơi làm ra các nông cụ sản xuất.

Tôi gặp ở đây bao giọng nói từ nhiều miền quê, bao lứa tuổi từ Nam ra Bắc với muôn sắc áo quy tụ thành hình ảnh một nước Việt Nam thu nhỏ. Tôi còn gặp ở đây các đoàn khách nước ngoài với muôn thứ tiếng, các màu da khác nhau. Họ có chung một câu chào bằng tiếng Việt khi gặp gỡ ở đây: “Việt Nam - Hồ Chí Minh”.

Chính tại quê chung này cách đây 131 năm, cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời vào tháng 5, vào mùa sen nở. Hoa sen được xem như là quốc hoa của nước Việt bởi kết tinh bao phẩm chất thanh cao mà giản dị: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, với những sắc màu mộc mạc như những gam màu quen thuộc thường thấy trong làng quê Việt: “Lá xanh, bông trắng, nhị vàng”.

Bên trong ngôi nhà tuổi thơ của Bác Hồ ở làng Sen.

Đến đây tôi mới hiểu, vì sao nhà văn Nguyễn Thế Quang, một người Nghệ An, trong cuốn tiểu thuyết lịch sử viết về cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ, đã đặt tên cho cuốn sách là “Khúc hát những dòng sông”. Bác sinh ra ở miền quê sông Lam, theo cha vào sông Hương (Huế), dạy học ở sông Cái (Phan Thiết) và xuống tàu tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng (sông Sài Gòn). Từ đó, Bác đã qua sông Seine (Pháp), tìm ánh sáng Luận cương Lênin ở sông Volga (Nga) và cuối cùng về sông Hồng (Hà Nội).

Còn có một con sông, là dòng sông dân ca, bắt đầu từ những lời ru của mẹ trên cánh võng đay thấm vào Người mạch nguồn văn hóa dân gian, dân tộc, để sau này đến với văn hóa bác học, văn hóa nhân loại. Sau hàng chục năm bôn ba nước ngoài, trở về Tổ quốc thân yêu, Bác vẫn không quên những câu ví dặm, hát phường vải của quê hương:

“À ơi! (Chứ) ai biết nác sông Lam răng là trong là đục

Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh

(Chứ) Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình ai ơi”.

Bác Hồ đã sửa chữ “nước” thành chữ “nác” cho một nghệ nhân khi Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh vào Phủ Chủ tịch hát cho Người nghe. Nguồn mạch dân ca đã gieo và thấm vào Người tình yêu những tác phẩm văn chương nổi tiếng: “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”... Bác thường hay lẩy Kiều và khi trên đường đi hoạt động bí mật bác thường ngâm “Chinh phụ ngâm” cho các đồng chí của mình nghe.

Cánh võng đay trong nhà Bác Hồ.

Về quê Bác, tôi bồi hồi đứng bên khung cửi dệt vải năm xưa của bà Hoàng Thị Loan. Nghe bà con ở làng Sen kể, tôi mới biết ở Kim Liên có một nghề phụ rất phổ biến lúc nông nhàn là dệt vải, kéo sợi. Ở Kim Liên trước đây, nhà nào cũng kéo vải. Nghề kéo vải thường là nghề của đàn bà, con gái. Kéo một mình thì buồn, nên các bà, các cô thường rủ nhau tụ họp tại một nhà nào đó trong thôn xóm, không chỉ để tiện đèn dầu mà còn để động viên nhau, cổ vũ lẫn nhau và hát.  Phường vải hội họp sinh ra từ đó và đây cũng chính là ngọn nguồn của tục hát ví, hát phường vải. 

Nghe nói bà Hoàng Thị Loan là một trong những nghệ nhân xuất sắc một thời trong làng hát phượng vải. Sau này khi theo ông Nguyễn Sinh Sắc đưa những đứa con vào Huế, ở đất Kinh thành, bà vẫn sắm khung cửi để dệt vải nuôi chồng dùi mài kinh sử, thi cử và nuôi các con chăm ngoan học hành khôn lớn. Khi lên thăm mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, tôi thấy kiến trúc sư thật có lý và tinh tế sâu sắc khi thiết kế toàn bộ phần mộ được che bằng giàn hoa xây bê tông kiểu dáng như giàn hoa ở Phủ Chủ tịch. Đặc biệt giàn hoa này lại giống như một chiếc khung cửi cách điệu mà hai đường lên xuống với hàng trăm bậc thang lát đá giống như hai dải lụa đào.

mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh
Mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh.

Và tôi bồi hồi lặng đi khi biết giàn hoa được phủ bằng những gốc hoa giấy đưa từ khu mộ ông phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, về trồng ở đây. Bỗng ngân vọng trong tôi hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Bảo Định Giang, đẹp như một áng ca dao thuần Việt: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”... Hai câu thơ ấy cứ vào nhịp ru của cánh võng làng Sen quê Bác, mà ngân lên mãi mãi...

                                                                                                                       Hà Tĩnh, tháng Năm năm 2021

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top