Vịt bầu
Cò Bé nuôi một chú vịt bầu. Lông chú trắng muốt. Đôi mắt tròn vo, bao giờ cũng ngó nghiêng, dò ý Cò Bé. Dáng chú bệ vệ, đi lại lạch bạch ộ ệ, rất ngộ nghĩnh.
Mỗi khi Cò Bé đi câu, chú thường theo ra bờ sông lăng xăng dưới chân. Khi câu được cá, chú thường rối rít nhảy nhót đòi ăn. Thái độ xem chừng mất nết. Nếu câu được cá to thì chú đừng mơ. Đó là phần của Cò Bé.
Nhưng khi được cá nhỏ, Cò Bé hào phóng tặng chú. Chú hồ hởi ngước cổ lên trời, nuốt ngay không đắn đo gì. Vừa nuốt vừa khẽ rung mỏ cạc cạc, xem chừng khoái chí lắm.
Mỗi khi Cò Bé ra vườn trồng cây, chú lẽo đẽo theo sau. Khi xới đất, nếu lộ ra con giun con dế là chú lao vào rúc đất bắt ngay. Ăn rất ngon lành. Đôi mỏ lấm lem bùn đất lắc lắc, trông quá chán.
Chả hiểu sao vịt bầu không ra sông ra đồng bơi lội cùng chúng bạn vịt làng. Chú chỉ quanh quẩn ở góc sân vườn nhà.
Mỗi khi Cò Bé đi học về, chú lao ra tận ngõ đón. Rồi vừa lạch bạch lắc lư theo về nhà, vừa khẽ kêu cạc cạc. Ý hỏi Cò Bé có gì cho chú không. Khi đó Cò Bé đưa tay xoa đầu chú, chú nũng nịu dúi dúi mỏ vào cổ tay. Đôi mắt trong veo ngước nhìn Cò Bé như muốn mách điều gì.
Một ngày, anh Cò To cùng các bạn ở trường đại học về chơi. Nhà không còn đồng nào. Đành phải giết vịt bầu đãi khách. Mọi người uống rượu và nức nở khen thịt vịt thơm ngon. Các anh chị ai cũng khen Cò Bé chăm ngoan, nuôi vịt giỏi. Hôm ấy, Cò Bé thương vịt bầu, không ăn một miếng nào.
Sau khi anh Cò To và các bạn anh đi rồi, tự dưng nước mắt Cò Bé cứ chảy ròng ròng...
Nhiều tháng sau Cò Bé vẫn thẫn thờ ngẩn ngơ nhớ vịt bầu.
Vịt què
Một đêm, Cò Bé đi chơi về khuya. Khi đến ngõ, nó nghe thấy tiếng kẹc kẹc trong vườn hương nhu sau miếu. Nó bí mật rình xem. Dưới ánh trăng mờ, một đàn vịt con khá đông đang rúc rích kiếm ăn. Thấy động chúng nghển cổ ngó nghiêng. Những đôi mắt tròn lấp lóa dưới trăng.
Thấy lạ Cò Bé tiến lại gần, lũ vịt hoảng hốt dồn lại, tìm cách trốn. Một cụ già ngồi bên gốc duối cổ sau miếu vẫy nó đến. Cụ già lạ trông nhỏ nhắn, chân thật, hiền lành, củ mỉ cù mì.
Thấy đàn vịt con đẹp. Cò Bé xin cụ một đôi. Cụ già ra hiệu chỉ cho một con. Nó đi ra phía đàn vịt để bắt. Nhưng đàn vịt cứ nép vào nhau, lùi mãi lùi mãi vào đám hương nhu. Nó không sao bắt được. May mắn, cuối cùng nó cũng tóm được một con.
Hả hê, nó mang vịt con ra chỗ cụ già. Cụ ra hiệu cho nó thả xuống đất. Con vịt nhảy lò cò. Hóa ra con vịt què, chỉ có một chân. Bực mình, nó chạy ra đàn vịt để bắt con khác. Nhưng đàn vịt chập chờn rồi mất dạng trong vườn hương nhu, văng vẳng tiếng kêu kẹc kẹc.
Nó quay lại gốc duối, không thấy cụ già đâu. Chú vịt què nhảy lò cò dưới đất cũng biến mất. Bỗng nó lạnh toát người, dựng tóc gáy.
Sau đêm ấy, Cò Bé ốm một trận thập tử nhất sinh. Phải lập đàn cầu cúng mãi mới khỏe lại được.
Bà đồng mắng nó: "Tiên ông cho một con vịt vàng mà lại chê. Báng bổ. Sống được là phúc tổ ba đời!".
Sáo đen
Cò Bé nuôi một chú sáo đen mỏ vàng từ khi còn lông sữa non bấy. Chú chưa biết mổ, mỗi khi cho ăn phải dùng tay bóp mỏ cho thức ăn vào sâu trong miệng, chú mới nuốt được.
Chú sống với Cò Bé đã nhiều năm. Khi còn nhỏ, chú lẵng nhẵng đi theo. Suốt ngày hai cánh xã ra. Luôn miệng "khách khách" đòi ăn, sốt ruột lắm. Chú rất ngộ nghĩnh. Cò Bé thường bắt cào cào châu chấu cho chú ăn.
Lớn dần, chú tự bay ra đồng kiếm mồi. Khi no, chú về đậu trên cây xoan đầu hồi, rỉa lông và hót véo von. Càng trưởng thành, giọng hót của chú càng trong trẻo, lảnh lót, vang xa.
Chú thường luẩn quẩn quanh nhà. Nghe thấy tiếng huýt sáo là sà xuống ngay. Khi ấy, bao giờ chú cũng được thưởng một món ăn khoái khẩu.
Khi ở ngoài đồng, chỉ cần huýt sáo, nếu ở gần đó, thể nào chú cũng bay vút tới, nhẹ nhàng sà xuống vai, mắt ngó nghiêng nhìn vào mặt Cò Bé, dáng vẻ láu lỉnh, ý hỏi có gì ăn được không.
Rồi một ngày, có nàng sáo cái hoang đến ve vãn tán tỉnh sáo đen. Mấy hôm đầu sáo đen mỏ vàng tỏ vẻ thờ ơ, không thiết. Sau dần dà, chú cũng siêu lòng. Chúng trở thành một đôi bạn thân thiết suốt ngày véo von ca hát và cùng nhau bay ra đồng kiếm ăn.
Mỗi khi nghe tiếng Cò Bé huýt sáo. Sáo đen mỏ vàng vẫn sà xuống vai nhận thức ăn và sự vuốt ve. Khi đó sáo cái đứng từ xa ngó nghiêng, cảnh giác.
Dần dà, sáo đen mỏ vàng thường theo sáo cái bay đi thật xa. Không biết đi đâu. Có khi ngày chỉ về nhà một đôi lần, có khi hai ba ngày mới về.
Có lần chú về, Cò Bé huýt sáo, chú sà xuống vai. Cò Bé đưa tay nắm thân chú, chú tròn xoe mắt nhìn thẳng vào mắt Cò Bé. Ánh mặt thật lạ, rồi chú mổ vào tay Cò Bé đau nhói. Cò Bé buông tay, chú bay vút lên trời lượn một vòng, rồi lại lẹ làng đậu xuống vai Cò Bé.
Ngày tháng thấm thoát... Không hiểu sao, rồi chẳng thấy sáo đen mỏ vàng về nữa.
Sáo nghệ
Có người cho anh Cò To một con sáo nghệ non. Nó bấy quá, hình dong oặt ẹo. Phải gỡ mỏ cho thức ăn vào họng rồi đổ từng thìa nước cho trôi xuống. Cứ thế rồi nó cũng hồi tỉnh, dần đi lại được.
Sáo nghệ rất ít nhời. Khi đói, nhũng nhẵng đi theo mọi người nhưng không kêu đòi ăn. Khi cả nhà ăn cơm, sáo nghệ quanh quẩn bên mâm cơm, vươn cổ đuổi ruồi. Không bao giờ dám thò mỏ lấy thức ăn ở mâm. Ai cho gì nó đều nhặt nhạnh ăn hết. Ăn xong lại vươn cổ đuổi ruồi. Sáo nghệ rất thích món ớt chỉ thiên và chỉ uống nước ở giếng nhà.
Sáo nghệ có chỏm đầu màu vàng ươm như nghệ, đẹp lạ lùng. Nó đi lại quanh sân thoăn thoắt, dáng vẻ lẹ làng, thanh thoát mạnh mẽ, rõ ra dáng vóc quân tử. Quê Cò Bé chỉ có sáo đen, không có sáo nghệ. Nghe nói, sáo nghệ sống ở miền trong, xa lắm.
Sáo nghệ đôi khi bay ra đồng kiếm ăn, nhưng ngoài đó nó không có bạn, nên kiếm ăn xong là bay về ngay. Sáo nghệ quanh quẩn đậu trên cây xoan, cây thị vườn nhà và hót. Tiếng sáo nghệ trong vắt, ngân nga, vang vọng lanh lảnh như chuông vàng, cả làng đều thích. Ai cũng nói, đó là loài chim quý, ở quê chưa bao giờ có con chim nào đẹp và hót hay như thế.
Một buổi sáng, Cò Bé thái rau lợn ở sân, sáo nghệ đang líu lo trên cành xoan đầu hồi. Bỗng nghe tiếng “bụp” ngoài ngõ. Rồi sáo nghệ rơi bịch xuống sân. Nó ngoái cổ nhìn Cò Bé, chân và cánh giãy dụa trong vũng máu. Cò Bé chạy đến cầm sáo nghệ lên. Thân nó đầm đìa máu nhưng mắt vẫn mở to nhìn Cò Bé cầu cứu.
Đúng lúc ấy, chú Hống chạy vào, sừng sộ giằng sáo nghệ từ tay Cò Bé. Nách chú cắp một khẩu súng. Cò Bé khóc òa lên, chú cầm khẩu súng chĩa vào người dọa bắn. Rồi chú đắc chí xách sáo nghệ đi ra ngõ.
Cò Bé biết chú Hống là con ông Hách, mới đi Tây về, mang về nhiều của lắm, trong đó có một khẩu súng. Suốt ngày, chú lùng sục khắp làng trên xóm dưới, bắn chim săn cò.
Từ ngày chú về, làng vắng dần tiếng chim.../.