Aa

VESAK 2561 tại đất nước Phật giáo Sri Lanka, nghĩ về bảo tàng Phật giáo Việt Nam

Thứ Năm, 20/05/2021 - 16:00

Tinh hoa của nền văn hóa Việt chính được kết tinh từ nền văn hóa đạo Bụt mà thành. Tước bỏ niềm tự hào đó là tước đi cốt yếu bản sắc Việt của dân tộc Việt.

Ngày cuối, ngày bế mạc, được chính phủ Sri Lanka tổ chức tại Thành phố Kandy. Đoàn chúng tôi phải khởi hành từ sớm để ra tàu hỏa và di chuyển bằng tàu hỏa về Kandy để kịp ăn trưa và nghỉ ngơi, để đầu giờ chiều được chiêm bái Xá Lợi Răng Bụt. Kandy cách Colombo gần 150km.

Kandy là một thành phố cổ, xưa là kinh đô của vị hoàng đế cuối cùng của Sri Lanka, Hoàng đế Sinhala Sri Wickrama Rajasinghe. Thành phố Kandy này nằm ở độ cao như ở Đà Lạt chúng ta, nó là một thành phố trên núi. Ở đây nổi tiếng có đền Dalada Maligawa, đèn Răng Bụt, nơi thờ Xá Lợi Răng của Bụt. 

Xe tiến lên gần khách sạn để ăn trưa, xe đang uốn lượn trên đường, bỗng hiện ra trước mắt cảnh tượng tuyệt đẹp của hồ Kandy làm chúng tôi ngỡ ngàng như bước vào một thế giới vừa thực vừa ảo. Vì xe đang lên dốc ở độ cao, thì mặt hồ hiện ra đối diện, làm cho ta nhìn nó tựa như đang treo lơ lững cả một thung lũng nước trên không. Đây là một hồ nhân tạo được tạo ra bởi vị hoàng đế cuối cùng. 

Điều gây niềm hứng khởi, tò mò và thành kính đến rung cảm hồi hộp nhất là việc chờ đợi giây phút được chiêm ngưỡng Xá Lợi Răng Bụt. Chúng tôi được hướng dẫn rất kỹ là tuyệt đối không được mang điện thoại và máy ảnh vào khu vực tôn trí Xá Lợi. Hàng ngàn người nối nhau chờ đợi và sắp hàng đứng chật kín cả một không gian rộng lớn của đền. Sau khi chiêm ngưỡng Xá Lợi Răng, chúng tôi đến tham quan bảo tàng Phật giáo của Sri Lanka nằm trong khuôn viên này. 

Bảo tàng không quá hoành tráng lắm, nhưng đủ cho ta có một cái nhìn bao quát về quá trình phát triển của đạo Bụt từ ngày vào Sri Lanka. Bảo tàng còn trưng bày giới thiệu về đạo Bụt của nhiều nước trên thế giới và khu vực trong đó có Việt Nam. 

Nhờ đến bảo tàng này chúng tôi lần đầu tiên được nhìn và biết đến các bản kinh bằng Lá bối. 

 

Tôi nghĩ về Việt Nam, một đất nước có chiều dài trên 2.000 năm đạo Bụt du nhập hình thành và phát triển gắn chặt song hành với quá trình dựng nước và giữ nước; một Đạo Bụt đã thấm đẫm và làm nên Văn hoá Việt lại không có cho mình một  bảo tàng Phật giáo riêng biệt cho niềm tự hào của dân tộc?

Niềm tự hào về Văn hoá Việt là gì, nếu bỏ hết đi kiến trúc chùa chiền, hệ thống điêu khắc tượng pháp lẫn nếp sống đức tin đạo Bụt của người Việt? Câu trả lời là chẳng còn gì đáng kể, hay nói đúng là đã bỏ đi phần linh hồn của dân tộc khi không kể đến đạo Bụt.

Trên đất nước Việt Nam này có bao nhiêu bảo tàng?

Bảo tàng cho ngành công an, ngành quân đội, bảo tàng cho súng ống và các cuộc chiến tranh, thế mà một bảo tàng hẳn hoi cho Phật giáo lại không. Gần đây, ở tầm vóc một tỉnh và một ngôi chùa cá nhân, Bảo tàng văn hóa Phật giáo được xây dựng, đó là chùa Quan Âm ở Ngũ hành Sơn Đà Nẵng.

Có lẽ, cái ý thức về tầm quốc gia cho niềm tự hào về văn hoá Phật Giáo chưa có ở người lãnh đạo và các nhà văn hóa lớn của đất nước?

Vì vậy, ở tầm quốc gia, ví như vào dịp Việt Nam tổ chức Vesak chẳng hạn, các phái đoàn quốc tế về dự Vesak ở Việt Nam, chúng ta giới thiệu cho họ, chúng ta đã nhìn nhận đạo Bụt tầm quốc gia cho niềm tự hào về lập quốc của mình chưa? Tôi được biết là vào năm 2019 Việt Nam đăng cai tổ chức Vesak. Tinh hoa của nền văn hóa Việt được kết tinh từ nền văn hóa đạo Bụt mà thành. Tước bỏ niềm tự hào đó là tước đi cốt yếu bản sắc Việt của dân tộc Việt./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top