Thị trường mở cửa với những tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới cũng như khu vực đã tạo đà tăng mạnh ngay từ phiên ATO, qua đó giúp củng cố tâm lý cho nhà đầu tư trong nước.
Đà tăng từ nhóm ngành ngân hàng là nhân tố chính giúp các chỉ số thị trường bật xanh mạnh như BID, VCB, ACB, CTG… Bên cạnh đó là những đóng góp từ nhóm Bluechips VHM, VRE, VJC, MWG, PNJ, FPT, HPG, MSN… Ngoài ra nhóm cổ phiếu dầu khí cũng có những giao dịch tích cực đến từ GAS, PVS, PVD…
Có thể nói các cổ phiếu đua nhau bứt phá, nhất là các cổ phiếu có tính dẫn dắt. Càng về cuối phiên giao dịch, đà tăng càng được khẳng định đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp các nhóm ngành. Số mã xanh chiếm áp đảo mã đỏ với 444 mã xanh/164 mã đỏ.
Phiên hôm 31/10 cũng là phiên tăng điểm cao nhất kể từ hồi đầu tháng 5/2018 với hơn 26 điểm. Đà tăng này đến từ những tín hiệu tích cực như hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở của 12 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, ABBank, ACB, MB, OCB, TPBank, VIB, Techcombank, VPBank, HDBank. Riêng trường hợp Sacombank, mức triển vọng được chuyển từ tiêu cực sang ổn định.
Từ đó, BID bật tăng trần ngay từ phiên sáng lên 29.500 đồng/cổ phiếu, VCB tăng 2,6% lên 55.600 đồng/cổ phiếu, CTG tăng 5,4% lên 23.400 đồng/cổ phiếu và ACB tăng 6,3% lên 30.300 đồng/cổ phiếu.
Thêm nữa, kết quả kinh doanh ấn tượng được công bố từ 2 ông lớn VHM và VRE đã khiến cả 2 cổ phiếu này bật tăng mạnh. Cụ thể, VHM tăng kịch trần lên 66.400 đồng/cổ phiếu còn VRE cũng tăng 5,7% lên 29.800 đồng/cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền thưởng cổ phiếu tỷ lệ 22,5%.
Theo báo cáo hợp nhất 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Công ty cổ phần Vinhomes (VHM) đạt 15.101 tỷ đồng – gấp 5 lần cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.196 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận “khủng” như trên đã tiếp tục Vinhomes giữ vị trí quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán.
Cũng theo báo cáo hợp nhất, trong quý 3, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Công ty Cổ phần Vincom Retail (VRE) đạt 2.949 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế quý đạt 675,5 tỷ đồng, tăng 240 tỷ VND (55%) so với cùng kỳ năm trước. Tính tới ngày 30 tháng 9 năm 2018, lợi nhuận sau thuế của VRE hơn 1.717 tỷ đồng và có 60 trung tâm thương mại đang hoạt động trên toàn quốc.
Đà tăng của thị trường còn đến từ những lỗ lực của nhóm dầu khí với GAS bật tăng 5% lên 104.000 đồng/cổ phiếu, PVS tăng 1,1% còn PVD tăng kịch biên độ lên 16.650 đồng/cổ phiếu sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III/2018. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu thuần của PVD đạt 1.333 tỷ đồng, cao hơn 5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 112 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ 2017.
Các mã nhóm xây dựng, bất động sản, tài chính, thủy sản và dệt may… cũng thu hút dòng tiền khá tốt khi xuất hiện nhiều mã tăng kịch trần như DXG, LDG, VND, TCM, CMX, HVG…
Nhóm cổ phiếu thép lại có diễn biến trái chiều. Trong khi HPG tăng 4% lên 40.250 đồng/cổ phiếu thì HSG lại giảm “trắng bên mua” sau thông tin lỗ quý IV/2018 hơn 100 tỷ đồng và ngày càng lún sâu vào nợ (tổng cộng hơn 14.300 tỷ đồng). NKG cũng chung cảnh tương tự khi giảm khịch biên độ.
Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-index tăng 26,07 điểm (2,93%) lên 914,76 điểm. Hnx-index tăng 3,63 điểm (3,57%) lên 105,35 điểm và Upcom-Index tăng 1,11% lên 51,78 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với 207 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên cả 3 sàn, giá trị đạt 3.900 tỷ đồng. Tuy nhiên , khối ngoại vẫn bán ròng hơn 170 tỷ đồng trong phiên hôm nay, tập trung nhiều ở VNM, VHC, CTG và HDB.
Trong phiên giao dịch 31/10, điểm số tập trung chính ở 3 nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và năng lượng. Đây là phiên hồi phục đầu tiên khi Vn-index bị quá bán (RSI<30), tuy nhiên, giai đoạn này chưa phải là lúc xuống tiền. Vì vậy, nhà đầu tư nên chọn lọc cơ hội và thời điểm hợp lý để vào hàng.