Về Thái Bình có đồng xanh biển bạc, có một khác biệt nữa của miền duyên hải đó là nơi có thể đi săn vịt giời ở cồn Vành, cồn Đen. Bạn sẽ thấy phù sa trên biển từ cồn cát non, nhờ thời gian đã hóa cát non thành cồn trên mặt nước biển. Cồn Vành nửa thế kỷ trước vẫn còn hoang sơ lắm.
Nếu ai thích hoang sơ hãy tận hưởng biển trời nơi này, rồi nhớ đến cồn Đen, chèo thuyền qua vùng ngập mặn, thấy trong người lãng đãng mây trôi, ngơ ngẩn nhớ thuyền thúng ở làng dừa 7 mẫu Cẩm Châu Hội An. Cồn Đen đem lại cho người ta cái thú ngửa mặt muốn vớt trăng ngày trên biển.
Gần đó là Resort Đồng Châu, đang được đầu tư đầy hứa hẹn trong tương lai gần, là vùng du lịch sinh thái biển tuyệt đẹp, với cảnh sắc thiên nhiên, Thái Bình có nhiều di tích lịch sử, nổi tiếng với đền A Sào, đền Trần, có chùa Một Cột, chùa Keo cổ kính… Ở đây còn có những đồng cói xanh, ngư dân vẫn ngợi ca cây lúa và cây cói. Đồng Châu đang thay đổi tốc độ. Doanh nhân của tỉnh hiện rót vốn tiền tỷ cho việc trồng cây sinh thái ven biển, khu vui chơi giải trí và chú trọng tới ẩm thực đặc sắc của địa phương.
Nhiều năm trước tôi đã từng đi câu mực, câu tôm ở cồn Vành, khi đó gặp vị “chúa đảo” cồn Vành tên là Nhượng. Ông là người trồng rừng đầu tiên trên bãi cát non, sau bãi cát non thành cồn, thành đảo; người đầu tiên gieo hạt và gây dựng rừng phi lao chắn sóng. Ông còn mơ thấy Tiên, trong giấc mơ thấy Tiên chỉ cho cái giếng nước ngọt trên đảo trong một đêm tối gió mưa và ông đợi đến sáng, vừa lục lại giấc mơ, vừa đi tìm trên cồn thì thấy một vũng nhỏ, sục tay xuống múc nước thì đó là nước ngọt.
Ông sướng khôn tả tự cho là mình được Tiên cho nước. Ông gọi đó là cồn Tiên. Rất nhiều năm sau đó ông Nhượng trồng phi lao trên đảo, ngày nắng đẹp thường đi câu cá và cho ngư dân nước ngọt khi có tàu thiếu nước ghé qua. Cũng nhiều năm đội sóng hứng gió, ngoài thời gian trồng phi lao, ông Nhượng đi câu cá nướng ăn, lầm lũi trồng rừng trên đảo. Cũng từng có năm mùa nước cạn khô, ông vác gạo đi bộ từ đất liền ra cồn Vành trồng cây gây rừng. Sau đó ông đưa truyền tin để các ngư dân, các thuyền đi biển đánh cá khi thiếu nước ngọt, nhớ ghé vào đảo cồn Vành lấy nước ngọt mà dùng. Ông Nhượng vẫn gọi cồn Vành là cồn Tiên. Người bản địa quanh đảo quen gọi cồn Vành là cồn Tiên là thế chăng?
Đã mấy chục năm rồi tôi mới trở lại nơi này, không gặp ông “chúa đảo” tôi hỏi thăm các bạn trẻ, họ đều không hay biết. “Chúa đảo” tên Nhượng bao năm, đơn độc trồng rừng, bao câu chuyện ông kể với tôi đã bị sóng xóa đi, hay bị vùi trong cát? Bao nhiêu đợt sóng xô bờ cuốn đi tận chân trời câu chuyện đời ông trồng phi lao trên đảo.
Có lần vợ ông Nhượng thấy chồng nửa năm ở biển không về nhà, bà sốt ruột, ra đảo thì thấy ông đang chôn cất người trôi dạt trên biển. Ông Nhượng khóc thương cúng giỗ, dù không rõ quê hương bản quán người dưng. Trái tim người xót thương cho phận người nhỏ bé trên biển cả bão giông. Ông thiện lương, đi câu cá cúng cơm hàng ngày cho người chết xấu số. Không rõ ông Nhượng từng chôn cất, cúng giỗ bao người không tên tuổi trên cồn cát...
Ông đi kéo lưới được cá tôm đều đem cúng giỗ người dưng. Việc làm ấy chỉ có biển biết và trời biết! Rồi những người dưng không rõ tên tuổi kia đã phù hộ độ trì cho ông, sau khi đi tìm mạch nước ngọt, họ ban cho ông Nhượng một giếng nước ngọt là lộc của biển.
Năm đó, ông còn đánh lưới được cá Sủ vàng, bán cho một đơn vị dược liệu của nước ngoài, họ tìm mua về để thí nghiệm, làm ra một chất chỉ tự tiêu, khâu lành vết thương cho con người sau phẫu thuật. Năm đó chiếc cầu nối giữa ông với ngư dân đánh cá, ngư dân, ai kéo lưới được cá Sủ dành bán cho công ty dược liệu trong nước và có cả đơn đặt hàng của nước ngoài.
Những năm đó, bàn tay ông đã khai phá mở rừng đầu tiên, trồng phi lao ở cồn Vành nhân rộng ra, trên bãi cát non từ hơn hai mươi năm trước; và nó đã trở thành cồn Vành hôm nay. Người đi giăng lưới kéo cá Sủ vàng từng kể, có con cá Sủ vàng nặng tới hơn 50kg.
Cá Sủ vàng có một tác dụng quan trọng trong Y học, và nó có giá hàng triệu đồng/kg. Những năm đó ngư dân vùng biển này thường có đơn đặt hàng mua cá Sủ làm dược liệu. Ngư dân cồn Vành còn gọi cá Sủ vàng một tên khác là: Cá Thủ vàng.
Cồn Vành đã có nhiều rặng phi lao ôm quanh hòn đảo; tôi vẫn nhớ “chúa đảo” tên Nhượng, tôi đi tìm ông, hỏi thăm mà các bạn trẻ đều không ai biết, họ toàn lắc đầu và dán mắt vào máy điện thoại. Họ thờ ơ và không nhiệt tình lắm với ký ức của đảo. Tôi đành phải đi cồn Đen để xem cồn Đen, đỡ nhớ cồn Vành...
Biển Đồng Châu không có sóng bạc, chỉ còn lại đồng xanh của lúa và cói. Cồn Đen sau dịch Covid-19 vắng hoe, các sân chơi lặng phắc, nơi đi ra rừng ngập mặn cũng neo thuyền trên bến vắng. Rừng phi lao ngủ trên biển. Cồn Đen vẫn khai thác nuôi trồng hải sản, họ nuôi ngao, tôm đất, và họ đi đào con móng tay để bán cho các nhà hàng và khách sạn trong thành phố biển lân cận. Có thể nói ở biển Thái Bình nhiều cá song hoa, cá chim trắng và tôm hùm, biển ở đây thật giàu có về hải sản.
Rong ruổi Thái Bình nếu bạn không đi biển thì du lịch văn hóa lịch sử, nơi còn đó là đền Trần; nơi đó là chùa Keo cổ kính, bài viết này tôi chỉ nói đến đền Trần, hai bên còn có hai ngôi đền cổ kính, đều thờ tướng lĩnh nhà Trần và công chúa đời Trần ở đất Hưng Hà, lừng danh tên tuổi. Đền Trần như trang sử thi lưu dấu về tổ tiên nhà Trần làm nghề chài lưới, phiêu dạt từ Quảng Ninh, rồi Hà Nam sau mới ngụ tại đất Hưng Hà, nơi yên vị cả ba lăng mộ nhà vua: Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thái Tông. Các tướng tài thời Trần cũng được thờ phụng vinh danh với nước non. Nhiều thế hệ trẻ tới đây học sử qua ngôi đền cổ.
Đang là mùa gặt, lúa chín phơi đầy trước cổng đền, hai bên đền những ao sen lá đã tàn, vẫn đẹp của lá sen tàn mùa thu. Nếu là mùa hoa không gian này ngào ngạt hương sen, hương cau. Một vùng thiên nhiên hoa thơm trái ngọt, một vùng thiên nhiên chan đẫm sử thi.
Ở đó bạn sẽ dâng hương thái thượng hoàng Trần Thừa, Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, và thái sư Trần Thủ Độ… Không gian ở đền còn lại dấu xưa trầm mặc và linh thiêng. Rồi bạn sẽ ghé đền thờ Nguyễn Công Trứ, cách đền Trần không xa, nơi có con sông Trà lý, sông Lân, sông Cái, một vùng ngập mặn, xa xưa có doanh sứ Nguyễn Công Trứ đã tới đây giúp dân nghèo Tiền Hải khẩn hoang, biến vùng ngập mặn thành nơi gieo trồng, làm muối, trồng cói để xóa đi cơ hàn, mang lại ấm no cho ngư phủ. Ông được nhân dân tôn thờ ghi nhớ công lao và lập đền thờ rộng lớn ở quê hương Tiền Hải.
Thắng cảnh nơi đây còn nhiều vẻ đẹp của thôn dã, đi du lịch vùng này thích nhất là những món ăn miền biển tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức gỏi nhệch, sứa muối, canh cá quỳnh Côi. Canh cá Quỳnh Côi thì thật không đâu ngon bằng ở Thái Bình đó là món ngon đặc sắc, dân bản địa nấu cá với rau rút mùa hè, nấu cá với rau cải cúc mùa đông.
Khi cá được dằm với gừng nướng lên thơm khắp cả gian bếp... cũng có người nấu canh cá với bánh đa, mà canh bánh đa sợi mỏng, chọn gạo chiêm từ mùa trước làm bánh đa mới ngon. Sợi bánh dai, giòn, mát mịn. Có thể nói cách nấu bát canh cá Quỳnh Côi của bà hay của mẹ ta nấu thì tốt nhất ta cứ ngồi mà xì xụp, ăn đã, rồi hãy ngẩng lên cảm ơn mẹ và bà, món ăn nhớ vị Thái Bình khoai lúa.
Ngon nữa là món sứa nướng, hay con móng tay xào ớt chuông xanh ớt chuông đỏ, cánh mày râu thú nhất nhắm với rượu gạo quê thì ở biển quên về. Giữ chân du khách là món ngon ở cửa biển, là nhưng con thuyền đi qua bãi sú và rau muống biển.
Vẫn là nơi rong chơi mà đọc lại thời Lý Trần, gặp lại doanh sứ Nguyễn Công Trứ ở ngay dưới chân đền cổ, người cổ; để khi cúi xuống sự anh minh của ông cha ta từng vì nhân dân mà lao khổ. Ở đó ta ngoảnh lại trang sử có dấu chân voi, dấu chân vua tôi rời non lấp biển, nơi gốc gác thời Trần làm nghề chài lưới, trồng lúa mưu sinh, ngàn đời non nước Việt.