LTS: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Đặc biệt, nhiều công trình xây dựng trái phép đưa vào sử dụng khi không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy dẫn đến nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và thực tế đã có những vụ việc gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình trạng này, thời gian qua chính quyền Thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục triệt để các vi phạm đất đai, xây dựng.
Thế nhưng, câu chuyện tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất bị chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Dư luận đặt dấu hỏi trước việc hàng loạt công trình xây dựng trái phép mọc lên và thậm chí thản nhiên hoạt động, nhưng không thấy chính quyền buộc dừng thi công, xử phạt, hoặc có biện pháp xử lý, cưỡng chế.
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Bài học về xử lý vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng ở Hà Nội":
Bài 2: Cán bộ bao che vi phạm đất đai, xây dựng có thể bị xử lý hình sự
Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
Vì sao Hà Nội cần chỉ đạo, kiểm tra và giám sát, xử lý triệt để vi phạm?
Thời gian qua, công tác quản lý, xử lý vi phạm về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội “nóng” hơn bao giờ hết. Đặc biệt, tại những địa bàn quận huyện xảy ra tình trạng sốt đất thì tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép có diễn biến phức tạp. Thậm chí, có những vi phạm kéo dài qua các thời kỳ và đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm 2022, UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 7.825 công trình, thiết lập hồ sơ xử lý 174 trường hợp vi phạm.
Theo Sở Xây dựng, chính quyền đã xử lý dứt điểm 106/174 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 60,9% và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền: 68 trường hợp, chiếm tỷ lệ 39,1%. Các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đã được các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị các quận, huyện, thị xã thiết lập hồ sơ, đề xuất biện pháp xử lý và được chuyển đến UBND các cấp để xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.
Trước thực trạng trên, dư luận đặt câu hỏi tại sao tình trạng vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng lại không thuyên giảm, trong khi chính quyền Hà Nội đã có rất nhiều chỉ đạo về vấn đề này? Cụ thể, tại Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 18/3/2019 của UBND TP. Hà Nội quy định về “Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội” nêu rõ: “Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật”.
“Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”, Quyết định 04/2019/QĐ-UBND nêu rõ.
Cùng với đó năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Thông báo số 2354-TB/TU, truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội. Và gần đây nhất, vào tháng 3/2020, UBND TP. Hà Nội tiếp tục chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Thông báo số 2354-TB/TU kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Tháng 8/2022, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký ban hành Chỉ thị 14, chỉ đạo tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị.
Có thể thấy, Thành ủy và UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã cần xử lý nghiêm các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng trên các địa bàn thị trường bất động sản đang "nóng" như: huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thanh Oai… vẫn diễn ra phức tạp nhưng nhiều trường hợp không bị xử lý, hoặc xử lý chưa triệt để.
Cán bộ bao che có thể vi phạm pháp luật hình sự
Trao đổi về việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định về đất đai, xây dựng trên địa bàn Hà Nội, Luật sư Lương Thành Đạt - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vì Chân Lý Themis cho biết, về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Theo đó, chính quyền địa phương từ cấp UBND xã, phường đến UBND quận, huyện các cơ quan chuyên môn thuộc UBND không thể nói là không biết việc vi phạm. Bên cạnh đó, Nhà nước giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện hoạt động quản lý hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng mà các cơ quan này lại không biết việc vi phạm thì các cơ quan chức năng chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.
Theo luật sư Đạt, trong trường hợp nếu cơ quan, người có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng, phường đã phát hiện việc lấn chiếm, xây dựng không phép mà vẫn để họ tiếp tục xây dựng thì hành vi này là bao che, cố ý làm trái quy định của Nhà nước thậm chí có ý kiến còn cho rằng việc để người dân vi phạm bởi cán bộ đã được "làm luật” thì rất nguy hiểm bởi vì nó làm mất đi niềm tin của nhân dân vào chính quyền, cán bộ.
“Nếu để xảy ra tình trạng như vậy, hành vi đó rất nguy hiểm bởi vì nó cổ xúy cho sự vi phạm pháp luật, mà lại vi phạm pháp luật diễn ra giữa Thủ đô thì càng không thể chấp nhận được và phải xử lý cán bộ bao che, dung túng cho sai phạm”, Luật sư Đạt nhận định.
Về chế tài xử lý, theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại Khoản 1 Điều 56 của Luật này.
“Những hành vi này của cán bộ có thể vi phạm pháp luật hình sự, theo đó nhẹ là 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' theo quy định tại Điều 360 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù từ 6 tháng đến 12 năm, hoặc tội liên quan tới quản lý xây dựng, đất đai”, Luật sư Đạt cho hay.
Như vậy có thể thấy, chính quyền Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo về việc quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn các quận huyện. Nhiều ý kiến cho rằng để không xảy ra tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, chính quyền cấp thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đồng thời có những biện pháp căn cơ để giám sát, xử lý triệt để vi phạm và quy trách nhiệm đối với người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.